Sổ tay EURO 2012: ẤN TƯỢNG KHARKIV

Thứ sáu - 15/06/2012 12:03

Ngay cả đối với những CĐV bóng đá cựu trào tại Việt Nam, không phải ai cũng quen thuộc cái tên Kharkiv (*), thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Nơi này chưa bao giờ là “thánh địa” của bóng đá đỉnh cao, cho dù tại đây có CLB Metalist (Thợ luyện kim), thời hoàng kim từng nhiều năm thi đấu ở giải Ngoại hạng Liên Xô, có lúc đoạt Cúp Quốc gia và Siêu cúp Xô-viết.


Kharkiv: mỗi góc phố có một cảnh sát - Ảnh: Ujlaky István


Tuy nhiên, cùng với việc Ukraine được đồng tổ chức EURO 2012, Kharkiv cũng có dịp trở mình, mở cửa với thế giới, đúng như tiêu chí của UEFA mà Chủ tịch, cựu danh thủ Michael Platini khẳng định: cần đưa bóng đá về những vùng miền còn chậm phát triển để tất cả có cơ hội hòa nhập vào guồng quay của Châu Âu.

Phóng sự của nhà báo Ujlaky István (Hungary) từ Kharkiv.

*

TP Kharkiv nằm cách Kiev 700 cây số một thời từng là địa điểm cực Đông của bóng đá Châu Âu. Sân vận động (SVĐ) và vùng lân cận mang dáng dấp một thị trấn tỉnh lẻ, có điều mỗi góc phố lại có một cảnh sát và gần như mỗi nơi như vậy lại kèm một tình nguyện viên (TNV) là các sinh viên thạo tiếng Anh. Đây là điều cần thiết cho kỳ EURO lần này, không phải chỉ người Ba Lan và Ukraine nghĩ vậy.

Đến Kharkiv bằng máy bay cũng không đơn giản, chặng chuyển tiếp ở Kiev khá tốn thời gian, phải mất hơn nửa ngày mới rời khỏi được phi trường tại đó. Sau nửa ngày, du khách khi ra tới cửa sân bay Kharkiv sẽ gặp ngay bầu không khí nóng nực mà theo dân bản địa cũng là hiếm có - âu cũng là thêm một điểm đặc biệt cho kỳ EURO 2012 lần này.

Đường về tới thành phố cũng khá lạ: không có mấy phi trường mà từ đó có thể đi ôtô chạy điện (trolleybus) vào trung tâm. Kharkiv là như thế, cho dù đương nhiên có thể đi taxi hoặc xe buýt nữa, nhưng đi phương tiện công cộng mới thích: ở bến cuối, những TNV nhiệt tình cổ động mọi người cứ đi lại thoải mái, không cần vé đâu, miễn là hôm đó có trận đấu và khách có vé vào cửa.

Như thế việc đi lại cũng rất tiện lợi và thành phố thì không đến nỗi quá tệ như trên những tấm ảnh xám xịt mùa đông mà tôi đã xem khi còn ở nhà. Tất nhiên Kharkiv không đẹp như Florence của Ý, nhưng cũng không đến nỗi nguy hiểm như chúng ta có thể nghĩ, cho dù góc phố nào cũng có cảnh sát. Đa phần họ chả có việc gì phải làm, có khi chỉ mệt mỏi vì phải mỉm cười liên tục một cách bối rối, chẳng hạn, như lúc một nhóm CĐV Đức tán tụng Ukraine, rồi xoay sang ca ngợi Shevchenko.

Thoạt nhìn có vẻ như kỳ EURO này rất tuyệt đối với mọi người dân ở đây: có cả các CĐV đến từ Brazil, Nhật, Trung Quốc và tất nhiên, từ nhiều nước Châu Âu. Cư dân địa phương biết rõ rằng sẽ phải còn rất lâu may ra họ mới có một dịp tương tự như vậy và như thế, trong chừng mực có thể, họ gắng sức hòa mình vào dòng “chủ lưu” và cảm thấy rất hài lòng, dễ chịu trong đó.


Những ngôi nhà hiền hòa mang dáng dấp một thị trấn tỉnh lẻ - Ảnh: Ujlaky István


Không chịu ở trong nhà, nhiều người ùa ra đường chỉ để ngắm dòng người tràn về phía SVĐ. Các bà các chị đội khăn, các tài xế mặc may-ô và giới thi sĩ nửa mùa quây quần trong những nhóm nhỏ, chuyện trò như pháo rang và nhìn ngó. Sự tò mò hiếu kỳ ấy không có gì lạ, vì một thống kê cho thấy 77% cư dân Ukraine chưa bao giờ đặt chân ra nước ngoài và một phần ba thì còn chưa hề ra khỏi vùng mình sinh sống. Nếu bỏ cư dân Kiev khỏi thống kê nói trên thì tỉ lệ này chắc chắn còn tệ hơn thế nhiều!

Trên đường tới SVĐ Metalist, tôi gặp một người bản địa sống tại một khu chung cư trong vùng, từ cửa sổ nhà anh có thể nhìn được ra sân, nếu nó không bị chắn bởi một khu chung cư khác cũng hệt như vậy. Anh chỉ cho tôi xem những con đường, nhin chung trông rất khá, và cho hay, người ta làm trong có một năm thôi, chứ trước đây đầy hố, chả khác gì đường đất, đến đi bộ cũng không dễ dàng.

SVĐ Metalist có hình một con nhện khổng lồ được xây năm 1926 trên khuôn viên nghĩa trang Thánh Linh với sự giúp đỡ của một nhà máy hỏa xa trong vùng và đã từng mang nhiều cái tên phù hợp với từng thời kỳ của CLB Metalist Kharkiv. Sau nhiều lần sửa chữa và nâng cấp, hiện tại sân Metalist có thảm cỏ nhân tạo có sưởi, hai bảng điện tử khổng lồ báo kết quả và cố nhiên, tất cả những tiêu chuẩn khác phù hợp với EURO.

Dầu sao đi nữa, Metalist Kharkiv cũng không phải là một đội bóng có hạng: CLB này hiện đang đứng thứ 39 trong bảng xếp loại các đội bóng Châu Âu của EUFA. Trong nước, dưới bóng hai “ông lớn” của bóng đá Ukraine là Dynamo Kiev và Shakhtar Donetsk, Metalist không mấy khi được giải gì đáng kể và do đó, đội còn không có phòng truyền thống, cũng như không có cửa hiệu bán đồ lưu niệm cho du khách.


SVĐ Metalist với “bộ dạng” của một chú nhện khổng lồ


Tuy thế, các CĐV Kharkiv vẫn có cái để tự hào về mình. Trong thời kỳ 1919-1934, Kharkiv là thủ đô của Cộng hòa XHCN Xô-viết Ukraine, nghĩa là thủ đô không chính thức của Ukraine, cho nên trong các trận đấu giới hâm mộ bóng đá TP này vẫn thường đồng thanh hô vang “thủ đô đầu tiên!” trên khán đài. Cho dù, họ biết rõ là dân Kiev chỉ mỉm cười khoan dung khi thấy cảnh tượng này.

Và điểm son là tại đây, các CĐV nước ngoài không hề gây gổ với nhau, ai nấy đều đánh giá cao các TNV được điều động từ nhiều trường đại học trong thành phố. Trước trận thư hùng vào buổi tối, hai người Đức lạc vào một nhóm CĐV Hà Lan và nhận được lời đùa hóm hỉnh “chúc các cậu trong trận đấu cuối cùng của giải”. Rồi tất cả cùng nhau phá lên cười, không chút tị hiềm.

Có thể bầu không khí hữu nghị ấy chỉ diễn ra vào chiều thứ Tư 14-6 này, nhưng chứng kiến hình ảnh nhóm CĐV Hà Lan hô vang trong sân “Ukraine! Ukraine!”, dường như có thể kết luận rằng, thế là ổn! Cần, rất cần một giải EURO ở vùng Đông Âu xa xôi thế này!

(*) Gọi theo tiếng Nga là Kharkov, là nơi diễn ra ba trận đấu của bảng B (Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Đan Mạch).

(**) Bài viết đã trích đăng trên “Tiền Phong”.

Hoàng Tuấn, theo origo.hu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn