BẢNG D: ẨM THỰC PHÁP HAY BÍ ẨN KIỂU “ĂNG-LÊ”?

Thứ hai - 11/06/2012 06:51

(NCTG) Ukraine lần đầu tiên có mặt trong cuộc đua tài lớn nhất của bóng đá châu lục vì lần đầu tiên được đăng cai giải (cùng Ba Lan), và “cầu thủ” nổi danh nhất của xứ sở này là Oleg Blokhin, chủ nhân Quả bóng vàng Châu Âu 1975, người mà trong mọi tổng kết về lịch sử thể thao đều được đánh giá như một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới thập niên 70-80 thế kỷ trước.


Oleg Blokhin, chủ nhân Quả bóng vàng Châu Âu 1975 - Ukraine hiện tại rất cần một cầu thủ như thế - Ảnh: Internet


Hiện, Blokhin là HLV tuyển Ukraine. Dưới sự dẫn dắt của ông, lần đầu tiên và cũng là duy nhất Ukraine có mặt tại một kỳ World Cup (năm 2006) và vào được tới vòng tứ kết. Dầu vậy, giá tuyển Ukraine có được một cầu thủ thực sự như ông trên sân cỏ thì tốt biết bao, cho dù, xứ sở này cũng có vài tên tuổi dày dạn kinh nghiệm trận mạc.

Chẳng hạn, Timoshchuk với gần 120 lần khoác áo tuyển quốc gia (so với Blokhin “chỉ” 112 lần), nhưng khó có thể gọi anh là cầu thủ tầm thế giới. Đoạt giải thưởng Quả bóng vàng Châu Âu 2004, Shevchenko cũng đã hơn 100 lần ra sân trong sắc áo đội tuyển, nhưng anh cũng đã qua thời sung sức nhất: ở tuổi 35, có lẽ EURO lần này là dịp cuối cùng để anh thể hiện tài năng trên đấu trường quốc tế.

Cũng như xưa, tuyển Ukraine dựa trên nền tảng CLB Dynamo Kiev, nhưng Dynamo bây giờ không thể sánh được với những thế hệ thời 1975 hoặc 1986, khi hầu như ở mọi vị trí đều có những cầu thủ xuất chúng. Oleg Blokhin là đại diện của cả hai thời kỳ đó, khi Dynamon Kiev 2 lần đoạt Cúp C2, ngang ngửa với những anh tài hàng đầu của Châu Âu trên tư cách một CLB của Liên bang Xô-viết.

Đội tuyển Ukraine hiện tại thì ngoài Blokhin đã ở độ tuổi lục tuần ra, không có nhiều điều để nói. Tất nhiên, Ukraine có lợi thế sân nhà, cho dù trong năm ngoái, đội này chỉ chiến thắng được những đối thủ nhỏ trong các trận giao hữu làng nhàng (Uzbekistan, Bulgaria và Áo), và chịu phơi áo trước Pháp (1-4), Thụy Điển (0-1) và Uruguay (2-3). Khả năng phục thù trên nguyên tắc là có, vì cùng bảng với Ukraine trong dịp này, lại vẫn là Pháp và Thụy Điển.

Sau hai kỳ EURO không mấy thành công, Pháp rất muốn trở lại được vầng hào quang cách đây 12 năm. Cho dù hiện tại, những chú gà trống xứ Gaulois khôgn có những tên tuổi lừng danh như ở thời Zizou, nhưng họ có một HLV từng là thành viên đội vô địch Châu Âu thời ấy, người đã tái dựng một đội tuyển Pháp hết sức có phương pháp. Laurent Blanc nhận nhiệm vụ năm 2010 và sau 2 trận thua ban đầu, tuyển Pháp đã giành được 13 trận thắng và 5 trận hòa.

Được coi là một đội quân đồng đều, có đấu pháp bình ổn và chiến lược chiến thuật tốt, Pháp có một thủ môn giỏi (Lloris), có hàng thủ vững (Mexes, Rami, Evra và Debuchy). Hàng tiền vệ gồm Alou Diarra, M’Vila hoặc Cabaye, hàng công gồm Ribery, Nasri, Valbuena hay Menez, Benzema hoặc Giroud được coi là những cầu thủ có sức bền lớn và khá khanh nhạy. Những chàng trai này đã từng chiến thắng Anh, Brazil và Đức, nghĩa là khó có thể coi thường họ.

Tuy nhiên, những trận chiến thực sự đang chờ tuyển Pháp. Chẳng hạn, một lần nữa, họ phải vượt qua tuyển Anh - còn nhớ, lần cuối cùng Anh “qua mặt” được Pháp là cách đây 15 năm trong giải “tứ hùng” Tournoi de France”, từ đó trở đi, cán cân giữa hai đội là Pháp thắng 4 trận và 1 trận hòa. Những kết quả và xu thế ấy cho thấy, những năm gần đây, Pháp luôn lấn át Anh trong các trận song đấu.

Thế nhưng, liệu Pháp có thể “chắc ăn” trong cuộc đối đầu với Anh ở vòng bảng? Không có gì chắc chắn, bởi lẽ tuyển Anh luôn là một dấu hỏi khổng lồ và bí ẩn, có lẽ còn hơn những câu chuyện về thám tử Sherlock Holmes. Xứ sở được coi là quê hương của bóng đá hiện đại chưa bao giờ lọt vào chung kết EURO - cho dù năm 1968 và 1996 Anh vào tới bán kết, nhưng nhìn chung, EURO đối với họ đa phần là những thất bại thảm hại và khó lý giải.

Không phải Anh có ít danh thủ và trong dịp này cũng vậy, nhưng Rooney bị cấm trong hai trận đầu vì chơi thô bạo trong vòng loạt, còn Terry, Ashley Cole, Gerrard, Lampard và Parker đương nhiên đều là những tên tuổi trong làng túc cầu Châu Âu, chỉ có điều họ cũng đã “quá thì”. Và không chỉ có Pháp, còn một đối thủ nữa và Anh cũng phải hết sức đáng gờm: tuyển Thụy Điển, đội quân mà từ năm 1988 tới giờ luôn “thượng phong” trước Anh trong những trận đấu quan trọng với 2 trận thắng và 5 trận hòa.

Cho dù cũng chưa bao giờ lọt vài chung kết EURO, nhưng Thụy Điển là đội có lối chơi rất kiên trì, bền bỉ và có thể gây nguy khốn cho bất cứ đối thủ nào. Ibrahimovic, siêu sao của đội mặc dù trong sắc áo tuyển quốc gia không được hiệu quả bằng ra quân dưới màu cờ AC Milan, nhưng nếu có hứng và đạt phong độ thì khó lòng cản nổi anh. Đặc biệt là nếu Ibrahimovic có những trợ thủ đắc lực phía trên như Elmander, Lustig và Martin Olsson

Thụy Điển là đội duy nhất đứng thứ nhì trong bảng của mình ở vòng loại mà được vào thẳng vòng chung kết EURO 2012. HLV Erik Hamren cũng chỉ từng là một cầu thủ xoàng xĩnh (CLB ông từng chơi, hiện xuống hạng tư trong Giải vô địch Thụy Điển). Nhưng biết đâu, cùng nhau, họ lại làm được bất ngờ gì đó, ít nhất là trong vòng bảng?

Trần Lê biên soạn


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn