BẢNG B: BẤT NGỜ CỦA EURO 1992 VÀ CÁC “ÔNG LỚN”

Thứ bảy - 09/06/2012 13:43

(NCTG) Đội tuyển Đức rất muốn phải trả những món nợ đáng kể khi thời gian gần đây, Đức Quốc không lên được đỉnh cao của bóng đá Châu Âu và thế giới - cả hai lần đều ngả mũ trước Tây Ban Nha, trong chung kết EURO 2008 và bán kết World Cup 2010 - nhưng ngay cả việc qua khỏi vòng bảng cũng không hề đơn giản!


Tuyển Đức sẽ chiến thắng như mong đợi của kiều nữ này? - Ảnh: origo.hu


Cho dù, Nationalmannschaft của HLV Joachim Löw đang là một đội tuyển xuất sắc, hiện xếp thứ hai trong bảng xếp hạng của FIFA. Nhưng, đối mặt tại bảng B với 3 trong số 7 thành viên của Top 10 có mặt trong kỳ EURO 2012 này - Hà Lan (thứ 4), Bồ Đào Nha (thứ 5) và Đan Mạch (thứ 10) - Đức chưa thể nói lời xác quyết.

Dầu sao, phải nói rằng tuyển Đức hiện tại không “chỉ” chơi hiệu quả, mà nhiều khi còn phô diễn lối đá tấn công ngoạn mục. Chủ trương lối đá sáng tạo, Joachim Löw có trong tay dàn tiền vệ và tiền đạo cừ khôi với Badstuber, Boateng, Khedira, Özil, Kroos, Götze - các cầu thủ này đã có vai trò lớn trong sự “mới hóa” bộ khung cũ Mertesacker, Lahm, Schweinsteiger, Podolski, Klose.

Với đội hình như thế, Joachim Löw còn tự cho phép mình tạm bỏ qua Schmelzer hay Grosskreutz-, những tên tuổi chủ đạo của CLB Dortmund, đội đã hai năm liền vô địch Đức và trong năm nay còn “cuỗm” Cúp Quốc gia nước này. Một cầu thủ của đội này, Hummels, đã được vào tuyển nhưng không có gì chắc chắn là anh được xuất trận trong đội hình chính tại kỳ EURO này.

Trên tư cách đội bóng thành công nhất trong lịch sử các kỳ Vô địch Châu Âu - với 3 HCV và 3 HCB - tuyển Đức luôn được chờ đợi ở thứ hạng cao và trong giải lần này, cả nước Đức vẫn đứng sau Löw với mong muốn cao nhất. Nhất là, đã 16 năm nay, Đức chưa có cơ hội đăng quan với chiếc cúp Châu Âu - HCV năm 1996 đã trở nên quá xa xôi với các “fan” nước này...

Hà Lan, đối thủ đáng gờm của Đức trong bảng B - với 1 HCV và 4 HCĐ trong quá khứ - cũng là một “ông lớn” tại các giải Châu Âu và đến nay, chắc hẳn vẫn không ai quên “đội hình vàng” của họ tại EURO 1988, khi bộ tam Van Basten - Gullit - Rijkaard đã chiến thắng “thế hệ vàng” cuối cùng của Liên Xô, được đặt căn bản trên đội hình Dynamo Kiev vừa đoạt Cúp C2 trước đó hai năm.

Tuy nhiên, Hà Lan luôn “khét tiếng” vì “thành tích” khiến các CĐV phải suy tim, khi không biết bao nhiêu lần cứ vào đến bán kết là họ dừng bước, lúc thì do thiếu may mắn, khi thì bởi phong độ sụt sùi. Một điều khả quan là vòng loại EURO 2012, họ đã chơi với phong độ ổn định (9 trận thắng và 1 trận thua duy nhất trước Thụy Điển, khi ngôi vị đầu bảng của họ đã được định đoạt trước đó).

Trận thua 0-3 trước tuyển Đức tháng 11 năm ngoái tại Hamburg có khiến giới cầm quân Hà Lan phải giật mình, nhưng trong dịp phục thù tại Kharkov sắp tới, chắc hẳn tỉ số sẽ không đến mức “một chiều” như thế. Thế trận Hà Lan - Đức được đánh giá là cân bằng, nhưng nếu cả bộ tứ Van Persie, Huntelaar, Kuytre và Robben đều có thể huy động được thì kết quả có thể còn nghiêng về phía các chàng trai áo màu da cam.

Dầu sao, cần phải thấy là Hà Lan cũng có những vấn đề cần giải quyết, mà một âu lo lớn là phong độ của Sneijder, người vừa trải qua một mùa giải không mấy thành công. Tài năng của cầu thủ này, trên cương vị một nhạc trưởng ở trung tuyến, là điều không thể phủ nhận, nhưng nếu trong dịp EURO này anh không chơi ở đỉnh cao thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới toàn đội vì chưa thấy ai thay thế được anh ở khoảng giữa sân.

Không có quá nhiều nhạc trưởng để có thể thay nhau cũng là vấn đề của tuyển Bồ Đào Nha, nhưng đội bóng này chơi có phần phóng khoáng và tự do hơn dưới sự dẫn dắt của HLV Paulo Bento, so với dưới “triều đại” của Carlos Queiroz, người bị coi là mờ nhạt và không được ưa thích lắm. Paulo Bento, cựu tiền vệ lùi từng 35 lần khoác áo đội tuyển, ngược lại, rất được yêu chuộng ở quê hương ông và càng được thích với lời tuyên bố: “Ai cho rằng nhà vô địch Châu Âu sẽ từ bảng chúng tôi mà ra, khả năng là người ấy không nhầm đâu!”.

Tất nhiên, kết quả chung cuộc không chỉ phụ thuộc HLV Bento, mà chủ yếu là tùy phong độ của siêu sao Cristiano Ronaldo: nếu C.R. chơi như trong CLB Real Madrid thì Bồ Đào Nha có thể đè bẹp bất cứ đối thủ nào, nhưng đáng ngại là trong số 88 trận khoác sắc áo Bồ, cầu thủ này có rất nhiều trận “phập phù”. Hàng thủ và trung tuyến của Bồ Đào Nha khá vững chãi, ngoại trừ những cú vào bóng ghê rợn của Pepe có thể khiến Bồ Đào Nha bớt đi một “nhân khẩu”, nhưng phía trên thì ngoài C.R. không còn tiền đạo nào thật “sắc”.

Tuyển Đan Mạch cũng vậy, nhưng xứ sở phương Bắc này rất tin tưởng vào một người, dù không thể ghi bàn nhưng thiếu ông thì 12 năm nay không thể nói đến một đội tuyển Đan Mạch ra hồn. Đó là Morten Olsen, người trước khi ngồi ghế HLV đã có gần 2 thập niên khoác áo tuyển Đan với 102 lần ra sân cùng những cái tên giờ đã trở thành huyền thoại như Arnesen, Lerby, Michael Laudrup hay Elkjaer-Larsen.

Thắng Đan Mạch hiện tại vẫn không phải là chuyện dễ dàng, cho dù họ không có đội hình xuất chúng như thời 1984, hoặc xuất thần ở mức bất ngờ như 1992, khi Đan Mạch đăng quang ngôi vương bóng đá Châu Âu. Tuyển Đan vẫn có nhiều cầu thủ mạnh về ý chí, nghị lực, nếu cần có thể chiến đấu suốt trận, nhưng thiếu những tên tuổi kinh điển có thể sáng lên vào những khoảnh khắc cần thiết nhất để quyết định cục diện trận đấu.

Christian Eriksen, cầu thủ trẻ nhất của World Cup 2010, nay cũng mới chỉ 20 tuổi và hiện đang khoác áo CLB Ajax Amsterdam có thể sẽ trở thành một cái tên như thế, như nhận định của thần tượng Johan Cruyff, theo đó, chỉ có thể so sánh anh với Brian và Michael Laudrup. Dầu sao, ký ức 1992 vẫn hiển hiện trong óc các CĐV Đan Mạch, khi đội nhà vượt qua cả Hà Lan (trong vòng bán kết) và Đức (trong trận chung kết) để lên tới đỉnh cao.

Nếu điều đó diễn ra tại kỳ EURO 2012 này thì không thể có kỷ niệm 20 năm nào “hoành tráng” và ý nghĩa hơn!

Trần Lê biên soạn


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn