Voi trong vườn thú cũng không chịu được nóng...
NCTG: Cần phải nói chính xác hơn về con số 500 người chết được báo chí nước ngoài đăng tải trong dịp này (và được báo chí Việt ngữ thay nhau đưa lại với những cái tít “giật gân”). Đó là số những ca tử vong tại Hungary trong thời gian từ 15-7 đến 22-7-2007, tức là tuần lễ được coi là nóng nhất trong lịch sử nước Hung, khi nhiệt độ trung bình ở mức 39-40 độ C và có nơi lên tới kỷ lục 41,9 độ C.
Con số tử vong này tăng 30% so với những tuần khác của mùa hè, khi nhiệt độ ở mức trung bình. Đa phần nạn nhân là người đứng tuổi, bị mắc căn bệnh tim mạch và những bệnh khác dễ bị ảnh hưởng khi nhiệt độ lên quá cao. Theo bà Páldy Anna, bác sĩ trưởng, phó giám đốc Viện Sức khỏe môi trường Quốc gia Hungary, đợt nóng đã khiến những nạn nhân tử vong “trước thời hạn” chừng nửa năm. Còn theo ông Falus Ferenc, người đứng đầu Tổng cục Quân y Quốc gia Hungary, thì con số 500 này vẫn còn ít hơn nhiều so với những gì có thể tính đến, căn cứ vào các số liệu thống kê, vì các nhân viên y tế Hungary đã làm việc rất hiệu quả và quên mình.
Như vậy, nói rằng “500 người chết vì nóng” thì không được chính xác! Một điều… vui vui nữa là khi Việt Nam đưa tin này (và được một tờ báo Việt ngữ ở Hung "luộc" lại, dĩ nhiên không hề đề nguồn gốc) thì nước Hung đã qua đợt nóng khủng khiếp nhất trong lịch sử (kéo dài cả tuần) được vài ba ngày. Nên đến lúc... hết nóng thì NCTG mới được bạn bè và đồng nghiệp ở Việt Nam và một số nước khác thừ từ, điện thoại thăm hỏi!
Như NCTG đã đưa tin, trong những ngày nắng nóng vừa qua, chính quyền Hungary đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ cư dân. Tại các thành phố lớn, ở những tụ điểm giao thông chính, Bộ Thủy lợi phối hợp cùng cảnh sát và một số tổ chức dân sự khác, đã tiến hành phát nước mát cho người đi đường. Một số máy tự động cũng được đặt ở đường phố để người dân có nước miễn phí. Người lao động được thay ca và được nhận nước mát thường xuyên để chống chọi với cái nóng. Các cơ quan cứu hỏa và cấp cứu cũng được đặt ở trạng thái báo động để có thể can thiệp khi cần. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, việc cư dân phải phòng ngừa ra sao trong trường hợp nắng nóng kéo dài cũng thường xuyên được đề cập.
Một mức độ cao hơn, ở tầm nhà nước, từ 3 năm nay, Hungary đã khởi thảo một chương trình để đối phó với những thay đổi khí hậu trên toàn thế giới, cũng như, để đề phòng những hậu quả của hiệu ứng nhà kính, khiến Trái đất nóng dần lên từ ba thập niên nay. Mang tên “Đổi thay - Ảnh hưởng - Câu trả lời” (VAHAVA), chương trình này do GS VS Láng István chỉ đạo, và đưa ra “những việc cần làm ngay” - kèm chiến lược trung và dài hạn - trên phương diện khoa học để chính quyền có thể tham khảo và thực hiện.
Thực ra thời gian qua, không chỉ Hungary mà đa số các quốc gia Trung và Nam Âu đều bước qua ngưỡng 40 độ C trong đợt nóng khủng khiếp bắt đầu từ trung tuần tháng Bảy. Tại Bulgaria, mức nhiệt độ kỷ lục đã được xác lập là 45 độ C. Ở Romania, có trên 30 người tử vong do nguyên nhân trực tiếp là nắng nóng kéo dài. Con số này ở Bồ Đào Nha là 2.000. Bộ trưởng Nông nghiệp Serbia cho biết 30% sản lượng nông nghiệp của nước này đã bị tiêu hủy trong cái nóng dữ dội, đặc biệt là lúa mì, đỗ tương và rau xanh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Tại vùng Nam - Trung Âu, nắng gắt kéo dài gây cháy rừng ở nhiều nước. Ở Hy Lạp, hai phi công thiệt mạng khi lái máy bay cứu hỏa qua vùng rừng cháy. Một tai nạn tương tự cũng xảy ra ở Ý, khiến 3 người chết. (Tại Ý, cái nóng đã khiến nhiều người đứng tuổi bị tử vong, và đe dọa sức khỏe hàng triệu người). Tại Macedonia, hàng ngàn lính cứu hỏa, quân nhân và thường dân đã phải hết sức để dập tắt Thần lửa tại Bitola, thành phố lớn thứ nhì của nước này.
Không chỉ ở Châu Âu, mà trên thế giới, cái nóng cũng đem lại nhiều vấn đề nhức đầu cho chính quyền và cư dân. Ở Ấn Độ, có chừng 200 người thiệt mạng vì nóng. Tại các vùng quê miền Tây Nam Hoa Kỳ, cái nóng dữ dội từ đầu tháng Bảy tới nay cũng gây ra cái chết của gần 50 người.
NCTG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn