Bìa nguyên bản Anh ngữ của HP7
Ngày 1-8-2007, tờ báo điện tử [index] đưa tin một kẻ ẩn danh đã “tự tiện” dịch và đăng tải cuốn thứ 7 - đồng thời cũng là phần cuối - của bộ sách “Harry Potter” (HP7) trên blog của mình (được đặt tại một server của Nga). “Dịch giả” bất hợp pháp này đã dịch được chừng một nửa cuốn sách, và cho biết: bản tiếng Hung được dịch cho các anh chị em họ của anh ta, những người “say mê Harry Potter”, nhưng không rành tiếng Anh và họ “ở quá xa” nên vị “dịch giả” này không có điều kiện đọc cho họ nghe từng chương. “Dịch giả” nọ còn nói thêm: anh ta đã mua nguyên bản HP7 trong hiệu sách nên có thể coi bản dịch này là một “bản sao cho cá nhân”, vì thế nó hợp pháp. Tiếp tới, anh cấm mọi người tải bản dịch. Dầu vậy, theo ý kiến của một luật gia về tác quyền mà [nidex] hỏi ý kiến, hành động trên là phạm luật, bởi lẽ “dịch giả” chưa hề xin phép dịch và công bố cuốn sách trên mạng.
Điều đáng chú ý là song song với bản dịch này, một bản dịch khác (tiếng Hung) của HP7 cũng được lan truyền trên Internet. Thậm chí, các bản dịch lậu còn bị “đạo”, vì có nhiều người tự nhận là “dịch giả” của các bản ấy. Giữa chừng, cộng đồng các “công dân mạng” của Hung đã có những cuộc tranh luận, trao đổi rất sôi nổi xung quanh đề tài này, trong đó có cả những ý kiến phê bình hữu ích và ngày càng nhiều người tỏ ý muôn “góp một tay” trong việc dịch. Thậm chí, trên một website, còn có thể “bỏ phiếu” xem bản dịch lậu nào có chất lượng hơn.
Hiện tượng này thực ra không mới vì Harry Potter phần 6 cũng đã bị dịch lậu ra tiếng Hung và đăng tải trên mạng Interet 1-2 tháng sau nguyên bản tiếng Anh (và nhiều tháng trước khi bản dịch chính thức được ra mắt). Còn ở Trung Quốc, một tuần trước khi bản “chính thống” được ấn hành, đã có thể tải bản lậu trên Liên mạng!
*
Một ngày sau khi tin HP7 bị dịch lậu và đưa lên Net được loan, ông Balázs István, giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Animus (là cơ sở sẽ chính thức ấn hành sách tại Hungary) đã lên tiếng khẳng định: đây là một hành vi vi phạm trầm trọng tác quyền!
Ông Balázs cho rằng, hẳn các “dịch giả” tài tử cũng biết họ đã làm một việc “bất chính” vì không ai dám xưng danh tính và các địa chỉ đăng tải trên mạng của họ cũng là miễn phí. Tuy nhiên, vị giám đốc cảnh báo: kiểu gì đi nữa, cơ quan chức năng Hungary cũng sẽ tìm ra “thủ phạm” và hành vi của các đương sự có thể sẽ bị phạt tiền rất nặng, thậm chí có thể bị án tù giam.
Trước mắt, NXB Animus yêu cầu các hãng điều hành những địa chỉ miễn phí có đăng tải các bản dịch lậu phải “có biện pháp”, bằng không, NXB sẽ bắt đầu thủ tục kiện cáo. (**)
Xếp hàng chờ đợi mua HP7 tại hiệu sách Waterstone (London)
Như đã biết, nguyên bản Anh ngữ của HP7 được ra mắt ngày 21-7-2007 trên toàn thế giới, nhưng bản dịch tiếng Hung (của dịch giả Tóth Tamás Boldizsár) - được ông Balázs István coi là “rất có chất lượng và các “fan” ưa chuộng Harry Potter nên chờ đợi để mua nó!” - phải đến trung tuần tháng 2-2008 mới được “ra lò”. Trên cơ sở giấy phép của NXB Bloomsbury (Anh) và quyết định của dịch giả, tựa đề của bản “chính thống” tiếng Hung có thể là: “Harry Potter và những tử thần”, “Harry Potter và những thánh tích chết chóc” hoặc “Harry Potter và thánh tích của tử thần”.
Ghi chú:
(*) Bản dịch “chính thống” của nhà văn, dịch giả Lý Lan sẽ mang tựa đề “Harry Potter và tử thần tích”, dự kiến, sẽ ra mắt vào trung tuần tháng 10-2007 bởi NXB Trẻ.
(**) Ngay sau khi tuyên bố của giám đốc NXB Animus được báo chí Hung đăng tải, trên blog của vị “dịch giả” tài tử nọ, muốn xem bản dịch HP7 (hết chương 19, đã được kiểm tra các lỗi chính tả đến chương 18) phải có mật mã. “Dịch giả” ẩn danh này còn viết: “Các anh em họ tôi vẫn có thể đọc sách tại đây… Dưới sức ép của NXB tại Hungary, tôi buộc phải dùng mật mã đối với người đọc bản dịch này, để sách chỉ thực sự đến những ai mà tôi muốn. Tôi xin lỗi mọi người khác và nếu các bạn có gặp người mà vì ông ta, tôi phải buộc làm điều này, hãy nhân danh mọi người để hoan nghênh ông ta…”
H.Linh tổng hợp, theo [index]
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn