Vào hồi 8 rưỡi tối thứ Bảy, Cơ quan Cứu hỏa Hungary nhận được tin khẩn, theo đó một người đàn ông đã trèo lên đỉnh cầu Tự do với ý định tự vẫn. Lập tức, cảnh sát đã phong tỏa hai đầu cầu và các nhân viên cứu hỏa thì dùng thang trèo lên độ cao tương đương để “đàm phán” với đương sự.
Theo thông tin của bạn đọc mạng tin index.hu, cuộc trò chuyện diễn ra trong vòng hơn nửa tiếng. Trong thời gian đó, người đàn ông vứt ví tiền xuống sông Danube, rồi quẳng một tập giấy xuống cạnh chiếc xe cứu thương đỗ ở trên cầu.
Sau đó, ông ta đột ngột lấy ra một hộp xịt, xịt vào người và tự thiêu. Rồi, đương sự nhảy xuống lòng cầu và chết thảm trước sự chứng kiến của các lực lượng cứu hộ!
Cơ quan cứu hỏa bất lực
Sau khi tấn thảm kịch xảy ra, nhiều đoạn
băng ghi hình kinh hoàng đã được công bố, qua đó có thể thấy rằng khi người đàn ông châm lửa, các nhân viên cứu hỏa đã tránh ra xa và không tìm cách can thiệp, cho dù, họ vẫn tiếp tục khuyên nhủ nạn nhân.
Cơ thể nạn nhân cháy bùng gần 2 phút trước khi rơi xuống cầu (nhưng nạn nhân vẫn giữ được bình tĩnh và không tỏ ra hoảng loạn), và có thể nghe thấy tiếng động khi “tiếp đất”.
Khoảnh khắc hãi hùng
Trả lời câu hỏi của mạng tin trực tuyến index.hu, ông Dobson Tibor - trưởng phòng Truyền thông Cơ quan Cứu hỏa Thủ đô Budapest - cho hay: sở dĩ các nhân viên cứu hỏa không tìm cách dập lửa, vì họ không mang theo nước khi lên tiếp cận đương sự.
Ông Dobson cũng nói thêm: hầu như chưa bao giờ có chuyện ai đó trèo lên một tòa nhà cao tầng, hoặc một chiếc cầu để tự thiêu tại đó. “
Các nhân viên cứu hỏa không thể biết trước được là đương sự sẽ tự thiêu, họ không nhận nhiệm vụ cứu hỏa khi được huy động.
Đại đa số các trường hợp tương tự, việc cứu người được thực hiện bằng cách tiếp cận để thuyết phục đương sự, để sau đó đương sự trèo sang chiếc giỏ cứu hỏa. Tuy nhiên, người đàn ông nọ không chỉ muốn gây sự chú ý, mà còn muốn kết liễu đời mình một cách nghiêm túc trên đỉnh cầu”.
Theo ông Dobson Tibor, nếu có nước bên người đi nữa, các nhân viên cứu hỏa cũng sẽ không sử dụng, cho dù họ có chuẩn bị cho tình huống này. Bởi lẽ, “
sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nước trong vòi phun có sức đẩy mạnh tới mức sẽ khiến người đàn ông ngã nhào khỏi tượng turul, nghĩa là bằng cách ấy cũng không thể cứu người”.
Trưởng phòng Truyền thông Cơ quan Cứu hỏa Budapest cho hay: các đồng nghiệp ông rất bị sốc vì những gì họ thấy, khi “
họ đã làm tất cả mà không cứu vãn được tình thế”.
Tự sát trên cầu Tự do
Khi được hỏi, người phụ trách báo chí Sở Cảnh sát Budapest (BRFK) chỉ cho biết, một thủ tục hành chính đã được tiến hành để tìm hiểu lý do tại sao người đàn ông lại tự vẫn. Được biết, giao thông trên cầu Tự do đã bị đình trệ trong 3 tiếng vì vụ tự sát.
Cầu Tự do (Szabadság híd) - thoạt đầu mang tên Hoàng đế Ferenc József (Franz Joseph) của Đế chế Áo – Hungary - là một trong 7 cây cầu lịch sử của thủ đô Budapest, được xây dựng từ năm 1894 và khai trương năm 1896, đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm nước Hungary Công giáo.
Có đặc điểm là dễ trèo lên cao và bởi vậy, nhiều người đã thử cảm giác mạo hiểm này trên cầu Tự do, trong số đó, có không ít người muốn tự kết liễu cuộc đời. Đây là lý do khiến nhiều người gọi cây cầu Tự do là “
cầu của những kẻ tự vẫn”.
Cảnh huyên náo sau vụ tự sát rùng rợn
Tuy nhiên, đa số đều từ bỏ ý định khi đã lên tới độ cao chóng mặt và được các nhân viên cứu hỏa trò chuyện hơn thiệt - khi ấy, họ được đưa xuống, mang vào viện kiểm tra sức khỏe, trạng thái tâm thần và phải trả một khoản phí cho nhà nước vì sự huyên náo do họ gây ra.
Trên kênh “InfoRádió”, nhận xét về tấn thảm kịch vừa xảy ra, nhà tâm lý học Gaál Katalin cho rằng, nạn nhân muốn chọn một cái chết chắc để không ai có thể cứu được, và muốn hướng sự chú ý của công luận tới cái chết của ông ta.
Theo bà Katalin, có thể đương sự mắc chứng rối loạn thần kinh, nhưng không đến mức không biết mình làm gì. Một điều gần như chắc chắn: cách từ giã cuộc đời như thế cho thấy ông ta lâm vào tình trạng kiệt quệ về tinh thần và thể xác, cảm thấy không còn lối thoát và do đó, đi tới quyết định tự hủy hoại cuộc đời một cách ngoạn mục...