ĐIÊU KHẮC GIA HUNGARY FARKAS ALADÁR VỚI ĐỀ TÀI CUỘC CHIẾN VIỆT NAM

Thứ hai - 14/06/2010 11:07

(NCTG) Theo tin từ Hà Nội, dưới sự tổ chức của ĐSQ Cộng hòa Hungary tại Hà Nội và Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary, cuộc triển lãm tượng của cố điêu khắc gia Hungary Farkas Aladár đang được tổ chức trong 5 ngày từ 13-6 đến 17-6-2010 tại Phòng Trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (25 Tông Đản, 216 Trần Quang Khải, Hà Nội).

Cuộc triển lãm tại Bảo tàng Cách mạng - Ảnh: Bích Ngọc (từ Hà Nội)

Đây là một hoạt động nổi bật trong chuỗi kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hungary, được thực hiện ở tầm quốc gia giữa hai nước.

Phản ánh cái nhìn nhân bản của tác giả về cuộc chiến Việt Nam, 38 tác phẩm của Farkas Aladár - sáng tác trong thời gian 1964-1965 - lần đầu tiên được ra mắt khán giả Hà Nội trong dịp này.

Nhà điêu khắc của quần chúng cần lao

NSƯT Farkas Aladár (1909-1981) học trường Mỹ thuật Công nghiệp và thường xuyên sáng tác từ năm 1930.

Thời gian 1937-1939, ông sang Paris, theo học trường École des Beaux, tham gia phong trào công nhân Pháp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp.

Năm 1939, ông về nước, tham gia Nhóm Nghệ sĩ tạo hình XHCN. Từ năm 1946 tới năm 1948, ông đứng đầu Phòng Văn hóa Các mỏ than Quốc gia Hungary và là người tổ chức các triển lãm lưu động ở các vùng mỏ.

Năm 1948, rồi năm 1949-1950, ông tham gia thành lập Liên đoàn Các nghệ sĩ tạo hình và Công đoàn Các nghệ sĩ tạo hình. Năm 1966 và 1967, ông sang nghiên cứu tại Paris và Việt Nam.

Điêu khắc gia Farkas Aladár tại xưởng tạc tượng của ông ở đường Százados (Budapest)

Sự nghiệp sáng tác của ông và sự hòa quyện đặc biệt giữa hoạt động trong phong trào công nhân và sáng tạo nghệ thuật. Quan điểm nghệ thuật, cách lựa chọn đề tài của ông được xác định bởi xuất xứ công nhân, khuynh hướng chính trị và sự đồng cảm với những giai tầng lao khổ.

Những tác phẩm nổi bật nhất của ông: "Bà mẹ Tây Ban Nha" (1937, lấy đề tài cuộc nội chiến Tây Ban Nha bị đàn áp), Loạt tượng Triều Tiên (1952-1953), Loạt tượng về sự hủy diệt, tàn khốc của chiến tranh Việt Nam (1964-1965)...

Ông đã được trao tặng những danh hiệu và giải thưởng lớn như Giải Munkácsy Mihály (1950, 1953), Huân chương Vì Tổ quốc XHCN (1967), Huân chương Lao động (1969, 1975), Nghệ sĩ Ưu tú (1971), Giải SZOT của Hội đồng Công đoàn Toàn quốc (1972), v.v...

Góc nhìn đặc biệt về cuộc chiến Việt Nam

Giữa thập niên 60 thế kỷ trước, cuộc chiến Việt Nam ngày càng ác liệt và lên tới cao điểm. Tin tức về sự tàn phá của chiến tranh lan tới xứ sở Hungary xa xôi, khi ấy bắt đầu phong trào "Việt Nam, chúng tôi ở bên bạn!" với những đợt quyên góp quần áo, thuốc men và hiến máu cho Việt Nam.

Năm 1965, những tấm ảnh về chiến tranh do ĐSQ Việt Nam tại Budapest cung cấp - cùng tin tức về cuộc chiến Việt Nam trên báo, đài - đã tạo cảm hứng mạnh mẽ để Farkas Aladár sáng tác loạt tác phẩm điêu khắc về Việt Nam, với độ xác tín và sức biểu cảm nghệ thuật đáng kinh ngạc.

Ngay sau khi ra đời, loạt tác phẩm của ông đã được giới thiệu ở nhiều nơi, nhiều triển lãm ở Hungary, cũng như tại CHDC Đức (năm 1971). Tuy nhiên, vì điều kiện thời chiến, đã không thể chuyển những bức tượng ấy sang Việt Nam và cho đến nay, công chúng nước ta chỉ mới được chiêm ngưỡng chúng qua ảnh chụp.

Tượng bán thân Hồ Chủ tịch của Farkas Aladár

Đầu năm 1967, Farkas Aladár đã có dịp sang thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về sau, Farkas Aladár cũng là nghệ sĩ điêu khắc Hungary duy nhất đã tạc tượng bán thân Hồ Chủ tịch: tượng được khánh thành năm 1970 tại Công viên Hà Nội (nay là Công viên Độc lập, Quận XI, Budapest). Hiện, bức tượng được đặt ở ĐSQ Việt Nam tại Hungary.

*

Tròn 45 năm sau ngày ra đời, bộ sưu tập tượng của Farkas Aladár lần đầu được "hồi hương", cùng bà Farkas Luca, ái nữ nhà điêu khắc và cháu gái của ông.

Hơn 50 khách tham quan - trong đó, nhiều người từng có những năm tháng học tập, nghiên cứu tại Hungary - đã có mặt trong lễ khai mạc triển lãm vào sáng 13-6 và cảm động trước tấm lòng của người nghệ sĩ ở xứ sở xa xôi, nhưng bằng sự nhạy cảm nghệ thuật, đã thể hiện một cách tinh tế sự đồng cảm của mình trước cuộc chiến anh dũng của dân tộc Việt Nam.

Triển lãm cũng thú vị ở chỗ nó phản ánh góc nhìn đặc biệt của một nghệ sĩ ngoại quốc về cuộc chiến Việt Nam vào thời điểm chiến tranh được gia tăng ở mức cao nhất.

Nhìn lại quá khứ, cũng là dịp để chiêm nghiệm cái giá của hòa bình, để tự hào trước lòng quả cảm, không gì khuất phục nổi của người dân Việt Nam...

PV


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn