CẢNH SÁT CHÂU ÂU PHÁT HIỆN MỘT ĐƯỜNG DÂY NHẬP CƯ TRÁI PHÉP CỦA NGƯỜI VIỆT

Thứ bảy - 26/06/2010 23:53

Sáng thứ Sáu 25-6 hôm qua, một cuộc họp báo quốc tế đã được tổ chức với sự tham dự của các đại diện cơ quan an ninh Hungary, Anh, Pháp và Đức, với nội dung là công bố kết quả một chiến dịch quốc tế phá án đối với một đường dây đưa người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp, vừa diễn ra ngày 22-6 qua.

Một số người di dân bất hợp pháp Việt Nam bị bắt giữ - Ảnh: Cục Điều tra Quốc gia Hungary

Sở dĩ sự hợp tác quốc tế này được công bố đầu tiên tại Budapest có lẽ vì khu vực Đông Âu hiện tại đang là điểm nóng của mạng lưới buôn bán ma túy và tệ đưa người bất hợp pháp qua các nước Tây Âu, đặc biệt là Pháp và Anh.

Hơn thế nữa, Hungary tuy là một quốc gia có cộng đồng chỉ gồm vài ngàn người Việt Nam và vốn được coi là rất thuần hậu, nhưng trong một năm trở lại đây đã được báo chí và công luận bản địa nhắc tới, như là nơi hoạt động của nhiều nhóm buôn bán cần sa, bạch phiến và buôn người đã bị phát hiện.

Chiến dịch của cảnh sát quốc tế

Trở lại cuộc họp báo ngày hôm qua, đại diện cơ quan an ninh Hungary cho hay: vào ngày 22-6, đồng loạt tại 4 quốc gia Hungary, Anh, Pháp và Đức, có 42 ngôi nhà đã bị các lực lượng cảnh sát đặc biệt kiểm tra. 31 nghi can bị tình nghi là có tham gia đường dây đưa người đã bị bắt, và 66 người Việt cư trú bất hợp pháp tại khu vực Schengen.

Riêng tại Hungary, vụ án đã có 12 nghi can gồm 5 người Việt và 7 người mang quốc tịch Hungary. Trong số đó, 5 người bị tạm giam điều tra, 1 người bị quản thúc tại gia, 4 người bị cấm rời nơi cư trú và hai người được tại ngoại.

Bà Horváth Katalin Fanni, phát ngôn viên Cục Cảnh sát Phi trường cho hay: ba tháng cuối năm 2009, nhiều người Việt đã tới Hungary theo từng nhóm đông bằng giấy tờ hợp thức, nhưng chỉ có ít người rời lãnh thổ nước này.

Cuộc điều tra tại Hungary bắt đầu vào tháng 3-2010, khi Cục Cảnh sát Phi trường đưa ra một con số cụ thể với Cục Điều tra Quốc gia (NNI) rằng trong vòng 6 tháng qua, có 900 công dân Việt Nam nhập cư, nhưng chỉ có 300 người rời Hungary.

Hai cơ quan an ninh nói trên đã phối hợp hoạt động và đưa những người Việt Nam nhập cảnh Hungary vào một danh sách theo dõi xem họ đến khi nào, với mục đích gì. Kết quả, theo như ông Boross Zoltán, trưởng phòng Chống Tội phạm Có tổ chức của Cục An ninh Quốc gia Hungary, cho hay: một nhóm các công dân Việt Nam và các đồng phạm tại Hungary đã bị truy cứu hình sự vì tội danh đưa người bất hợp pháp, có tổ chức.

Ông Boross nhấn mạnh rằng nhóm này hoạt động rất nhịp nhàng, và rõ ràng là dưới hình thức kinh doanh kiếm lợi nhuận.

Con đường tới Hungary

Thông thường, công dân Việt Nam tới Budapst bằng máy bay, với thị thực loại C, cho phép nhập cảnh 1 lần. Trong đa số các trường hợp, thị thực đã được cấp tại Tòa đại sứ Hungary tại Hà Nội dựa trên những giấy mời giả mạo.

Ông Boross Zoltán kể những trường hợp khi giấy mời đứng tên một doanh nghiệp đã bị làm giả, và số điện thoại liên hệ được cung cấp lại là của một kẻ đưa người. Khi cơ quan di trú gọi tới để kiểm tra về sự xác thực của giấy mời, thì đã gặp và nói chuyện chính với kẻ đưa người nọ.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của các nhân viên lãnh sự, và rằng họ có được đút lót khi cấp thị thực dựa trên giấy mời “khống” như vậy hay không, ông Boross không trả lời, viện dẫn các lợi ích của cuộc điều tra. Ông chỉ cho biết rằng cảnh sát cũng đang kiểm tra về thủ tục cấp thị thực, xem có vi phạm gì hay không.

Một nghi can trong vụ án bị đưa đến tòa - Ảnh: Kênh Truyền hình Quốc gia Hungary MTV

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Kênh Truyền hình Quốc gia Hungary MTV, nhiều nhân viên Phòng Lãnh sự ĐSQ Hungary tại Hà Nội cũng có thể có liên quan trong vụ án: họ đã cấp thị thực cho những người dân bần cùng đến từ các tỉnh thành nghèo khổ nhất của Việt Nam, căn cứ giấy mời sang Hungary dự các triển lãm, hội chợ, hội nghị và hội thảo thương mại.

Sau khi tới Budapest, các công dân Việt Nam được cho ở tại những khách sạn do người Việt Nam làm chủ sở hữu (trong số đó, một khách sạn đã được nêu cụ thể là nằm tại phố Akácfa, Budapest).

Một vài ngày sau, họ được chở sang Đức hoặc Pháp bằng máy bay hoặc theo đường bộ. Họ sẽ ăn chực nằm chờ tại đó, cho đến khi có cơ hội sang Anh bằng cách ẩn náu trong những xe tải chở hàng.

Sang Anh trồng cần sa

Đa số, sau khi sang tới Anh, đều gia nhập đội ngũ trồng cần sa trong những điều kiện khắc nghiệt, mà phía Hungary gọi bằng từ “lao động khổ sai như những nô lệ”. Được biết, mỗi người di dân bất hợp pháp như vậy phải trả 9-10 ngàn Euro cho chuyến đi từ Hungary và vài trăm người đã được đường dây kể trên đưa qua Anh.

Ông Frank Worm, trưởng phòng Chống tệ buôn người và giả mạo giấy tờ thuộc Cơ quan Cảnh sát Hình sự Tỉnh Berlin cho hay: đường dây này hoạt động tốt đến nỗi các nghi can chính của vụ án đều mua biệt thự trị giá 150 ngàn Euro tại Việt Nam, trong khi thu nhập trung bình của người dân trong nước là 500 Euro.

Cũng trong cuộc họp báo, ông André Baker, phó giám đốc Cơ quan Chống tội phạm có tổ chức và Chuyên án lớn trực thuộc Bộ Chỉ huy Trực chiến của Anh (SOCA) khẳng định: đối với nước Anh, được coi là cái đích hàng đầu của dân nhập cư bất hợp pháp, các nhóm tội phạm có tổ chức của Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề.

Với những tấm ảnh được giới thiệu trong họp báo, ông cho biết những nhóm đưa người đã dùng mọi phương tiện giao thông - xe hơi, tàu bè, thuyền, xe tải và máy bay hạng nhẹ - để đưa dân nhập cư trái phép nhập cảnh Anh Quốc.

Ông nói thêm rằng nhiều khi người Việt nhập cư vào đến Anh trong trạng thái gần như bất tỉnh, vì họ bị bịt mặt bởi những túi ni-lông, nhằm giảm lượng thán khí thải ra, vốn có thể bị các thiết bị kỹ thuật phát hiện.

Một ngày trước họp báo, các nghi can tại Hungary đã bị đưa đến tòa để thẩm vấn bằng loại xe bọc thép. Sau khi sự tình nghi được công bố, các nghi can Việt Nam đã kháng nghị, thông qua các luật sư, rằng họ vô tội.

Tình hình tội phạm Việt Nam tại Hungary

Cuối tháng 10 năm ngoái, cảnh sát Hungary cũng đã bắt giữ 7 nghi can bị coi là thành viên một băng đảng đưa người quốc tế, chuyên đưa người di dân bất hợp pháp sang Anh để vào làm tại các vườn cần sa. Tuy phía Hungary chưa công bố về mối quan hệ (có thể có) với vụ án hiện tại, nhưng theo các thông tin được cảnh sát cung cấp trong hai vụ án, có nhiều điểm tương đồng trong hình thức hoạt động.

Lãnh đạo Cục Điều tra Quốc gia Hungary cho biết: các nhóm đưa người Việt Nam tại Hungary hoạt động rất có hiệu quả, thêm nữa, đa số các thành viên đã có quốc tịch Hungary và trong thực tế, việc điều tra các băng đảng tội phạm nói chung, cũng như tội phạm Việt Nam nói riêng không thể được thực hiện bằng những biện pháp “thẳng thừng”.

Như vậy, trong quá trình điều tra, cảnh sát Hungary đã phải áp dụng nhiều phương pháp mật cũng như lực lượng cảnh sát mật, để có thể đưa ra tội danh tội phạm có tổ chức đối với các nghi can.

Cục Điều tra Quốc gia Hungary cũng đã cho biết: vấn đề tội phạm Viễn Đông không phải là vấn đề mới, đặc biệt, Liên hiệp Châu Âu đã tập trung nhiều sức lực để giải quyết vấn đề tội phạm người Hoa và Việt Nam.

Từ cuối năm ngoái, cơ quan an ninh Hungary từng tuyên bố rằng một kế hoạch hành động rất quy mô và nghiêm túc cho năm 2010 đã được thiết lập để ngăn chặn tệ nhập cư bất hợp pháp của người di dân Việt Nam.

Nỗ lực đó, trong hồ sơ tội phạm Việt Nam nói trên, đã được thể hiện bằng sự hợp tác hiệu quả giữa Cảnh sát Quốc tế Interpol và cơ quan an ninh nhiều nước Châu Âu, trong khuôn khổ một nhóm công tác mang tên Tổ chức Tội phạm Quốc tế Việt Nam (VOIC), có nhiệm vụ theo dõi sát sao những đường dây đưa người Việt Nam, liên quan tới một số quốc gia như Hungary, Anh, Pháp và Đức.

Được biết, nhóm này sẽ họp tại Slovakia vào đầu tháng 9 tới, để tìm phương hướng giải quyết những vấn nạn trong các vấn đề tội phạm Việt Nam tại Đông Trung Âu và Tây Âu.

(*) Bản tin đã đưa trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn