TIN THÊM VỀ VỤ ÁN ĐƯỜNG DÂY ĐƯA NGƯỜI TRÁI PHÉP TẠI HUNGARY

Thứ ba - 29/06/2010 03:32

(NCTG) Sẽ còn 5-6 vụ bắt bớ nữa trong chiến dịch quốc tế triệt phá một đường dây đưa người bất hợp pháp từ Hungary sang Pháp và Anh, được công luận một số nước Châu Âu chú ý trong những ngày qua - ông Boross Zoltán, trưởng phòng phụ trách các vụ án liên quan đến vấn đề di dân của Cục Điều tra Quốc gia Hungary NNI, khẳng định.

Như NCTG đã đưa tin, Cảnh sát Quốc tế Interpol phối hợp cùng các lực lượng an ninh đặc biệt của Pháp, Anh, Đức và Hungary trong một hồ sơ theo dõi và truy bắt những nhóm đưa người trái phép từ Đông Âu sang Anh để làm việc trong các trại cần sa bất hợp pháp.

Trong khuôn khổ chiến dịch quốc tế diễn ra vào ngày 22-6 qua, riêng tại Hungary, 11 ngôi nhà đã bị khám kiểm tra và 12 người (5 công dân Việt Nam và 7 công dân Hungary) đã bị bắt giữ. Được biết, trong số 5 nghi can bị tạm giam, có một người đàn ông bị coi là đứng đầu nhóm: theo sự tình nghi của cảnh sát, đương sự phụ trách việc làm giấy tờ giả để xin thị thực nhập cảnh Hungary.

Cũng theo thông tin từ Cục An ninh Quốc gia Hungary, kể từ tháng 3-2009 cho đến khi bị bắt giữ, đường dây này đã hoạt động nhịp nhàng và có tổ chức trong việc đưa chừng 400 người từ Việt Nam sang Hungary. Đa phần những người di dân bất hợp pháp này đều coi Hungary là quốc gia chuyển tiếp để từ đó, họ có thể đi tiếp, thường là sang Anh.

Một chuyến đi như thế từ Việt Nam đến cái đích cuối cùng là nước Anh, theo ông André Baker, phó giám đốc Cơ quan Chống tội phạm có tổ chức và Chuyên án lớn trực thuộc Bộ Chỉ huy Trực chiến của Anh (SOCA), có giá 20 ngàn EURO.

Xác nhận nguồn tin trước đó của Kênh Truyền hình Quốc gia Hungary, cơ quan an ninh Hungary cho biết quả thực họ đang tiến hành kiểm tra các nhân viên thuộc Cơ quan Lãnh sự ĐSQ Hungary tại Hà Nội. Các văn bản, giấy tờ liên quan đến việc cấp thị thực cho công dân Việt Nam vào Hungary cũng đã được niêm phong và đưa về Budapest để phục vụ lợi ích điều tra.

Vì cuộc điều tra mới ở giai đoạn ban đầu, trước mắt, ông Boross Zoltán không khẳng định, nhưng cũng không bác bỏ thông tin của nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), theo đó, có những số liệu cho thấy một hoặc nhiều nhân viên thuộc Cơ quan lãnh sự Hungary tại Việt Nam đã nhận tiền để cấp thị thực dựa trên những giấy tờ giả mạo.

Trả lời phỏng vấn tờ “Napi Ász”, luật sư Mile Attila cho biết: các nghi can có thể phải đối mặt với bản án tù giam lên tới 20 năm, nếu tội danh mà họ bị quy được chứng tỏ: “Bản thân tội buôn người có thể bị án tù giam từ 1 đến 5 năm, nhưng đưa người trong khuôn khổ một tổ chức tội phạm thì bản án có thể tới 20 năm tù”.

Theo Cơ quan Cảnh sát Châu Âu Europol, vấn đề di dân Việt Nam bất hợp pháp đã trở thành mối hiểm nguy lớn đối với toàn thể Châu Âu. Trong số 27 nước thành viên EU, tại 11 nước có những nhóm người Việt trồng cần sa trong hệ thống trang trại ở mức đáng kể, mà đa số nhân viên đều là người di dân trái phép.

Tại Hungary, đã có 50 khu trại như vậy bị phát hiện bởi Cơ quan chống tội phạm ma túy trực thuộc Sở Cảnh sát Budapest BRFK. Europol hy vọng rằng với việc đẩy lùi tệ di dân Việt Nam bất hợp pháp, lượng cần sa sản xuất ở Châu Âu cũng sẽ thuyên giảm.

Hoàng Tuấn tổng hợp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn