NỖI ĐAU CỦA DÒNG SÔNG DANUBE

Thứ bảy - 08/06/2019 07:03

(NCTG) “Cho dù kết quả điều tra có thế nào đi nữa, tính mạng những con người đó không ai có thể đem trả lại, và đây sẽ mãi là nỗi đau của dòng sông Danube...”.

“Quái thú” Clark Ádám vài giờ sau khi được chuyển về Budapest hôm qua, 6-6-2019. Đằng sau là một cần cẩu nổi nhỏ, đã xuất hiện ngay sau khi tai nạn xảy ra ít lâu, nhưng chỉ chịu được trọng lượng dưới 50 tấn và do đó, chỉ mang tính chất... làm kiểng

“Quái thú” Clark Ádám vài giờ sau khi được chuyển về Budapest hôm qua, 6-6-2019. Đằng sau là một cần cẩu nổi nhỏ, đã xuất hiện ngay sau khi tai nạn xảy ra ít lâu, nhưng chỉ chịu được trọng lượng dưới 50 tấn và do đó, chỉ mang tính chất... làm kiểng

Hơn 10 ngày kể từ khi va chạm với một con tầu lớn hơn mình gấp 25 lần và chìm nghỉm trong vòng vỏn vẹn 7 giây, du thuyền “Nàng tiên cá” (Hableány) vẫn nằm dưới lòng con sông Danube ở độ sâu hơn 9m, và việc trục thuyền gặp phải những khó khăn lớn về mặt thời tiết và kỹ thuật, cho dù một đội ngũ đông đảo các chuyên gia quốc tế đã túc trực tại Budapest ngay từ những ngày đầu để làm việc này.

Tai nạn lớn nhất trên dòng sông Danube kể từ 75 năm nay, tới giờ, đã để lại một hậu quả kinh hoàng: trong số 33 du khách Hàn Quốc và 2 thành viên thủy thủ đoàn Hungary, chỉ có 7 người sống sót. Hiện vẫn còn 9 người mất tích, và công cuộc tìm kiếm bị hạn chế bởi mực nước sông dâng cao, nước chảy rất xiết, tầm nhìn dưới nước trong thực tế là gần như bằng 0, và công việc cứu hộ rất nguy hiểm.

Được nhận nhiệm vụ thực hiện và điều phối công cuộc cứu hộ và vớt thuyền, Trung tâm Phòng chống Khủng bố Hungary (TEK) đã tiến hành một chiến dịch lớn chưa từng có với sự tham gia của gần 700 người. Sự có mặt tức thời của Ngoại trưởng Nam Hàn và các quan chức nước này, cùng đội thợ lặn đặc biệt đến từ Hán Thành càng khiến công việc cứu hộ trở nên khẩn trương, và có phần áp lực.
 
Cầu Margit, nơi con thuyền đắm hiện vẫn chìm sâu dưới lòng sông Danube
Cầu Margit, nơi con thuyền đắm hiện vẫn chìm sâu dưới lòng sông Danube

Việc tìm kiếm các nạn nhân được tiến hành trên một khoảng rộng lớn trên dòng Danube, kéo dài chừng 215km cho tới biên giới Hungary. Ngoài 7 người được cứu thoát, 7 người được tìm thấy ngay trong buổi tối định mệnh 29-5, các nạn nhân khác chỉ được phát hiện sau nhiều ngày, và đặc biệt trong thời gian cuối với sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ. Có nạn nhân bị sóng đánh trôi đi hàng trăm cây số.

Mặc dù phía Nam Hàn muốn bằng mọi giá tìm kiếm các nạn nhân thật nhanh, nhưng phía Hung duy trì quan điểm “không để có thêm bất cứ một nạn nhân nào nữa”, bằng cách không cho thợ lặn “đột nhập” vào con thuyền đắm để tránh các rủi ro có thể xảy ra. Các thợ lặn phải mặc những bộ “áo giáp” bằng chì nặng gần 70kg, cử động rất khó khăn và nhiều khi vẫn không trụ nổi do nước chảy xiết.

Cảnh sát đường sông Hungary đã cho tổng cộng 15 thuyền máy tuần tra ngày đêm để kiếm tìm nạn nhân, trong khi các đội thợ lặn Hungary và Hàn Quốc vẫn tuần tự làm việc bên con thuyền đắm để chuẩn bị cho việc trục thuyền. Một vài nạn nhân được tìm thấy tại nơi sát với cửa kính con thuyền. Có lúc, do quá mệt mỏi và căng thẳng, thợ lặn phải ôm nạn nhân nằm dưới lòng sông nghỉ ngơi một lúc.
 
Những cành hoa vẫn tiếp tục được mang tới...
Những cành hoa vẫn tiếp tục được mang tới...

Sau những ngày đầu do thời tiết mưa to, mực nước sông Danube dâng cao, giờ nước đã dần hạ nhưng vẫn chưa đạt mức lý tưởng để có thể trục thuyền một cách hiệu quả nhất (400-420cm, thay vì 466cm vào hồi 10 sáng hôm qua). Để đẩy nhanh tiến độ, trong vòng 4h, chính quyền Slovakia cũng giúp đỡ Hungary bằng cách cho “giữ lại” và “tát nước” sông Danube sang một nhánh khác (1.000m3/s).

Bước ngoặt lớn trong quá trình trục “Nàng tiên cá” là việc sau nhiều ngày chờ đợi, chiếc cần cẩu nổi lớn nhất Trung Âu mang tên kiến trúc sư Clark Ádám (người chỉ đạo việc xây dựng cây cầu cố định đầu tiên nối hai bờ sông Danube - Cầu Xích, năm 1849) được chuyển đến Budapest từ phía Bắc, và đã lọt qua dưới gầm cầu Margit (nơi xảy ra tai nạn) khi nước rút để tới được chỗ “tập kết” hiện tại.

Có thể chịu được trọng lượng 200 tấn (“Nàng tiên cá” ở trạng thái hiện tại nặng khoảng 60 tấn) và do đó được mệnh danh là “Quái thú”, cần cẩu Clark Ádám sẽ có thể được sử dụng để trục thuyền ngay vào Chủ nhật tuần này, nhưng cũng có thể phải chờ hàng tuần nữa, theo thông tin của nhà chức trách. Nếu mọi công việc chuẩn bị được tiến hành kỹ càng, cần tối đa là 1h để trục vớt con thuyền đắm.
 
Còn 9 nạn nhân nữa chưa được về nhà...
Còn 9 nạn nhân nữa chưa được về nhà...

Những khả năng rủi ro cũng đã được tính đến - như thuyền đắm khi được trục có thể bị gãy hoặc vỡ thành nhiều mảnh, khiến các nạn nhân trong thuyền có thể bị sóng cuốn đi hoặc thi thể sẽ không được lành lặn. Thuyền sẽ được nâng lên tới khi các cửa sổ lộ ra trên mặt nước để nước có thể chảy ra, hoặc có thể hút bằng bơm, sau đó “Nàng tiên cá” sẽ được đặt lên một chiếc xà lan để đưa đi.

Trong một diễn biến có liên quan, một nhóm điều tra viên gồm 60 người đang tiến hành điều tra để truy cứu trách nhiệm trong vụ đắm thuyền. Tất cả thủy thủ đoàn và hành khách của du thuyền Viking Sigyn bị coi là đã gây ra tai nạn đã bị thẩm vấn, thuyền trưởng 64 tuổi người Ukraine Yury Ts. bị phát hiện là đã gây tai nạn trong một hành trình khác trên cương vị thuyền phó, hiện vẫn chưa cung khai.

Những ngày qua, du thuyền buổi tối ở Budapest dù lượng du khách có giảm, nhưng vẫn được vận hành, và đoạn đẹp nhất của hành trình - khi đi ngang qua Tòa nhà Nghị viện Hungary được đánh giá là đẹp nhất thế giới, lúc đó chìm trong ánh đèn vàng - vẫn được khách du lịch hết sức tán thưởng. Không phải ai cũng biết, nơi đây chính là chỗ mươi ngày trước, một tai nạn rất thảm khốc đã xảy ra...
 
Những du thuyền vẫn thong dong trên đoạn chảy đẹp nhất của dòng Danube - nội đô Budapest...
Những du thuyền vẫn thong dong trên đoạn chảy đẹp nhất của dòng Danube - nội đô Budapest...

Bờ sông Danube gần phía chân cầu Margit, luôn có thêm những cành hoa tươi, những dòng chữ chia tay, tiễn biệt, nhưng ngọn nến mới thắp và những con người đứng lặng yên cầu nguyện cho hương linh gần 30 nạn nhân xấu số đã vĩnh viễn ra đi. Cho dù kết quả điều tra có thế nào đi nữa, tính mạng những con người đó không ai có thể đem trả lại, và đây sẽ mãi là nỗi đau của dòng sông Danube...

Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Nàng tiên cá, sông Danube
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn