“NẾU TÔI CHẾT, HÃY RẮC TRO CỐT TÔI XUỐNG SÔNG...”

Thứ bảy - 01/06/2019 23:02

(NCTG) Đó là ý nguyện khi còn sống của P. János, thủy thủ người Hungary phục vụ trên con thuyền định mệnh “Nàng tiên cá” (Hableány), khi vào hồi 9h 5 phút tối 29-5 vừa qua, chiếc thuyền này đụng phải du thuyền chở khách khổng lồ Viking Sigyn lớn gấp 25 lần, và chỉm nghỉm lập tức trong vỏn vẹn 7 giây!

Thủy thủ đoàn cũng không rời con tàu đắm “Nàng tiên cá” - Ảnh: Spanyár Judit (index.hu)

Thủy thủ đoàn cũng không rời con tàu đắm “Nàng tiên cá” - Ảnh: Spanyár Judit (index.hu)

Tai nạn thảm khốc nhất trên sông nước Danube (đoạn chảy qua Hungary) trong vòng 75 năm nay đã khiến 7 du khách thiệt mạng, 7 người được cứu thoát - tất cả đều đến từ Hàn Quốc. 19 du khách Hàn Quốc khác, cùng thuyền trưởng L. László và thủy thủ P. János tới giờ vẫn mất tích - có thể giả thiết là tất cả đã đều tử nạn trong con thuyền đắm ở chân cầu Margit, hiện vẫn chưa có cách gì trục lên được, vì điều kiện thời tiết và kỹ thuật.

Tại một thành phố ở tỉnh lẻ, tờ báo “Bors” đã tìm gặp thân mẫu của P. János, năm nay 81 tuổi và hoàn toàn sụp đổ vì đau đớn - bà không tin rằng con mình có thể sống sót. Cho dù theo các đồng nghiệp, P. János đã từ lâu muốn thôi việc để có nhiều thời gian hơn cho gia đình, nhưng bà mẹ cho hay, anh rất đam mê sông nước. Trước khi tai nạn xảy ra 1 ngày, bà còn có dịp trò chuyện qua điện thoại với con, hôm đó là sinh nhật của anh.

Nó dễ thương lắm, ai cũng yêu thương, chưa thấy ai phàn nàn gì”, bà mẹ nghẹn ngào kể. “Nó bận việc quá, tôi không muốn gọi điện quấy rầy, nhưng rồi nó gọi cho tôi. Đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng tôi”, bà mẹ vừa khóc vừa kể lại. Đêm hôm ấy, bà cảm thấy mệt nên đi ngủ sớm. Sáng hôm sau, bà chết lặng khi nghe tin dữ dồn dập được loan trên truyền hình. Bà nhấc máy gọi cho con ba lần, nhưng chỉ nhận được tín hiệu của máy.
 
“Nó luôn gọi cho tôi nếu có chuyện gì bất ổn, để tôi biết nó không sao. Nhưng lần này thì nó ko gọi...” - Ảnh: Czerkl Gábor (borsonline.hu)
“Nó luôn gọi cho tôi nếu có chuyện gì bất ổn, để tôi biết nó không sao. Nhưng lần này thì nó ko gọi...” - Ảnh: Czerkl Gábor (borsonline.hu)

Theo lời kể của bà, hôm sinh nhật, P. János cùng bạn đời đi dạo ở Sở Thú. Cả hai con trai bà đều mê sông nước từ thuở nhỏ, P. János từng chèo thuyền rất nhiều ở sông Tisza. Từng là một quân nhân, nhưng hobby của anh là làm nghề thủy thủ. Yêu nghề tới mức, anh từng nói cách đây nhiều năm, nếu qua đời anh muốn được rải tro cốt xuống Danube, “con sông mẹ” của Châu Âu mà đoạn chảy qua Budapest được coi là đẹp nhất.

Từ 2 năm nay, P. János sống với bạn đời tại thủ đô Budapest, hai người không có con chung và cùng nuôi đứa con gái của người bạn đời. Bà mẹ sống với cậu em của P. János ở tỉnh lẻ. “Chúng tôi muốn được vĩnh biệt nó một cách xứng đáng, hy vọng có thể tìm được nó nhanh chóng...”, bà chia sẻ và cho biết rằng, không biết làm sao có thể qua được nỗi đau lớn này. Hiện, nhà chức trách Hungary đang kiếm tìm nguyên nhân của tai nạn.

Theo thông cáo 11 điểm của liên đoàn các tàu chở khách Hungary, trong đoạn sông Danube chảy qua nội đô Budapest dài chừng 4km, vào buổi tối khi thành phố lên đèn khiến Danube trở thành một địa điểm du lịch hết sức thu hút du khách, có trung bình 70 chiếc tàu lớn (trong đó có những tàu có trọng tải hàng vạn tấn) với chiều dài 30-135m cùng được vận hành để chở khách, đòi hỏi sự chú ý cao độ và tuân thủ luật lệ giao thông nghiêm ngặt.
 
Nỗi thương đau vô hạn - Ảnh: Ajpek Orsi (index.hu)
Nỗi thương đau vô hạn - Ảnh: Ajpek Orsi (index.hu)

Trái với dư luận cho rằng việc cứu hộ diễn ra chậm chạp, sự thật là ngay sau khi nhận thấy có người gặp nạn dưới nước, chỉ trong vòng 1 phút, nhiều thủy thủ trên các con thuyền chạy trong khu vực đã nhảy xuống làn nước lạnh buốt, bất chấp thời tiết hết sức khắc nghiệt, mưa to, gió mạnh và tầm nhìn rất hạn chế, để cứu các nạn nhân. Với hành động quả cảm và quên mình như vậy của các thủy thủ, nhiều du khách đã được cứu thoát.

Tại sao hành khách không bị buộc mặc phao cứu hộ? Thông cáo cho hay luật không quy định bắt buộc như vậy: nếu nhận thấy có nguy hiểm, thủy thủ đoàn sẽ tổ chức phát phao và hướng dẫn hành khách tới chỗ an toàn - việc này diễn ra trong vài phút, tùy kích thước của thuyền. Tuy nhiên, trong tai nạn tối 29-5, thủy thủ đoàn đã không thể làm được điều đó, vì từ khi nhận ra sự va chạm tới lúc thuyền chìm hoàn toàn chỉ chưa đầy 2 phút!

Mặc dù tai nạn thảm khốc vừa xảy ra, chở khách đường thủy vẫn là hình thức giao thông an toàn nhất, theo thông cáo. Hàng ngày, có trung bình 200 con thuyền chở du khách khởi hành từ Budapest - trạng thái kỹ thuật và thiết bị cứu hộ của thuyền luôn được các cơ quan chức trách kiểm tra thường xuyên và nghiêm ngặt. Trong vòng 30 năm qua, tại Hungary, chỉ có chưa đầy 20 lần phải tiến hành cứu hộ một con thuyền nào đó vì lý do kỹ thuật.

Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp


 
 Từ khóa: Nàng tiên cá
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn