Sinh viên tụ tập chật kín Hội trường Đại học Bách khoa Budapest để thảo luận về việc phản đối chính sách giáo dục bậc đại học, cao đảng của Chính phủ - Ảnh: Barakonyi Szabolcs (index.hu)
Đây là lần đầu tiên, một phong trào dân sự tại Hungary đã khiến nội các Orbán phải “chùn tay”, kể từ khi Liên minh cầm quyền cánh hữu chiếm được hơn hai phần ba số ghế sau kỳ bầu cử Quốc hội mùa xuân 2010. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng giới trẻ vẫn có thể đi đến cùng khiến nội các Orbán phải lung lay hoặc thậm chí sụp đổ.
Theo giới bình luận nước này, chính giới trẻ là hình ảnh những chàng trai Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) hơn 20 trước - những người từng nhiệt huyết và tranh đấu đến cùng cho những đổi thay dân chủ, nhưng khi nắm được quyền lực trong tay, đã không cưỡng lại được việc lạm dụng quyền bính, gây nên tình trạng phi dân chủ và chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hungary hiện tại.
Đạo luật mới gây nhiều chỉ trích
Tất cả xuất phát từ Đạo luật Giáo dục Đại học mới, được thông qua vào cuối năm ngoái, bắt đầu khai triển trong thực tế từ tháng Giêng năm nay và đặc biệt gây bức xúc trong công luận từ hơn hai tuần qua vì những trở ngại quá lớn lao cho giới học sinh phổ thông muốn tiếp tục theo học đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp bậc trung học.
Về căn bản, luật mới đặt ra hai khái niệm - “hạn ngạch” và “hợp đồng sinh viên” - là đối tượng của làn sóng phản đối gay gắt và quyết liệt trong những ngày qua.
Giới sinh viên tuần hành từ Đại học Bách khoa tiến tới Bộ Kinh tế Quốc gia với khẩu hiệu “Chúng tôi là Đại học. Chúng tôi là tương lai!”
“Hạn ngạch” (
keretszámok) là những con số được Chính phủ Hungary đặt ra hàng năm, quy định mỗi ngành nghề chỉ được bao nhiêu suất học bổng từ Nhà nước. Cho rằng hệ thống giáo dục cũ thiếu hiệu quả, với mục đích ưu tiên những ngành nghề được cho là cần thiết cho nước Hung, số học bổng dành cho ngành Luật, Kinh tế và Khoa học xã hội bị giảm thiểu.
“Chịu trận” lớn nhất là Luật khoa, một ngành rất được chuộng tại Hungary cạnh Kinh tế: ngoài hai trường đại học ở thủ đô, tại sáu trường đại học khác sinh viên khoa Luật đều phải học theo dạng tự túc trả học phí. Về tổng thể, con số học bổng (toàn phần và bán phần) được cấp cho sinh viên từ niên khóa 2012-2013 trở đi giảm đáng kể so với thời gian trước đó.
Đối với những thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không thuộc diện được nhà nước cấp học bổng, Chính phủ Hungary thiết lập cho họ hệ thống “Tín dụng Sinh viên 2”. Trái với hệ tín dụng hiện tại, khoản tiền Nhà nước cho sinh viên mượn sẽ chỉ được dùng vào mục đích học tập (chứ không được sử dụng tự do), và sẽ được chuyển thẳng cho trường sở, nơi đào tạo.
Đám đông tụ tập tại quảng trường trước Nhà Quốc hội, nhiều người thắp đuốc và đốt lửa sưởi ấm ngay trước bậc thềm chính của tòa nhà
Điều khoản bó buộc nhất đối với sinh viên là trong vòng 20 năm kể từ khi tốt nghiệp, họ sẽ phải ở lại làm việc (và đóng thuế) tại Hungary trong khoảng thời gian gấp đôi thời gian theo học đại học của họ, tức là có thể kéo dài tới 12 năm. Một bản hợp đồng ký kết với Nhà nước - mang tên “hợp đồng sinh viên” (hallgatói szerződés) - buộc họ phải tuân thủ điều đó.
Hệ lụy khôn lường
Việc nhà nước Hungary siết chặt cấp học bổng với mục đích tiết giảm phần nào cho ngân quỹ quốc gia khiến hàng vạn sinh viên lâm vào cảnh khó khăn và khó theo học ở bậc đại học, cao đẳng vì không trả nổi học phí. Dưới ảnh hưởng của đạo luật mới, ngay lập tức, con số thí sinh đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng Hungary trong năm nay giảm 22%.
Luật mới, ngay từ khi được đưa ra và sau đó, đưa vào thực thi, đã khiến các gia đình và giới sinh viên rất bất bình. Khi đưa ra những quyết sách này, Chính phủ Hungary viện lý do cần cải tổ và tái cơ cấu trong nền giáo dục, nhưng sự thực là để cứu vãn ngân sách quốc gia thâm hụt bằng cách cắt giảm những khoản chi và tìm nguồn thu ở mọi nơi có thể, kể cả giáo dục đào tạo.
Thủ lĩnh sinh viên Nagy Dávid “biểu tình ngồi” trước Nhà Quốc hội Hungary, chừng nào đại diện giới học sinh chưa nhận được những bằng cứ chắc chắn về sự “xuống nước” của Chính phủ - Ảnh: MTI
Hậu quả trong thực tế là một lượng đáng kể học sinh phổ thông ngày càng do dự, thậm chí quan ngại trước ngưỡng cửa đại học vì những khoản học phí quá cao và những hạn chế mà luật định ràng buộc họ. Bởi lẽ, cho dù có mượn tín dụng đi nữa thi việc chi trả cũng không hề đơn giản, nếu họ không có một nghề nghiệp ổn định với thu nhập cao sau khi ra trường.
Đây là điều không lấy gì làm chắc ở Hungary, nơi khủng hoảng kinh tế triền miên và tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt khiến cư dân hết sức bi quan từ 4-5 năm nay. Và đây cũng là lý do khiến các tổ chức sinh viên đã có những hoạt động hết sức mạnh mẽ như biểu tình ngồi, chiếm trường sở một cách tượng trưng... để phản đối đạo luật mới, và kêu gọi chính quyền nhìn lại.
Những phản ứng bị dồn nén đến đỉnh điểm khi vào ngày 4-12 vừa qua, Hãng Thông tấn Hungary MTI công bố một dự thảo của Chính phủ liên quan tới “hạn ngạch” trong năm sau. Theo đó, chừng 84% sinh viên được nhận vào các trường đại học và cao đẳng trong niên khóa 2014-2015 sẽ phải trả một phần hoặc hoàn toàn học phí.
Các tổ, nhóm biểu tình tập trung trước Viện Hàn lâm Khoa học Hungary
Đặc biệt, tất cả sinh viên theo học khá nhiều ngành như Kinh tế, Luật, Tài chính, Kiểm toán, Truyền thông, Du lịch... đều phải trả hoàn toàn những khoản học phí không hề ít ỏi. Con số sinh viên được học bổng toàn phần của Nhà nước, trước đó 2 tuần được dự định là 30 ngàn, giờ theo dự thảo mới chỉ còn chưa đầy 10.500!
Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi dự thảo nói trên bị rò rỉ, thủ lĩnh sinh viên Nagy Dávid tuyên bố anh “
không thể tìm được lời lẽ nào” trước việc Liên minh cầm quyền cánh hữu Hungary “
lừa đảo cử tri, lừa đảo giới trẻ” khi trái với hứa hẹn trước đó, cũng như trái với kết quả trưng cầu dân ý năm 2008, họ đã buộc đa số sinh viên phải trả học phí.
Trên cương vị người đứng đầu các Chính quyền Tự quản Sinh viên trên toàn quốc (HÖOK), Nagy Dávid khẳng định: bằng hành động của mình, Chính phủ Hungary đã “
đẩy tương lai của dân tộc vào vòng hiểm nguy”, điều mà lẽ ra chính quyền không được phép làm, cho dù họ có trong tình trạng bị bắt buộc hoặc có những toan tính kinh tế thế nào đi nữa.
Phản ứng quyết liệt của sinh viên - học sinh
Trong vòng hơn hai tuần kể từ ngày 4-12, chính quyền Hungary đã phải đối mặt với cơn thịnh nộ ghê gớm của giới trẻ thông qua các cuộc xuống đường, bãi thị, biểu dương lực lượng trên toàn quốc. Như lời chỉ trích thẳng thừng của đại diện sinh viên Nagy Dávid: “
Đã có ví dụ cho thấy, kẻ nào coi thường thanh niên, kẻ đó không thể nắm quyền được lâu”.
Học sinh Trường Trung học Radnóti Miklós (Budapest) - một trong những trường trung học hàng đầu của Hungary, nơi có rất nhiều con em Việt Nam theo học - cũng có mặt trong đoàn biểu tình
Tuy nhiên, thoạt tiên, chính quyền Hungary dường như chưa thấy được hiểm nguy đến từ giới sinh viên, học sinh. Phát ngôn viên Chính phủ Gíró-Szász András tuyên bố ai không có tiền cứ việc mượn tín dụng, như thế “
giáo dục đại học, cao đẳng sẽ cởi mở hơn”. Quốc vụ khanh Giáo dục Hoffmann Rózsa thì bảo, bà cũng muốn khuyên con cháu hãy vay tiền để đi học.
Những phát biểu bị coi là vô cảm đó khiến nhiều tổ chức đại diện cho quyền lợi của sinh viên, học sinh - nhiều khi bất đồng quan điểm trong hoạt động và mục tiêu - nay tỏ ra đồng lòng cho cái đích chung, là đòi Chính phủ xóa bỏ “hạn ngạch” và “hợp đồng sinh viên”, cũng như, phải có chính sách rõ ràng, nhất quán và không mang tính thất thường trong giáo dục và đào tạo.
Đặc biệt, không chỉ giới sinh viên và học sinh trung học cùng phụ huynh của họ - mà nhiều giáo viên, giảng viên, các tổ chức và nghiệp đoàn ngành sư phạm, thậm chí, Hội đồng Hiệu trưởng các đại học và cao đẳng tại Hungary cũng có mặt tại các cuộc biểu tình. Tinh thần đoàn kết của đại đa số các sinh viên là rất cao, vì họ xuống đường không vì lợi ích của họ, mà vì những thế hệ sau.
Giới trẻ giương biểu ngữ chỉ trích chính quyền “Tại sao cần dối trá?”, “Chúng tôi đã từng có 1 giấc mơ: bằng đại học”, “Chúng ta là con đường tương lai”, v.v...
Địa điểm chính yếu của các cuộc biểu tình ở Budapest là các trường đại học lớn, Bộ Kinh tế Quốc gia, các cây cầu cổ nổi tiếng nối hai bờ sông Danube ở trung tâm thủ đô, Nhà Quốc hội và một số tụ điểm, trục đường chính khác. Trong nhiều trường hợp, như một cách thị uy, giới sinh viên đã gây ùn tắc giao thông ở mức đáng kể, nhưng không bị cảnh sát can thiệp.
Một số hành động mang tính biểu tượng của giới trẻ - như thắp đuốc và đốt lửa trong đêm để sưởi ấm ngay tại bậc thềm Nhà Quốc hội; “đột nhập” Đài Phát thanh để yêu cầu đọc 6 đòi hỏi đối với chính quyền; “chiếm” cây cầu cổ nhất của Budapest và tiến hành diễn đàn trao đổi vào lúc nửa đêm, v.v... - đã đạt ấn tượng rất mạnh mẽ và thu hút sự hưởng ứng của công luận Hungary.
Chính quyền tạm lùi bước - Giới trẻ chưa hài lòng
Chính phủ Hungary, sau những ngày đầu tỏ ra cứng rắn, đã có một động thái ít ai ngờ vào ngày 15-12 vừa qua. Trở về Hungary sau khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh EU tại Bruxelles, Thủ tướng Orbán Viktor lập tức hội đàm bí mật với một nhóm sinh viên thuộc Tổ chức Thanh niên của FIDESZ (Fidelitas) tại một quán rượu ở Budapest.
Làm tê liệt giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm
Quyết định xóa bỏ “hạn ngạch” đã được ông đưa ra chớp nhoáng sau buổi trao đổi đó. Chính phủ Hung thông báo một quan điểm mới: chỉ cần đạt một điểm chuẩn nhất định (sẽ được quy định đối với từng ngành học), thí sinh sẽ được học bổng toàn phần với điều kiện sau khi tốt nghiệp phải ở lại Hungary làm việc một thời gian. (Học bổng bán phần cũng bị xóa bỏ trong dự án mới này).
Con số học bổng do nhà nước cấp trong năm tới được ấn định là không thấp hơn năm nay (55 ngàn), và có thể cao hơn tùy tình hình. Chính phủ cũng tuyên bố chi thêm tối thiểu là 24 tỉ Ft cho giáo dục đại học và cao đẳng trong năm tới. Trong thời gian rất ngắn, với hàng loạt phát biểu, tuyên bố, nội các Orbán tỏ ra đã “
lắng nghe lời sinh viên” (lời của Bộ trưởng Giáo dục Balog Zoltán).
Giữa chừng, Phát ngôn viên Chính phủ Giró-Szász đổi giọng mềm mỏng: “
Tất cả mọi sự thể hiện quan điểm đều là điểm đặc thù của dân chủ, việc sinh viên học sinh nói lên ý kiến của họ là đúng đắn”. Bộ trưởng Balog còn đã phải đích thân tới gặp thủ lĩnh sinh viên Nagy David đề nghị anh chấm dứt “biểu tình ngồi” trước Nhà Quốc hội để thay mặt giới trẻ vào bàn đàm phán.
Chiếm cây cầu cổ nhất ở trung tâm Budapest để làm nơi tổ chức diễn đàn bàn luận, tuyên truyền cho những mục tiêu của cuộc biểu tình
Tuy nhiên, sinh viên Hungary tỏ ra không tin tưởng vào những hứa hẹn của chính phủ chừng nào họ chưa thấy chúng được đưa vào văn bản chính thức. Nhiều người cho rằng chính quyền thường có những hành động bất tín, trước sau không như một, nên vẫn cần tiếp tục đấu tranh. “Hợp đồng sinh viên” vẫn là một điểm “nhạy cảm” mà giới trẻ muốn xóa bỏ trong luật.
Như thế, cuộc chiến giữa Chính phủ Hungary và giới sinh viên, học sinh nước này, hiện thời cán cân tạm nghiêng về phía giới trẻ, nhưng hoàn toàn chưa ngã ngũ và vẫn tiếp diễn...
*
Có thể thấy gì trong những diễn biến nửa tháng qua?
Đáng ghi nhận cho sự trưởng hành của phong trào sinh viên là trong chuỗi biểu tình và xuống đường diễn ra cho đến giờ, sinh viên học sinh Hungary trân trọng mọi ủng hộ, nhưng đã cương quyết yêu cầu các chính đảng đối lập tuyệt đối không tham gia. Lý do, họ muốn độc lập và những gì họ làm là vì sự nghiệp chung của toàn dân, chứ không đảng nào được coi là “của riêng”.
Phản đối cảnh sát bắt giữ một số sinh viên tích cực nhất với lý do “biểu tình trái phép”
Truyền thông và giới bình luận Hungary đặc biệt lưu tâm tới sự xuất hiện của một học sinh 17 tuổi, Ábrahám Máté, người vào ngày 10-12 đã thành lập tổ chức mang tên “Sự phản kháng của Học sinh vì Giáo dục đại học” với 6 thành viên ban đầu đều là các học sinh trung học. Những phát biểu nảy lửa của anh gợi nhớ hình ảnh Thủ tướng Orbán Viktor cách đây gần 25 năm.
Chính Ábrahám trong các phát biểu ấn tượng cũng hay nhắc đến tên Orbán Viktor, người mà theo anh, đã quá khác biệt so với thời trai trẻ do bị quyền lực làm băng hoại. Câu hỏi của anh - tại sao thủ tướng Hung thời xưa không phải trả học phí, cũng không phải vay tiền để theo học Luật khoa, mà giới trẻ bây giờ lại không có cơ hội ấy - đã được giới trẻ hết sức hưởng ứng.
Sở dĩ chính phủ Hungary tạm thời phải có sự lùi bước rất ngoạn mục như đã thấy, chắc chắn là vì họ cũng phải nhận ra, sau giới trẻ có sự ủng hộ của một bộ phận rất đông đảo các giai tầng trong xã hội. Mặt khác, giới trẻ hiện nay chính là hình bóng của họ hơn hai thập niên trước: một nhóm thanh niên có tinh thần yêu chuộng tự do, đã góp phần mang lại dân chủ cho quê hương mình.
Ábrahám Máté, thủ lĩnh trẻ của giới học sinh trung học, được coi là một “Tiểu Orbán” - Ảnh: Reviczky Zsolt (“Tự do Nhân dân”)
Tuy nhiên một câu hỏi cũng được đặt ra: lùi một bước trước những đòi hỏi của sinh viên, Liên minh cầm quyền sẽ ứng xử ra sao trước những yêu cầu của nhiều giai tầng khác, hiện cũng bất bình trước sự độc đoán của chính phủ? Câu hỏi ấy, trước mắt phải để tương lai trả lời!
(*) Bài viết đã trích đăng trên RFI. Chùm ảnh trong bài của mạng index.hu.