HUNGARY “THAM VẤN” QUỐC DÂN VỀ MỘT KẾ HOẠCH KHÔNG TỒN TẠI

Thứ bảy - 14/10/2017 15:33

(NCTG) Đó là sự kiện chính trị gây ầm ĩ nhất tại Hungary trong vài tuần qua, cho dù nó đã được phôi thai từ mấy tháng nay, sau khi chính quyền Hungary thua kiện tại Liên Âu trong hồ sơ nhận người tỵ nạn theo hạn ngạch mà nước này vẫn kiên quyết phản đối từ hai năm nay.

Nhà tỷ phú Soros tại Brussels, ngày 27-4-2017. Thủ tướng Orbán Viktor tuyên bố rằng, quan trọng nhất hiện tại là phải chống lại “kế hoạch Soros” - Ảnh: Bloomberg

Nhà tỷ phú Soros tại Brussels, ngày 27-4-2017. Thủ tướng Orbán Viktor tuyên bố rằng, quan trọng nhất hiện tại là phải chống lại “kế hoạch Soros” - Ảnh: Bloomberg

Trong thời gian ngắn ngủi, chính phủ Hungary đã tiến hành ba kỳ “tham vấn quốc gia” bằng nguồn kinh phí công quỹ khá tốn kém dưới hình thức gửi thư tới mọi cử tri Hungary với những câu hỏi được đặt theo chủ ý, để có được hồi âm hiển nhiên theo “đáp án” mà họ “cài đặt” trước.

Báo chí độc lập của Hungary đã nhiều lần phân tích rất kỹ về những vấn đề đặt ra trong các kỳ “tham vấn quốc gia” trước đây để chống người tỵ nạn, và chỉ rõ rằng đó là những chuyện hoặc không tồn tại, hoặc được đưa ra một cách dối trá, bóp méo hay chí ít cũng “một nửa sự thật”.

Điều này được thể hiện rất rõ qua bảy điểm mà chính quyền Hungary đưa ra trong chương trình “tham vấn” hiện tại, về cái mà họ gọi là “kế hoạch Soros” và cho rằng Liên Âu đang chuẩn bị thực hiện “kế hoạch” đó. Kỳ thực, không hề tồn tại cái gọi là “kế hoạch” này, theo giới bình luận.

Cụ thể, vẫn trong mạch chụp mũ nhà tỷ phú Mỹ gốc Hungary George Soros và kích bác, kỳ thị người tỵ nạn (mà Budapest luôn gọi bằng cái tên “người nhận cư bất hợp pháp” từ gần ba năm nay), các vấn đề sau được nêu ra như những thực tế để người dân trả lời rằng họ có muốn hay không.

1. Soros muốn thuyết phục Brussels hàng năm tiếp nhận ít nhất 1 triệu người nhập cư từ Châu Phi và Cận Đông vào lãnh thổ Liên Âu, trong đó có Hungary.

2. Cùng các lãnh đạo Brussels, Soros cũng dự định để các quốc gia Liên Âu - trong đó có Hungary - dỡ bỏ hệ thống hàng rào bảo vệ biên giới, mở cửa cho người nhập cư tràn vào.

3. Theo “kế hoạch Soros”, Brussels bắt buộc các nước thành viên EU, đặc biệt là khu vực Đông Âu, phải tiếp nhận những người nhập cư tập trung ở các quốc gia Tây Âu, và Hungary cũng phải tham gia chương trình này.

4. Căn cứ “kế hoạch Soros”, Brussels bắt buộc mọi quốc gia thành viên EU, trong đó có Hungary phải chấp cho mọi người nhập cư một khoản trợ cấp nhà nước trị giá 9 triệu Forint.

5. Soros còn muốn người nhập cư phạm tội được hưởng hình phạt nhẹ hơn mức thông thường.

6. Mục tiêu của “kế hoạch Soros” là đẩy ngôn ngữ và nền văn hóa các nước Châu Âu lùi vào hậu trường, để quá trình hội nhập của người nhập cư bất hợp pháp diễn ra nhanh hơn.

7. “Kế hoạch Soros” cũng nhằm tấn công trên bình diện chính trị các quốc gia phản đối sự nhập cư, và trừng phạt nặng nề họ.


Có hay không cái gọi là “kế hoạch Soros” kể trên? Rất nhiều bài viết được đăng tải cho thấy, Liên Âu không hề bàn thảo hay thông qua để tiến hành bất cứ “kế hoạch” nào của Soros liên quan tới người tỵ nạn, và những điểm nói trên là sự bẻ cong ý kiến của Soros ở mức trắng trợn.
 
Vài ngàn người đi bộ từ nhà ga Keleti (Budapest) theo hướng biên giới Áo để sang Đức ngày 4-9-2015. Đây chính là động lực khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định mở cửa biên giới, một quyết định mà theo bà, “tôi đã lưu tâm tới số phận của hàng vạn con người, nhưng về tổng thể tôi ý thức được tình trạng của người tỵ nạn” - Ảnh: Barakonyi Szabolcs (index.hu)
Vài ngàn người đi bộ từ nhà ga Keleti (Budapest) theo hướng biên giới Áo để sang Đức ngày 4-9-2015. Đây chính là động lực khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định mở cửa biên giới, một quyết định mà theo bà, “tôi đã lưu tâm tới số phận của hàng vạn con người, nhưng về tổng thể tôi ý thức được tình trạng của người tỵ nạn” - Ảnh: Barakonyi Szabolcs (index.hu)

Nhà tài phiệt này, trong hai bài tiểu luận năm 2015 và 2016, có nêu ra một số điểm mà theo ông, cần dựa vào đó để xử lý cuộc khủng hoảng tỵ nạn. Trong đó, ông không đồng tình việc Thủ tướng Đức Angela Merkel mở biên giới mà không có được sự chuẩn bị kỹ càng về tổng thể.

Theo ông, quyết định thiếu suy nghĩ đó (vì không lường trước được hậu quả của sức thu hút người nhập cư do nó gây ra) đã ảnh hưởng đến cư dân Châu Âu. Soros cũng không đồng ý với việc Liên Âu buộc các nước thành viên tiếp nhận người tỵ nạn theo hạn ngạch được định ra.

Ngược lại, Soros đưa ra một lộ trình mà theo ông, EU có thể tiếp nhận một lượng lớn người tỵ nạn hàng năm một cách an toàn, có trật tự, theo một chính sách thống nhất về tỵ nạn và di dân. Có lẽ đó chính là điều mà giới lãnh đạo Hungary không ưa, gọi ông là “công ty tổ chức nhập cư”.

Rất nhiều bài phân tích đã được đăng tải cho thấy, Soros không hề có ý định như trong bảy điểm “tham vấn quốc gia”. Đại diện tổ chức Quỹ Xã hội Mở của Soros cũng đã chính thức lên tiếng, cho rằng Soros có quan điểm hoàn toàn ngược lại với những gì chính quyền Hung gán cho ông.

Tuy nhiên, điều này không khiến giới cầm quyền Hung dừng bước: lần thứ hai sau chiến dịch hô hào “đừng để Soros đắc chí” (Don't let Soros laugh in the end!), Budapest lại tiếp tục tiến hành cuộc “tham vấn quốc gia” mới với slogan “Hãy đừng để yên!”, tiêu tốn chừng 1 tỷ Forint tiền thuế dân.

Trần Lê


 
 Từ khóa: người tỵ nạn, Soros
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn