QUYỀN BÊNH VỰC “KẺ XẤU” CŨNG CẦN ĐƯỢC TÔN TRỌNG

Thứ năm - 05/10/2017 04:22

(NCTG) Đó là kết luận có thể rút ra từ phán quyết sơ thẩm của Tòa án Nhân quyền Châu Âu, có trụ sở đặt tại TP. Strasbourg, trong một vụ kiện khá kỳ quặc của nguyên đơn là một công dân Hungary.

Budaházy György (áo trắng), kẻ chạm trán với cảnh sát như cơm bữa - Ảnh: internetfigyelo.wordpress.com

Budaházy György (áo trắng), kẻ chạm trán với cảnh sát như cơm bữa - Ảnh: internetfigyelo.wordpress.com

Chuyện xảy ra từ những năm 2009-2010, khi một số nhân vật cực hữu - đứng đầu là thủ lĩnh khét tiếng Budaházy György - bị bắt giữ sau khi có những hoạt động bị coi là gây rối, và bị tạm giam trong quá trình điều tra.

Cần nói thêm, Budaházy György là người liên tục “có vấn đề” với cảnh sát vì những hành vi bạo động theo chiều hướng cực đoan, thậm chí ông ta còn bị buộc tội mưu sát và khủng bố có tổ chức. Hầu như không có sự kiện nào có mặt, mà ông ta lại không bị cảnh sát bắt giữ, đưa về đồn, hoặc bị cáo buộc tội này nọ. Hiện, Budaházy György cũng đang bị bản án sơ thẩm 13 năm tù giam.
 
Trên cương vị diễn giả trong nhiều hoạt động mang tính dân tộc cực đoan - Ảnh: Internet
Trên cương vị diễn giả trong nhiều hoạt động mang tính dân tộc cực đoan - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng Budaházy György là một nhà “ái quốc”, việc ông ta và các đồng bạn bị bắt giữ là sự “tróc nã” những người có tinh thần dân tộc, và như thế cần xem họ như những “tù nhân chính trị”. Một “cảm tình viên”, ông Körtvélyessy Zoltán muốn tổ chức biểu tình trước nhà tù ở phố Venyige (Budapest) để bày tỏ thiện cảm với nghi can Budaházy György.

Mục đích của cuộc biểu tình dự định tổ chức hôm 17-4-2010, theo ông Körtvélyessy Zoltán, là nhằm hướng sự chú ý của công luận vào tình trạng của các “tù nhân chính trị” như cách ông ta nghĩ về Budaházy György và các đồng bạn của nghi can. Tuy nhiên, cảnh sát đã không cho phép biểu tình, viện lý do “đường xá hẹp” và không thể bố trí được giao thông ở tuyến đường đó theo cách khác.
 
Budaházy György trước tòa - Ảnh: origo.hu
Budaházy György trước tòa - Ảnh: origo.hu

Körtvélyessy Zoltán đưa vụ việc lên Tòa Strasbourg vì theo quan điểm của ông, phố Venyige đủ rộng để tổ chức một cuộc xuống đường cho khoảng 200 người, mà cũng không ùn tắc một cách quá ghê gớm cho giao thông ở đó. Theo nguyên đơn, cuộc biểu tình đã bị cấm đón vì lý do chính trị.

Trong phán quyết sơ thẩm, Tòa Strasbourg đồng tình với nguyên đơn, và cho rằng chính quyền Hungary đã cấm đoán một cách vô cớ cuộc biểu tình. Bên cạnh đó, Tòa cũng buộc Nhà nước Hungary phải cho trả 1.000 Euro án phí cho nguyên đơn.
 
Nhiều địa phương tại Hungary ký vào một thỉnh nguyện thư yêu cầu chính quyền hãy chấm dứt việc truy tội Budaházy György
Nhiều địa phương tại Hungary ký vào một thỉnh nguyện thư yêu cầu chính quyền hãy chấm dứt việc truy tội Budaházy György

Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, do đó cả bên nguyên và bên bị đều có thể khiếu nại. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy là, trên nguyên tắc, Tòa Strasbourg đứng về phía quyền tự do biểu đạt, kể cả khi đó là chuyện bày tỏ thiện cảm với những nhân vật tai tiếng hay bê bối.

Yêu ghét là quyền tự do bất khả xâm phạm của công dân mà chính quyền không nên xía vô một cách tự tiện...

Trần Lê tổng hợp


 
 Từ khóa: Budaházy György
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn