Câu chuyện xảy ra vào ngày 27-2-2015, khi Takács Borbála và Takács Flóra, hai thành viên nhóm MostMi (tạm dịch: Chúng ta - Bây giờ) hoạt động trên mạng xã hội Facebook với mục tiêu “cho sự ra đời của một nước Hung cởi mở, dân chủ và nhân văn” muốn tổ chức biểu tình tại hiện trường địa điểm mà Thủ tướng Orbán Viktor sẽ có bài phát biểu đánh giá Hungary năm vừa qua.
Theo đúng luật định, hai “biểu tình viên” đã thông báo cho cảnh sát ý định của họ từ ngày 20-2. Một ngày sau, Sở Cảnh sát Budapest (BFRK) cho hay, vụ biểu tình của họ sẽ không được cấp phép, vì chính quyền tự quản địa phương (Quận 1, Budapest) đã trao cho Hội Hợp tác Dân sự Hungary - cơ quan tổ chức sự kiện của Thủ tướng Orbán Viktor - quyền sử dụng hiện trường.
Mục đích sử dụng hiện trường được cơ quan cảnh sát cho biết, là đảm bảo việc tổ chức sự kiện và đặt các xe truyền hình trực tiếp. BRFK đề nghị nhóm biểu tình hãy sửa đổi thông báo theo hướng “phù hợp”, nhưng hai nhà hoạt động không đồng ý. Cuối cùng, cơ quan cảnh sát cho rằng không thể cho phép biểu tình, vì không thể tổ chức hai “hoạt động” ở cùng một địa điểm.
Hơn nữa, trong quyết định được đưa ra, khi nói về khả năng khiếu nại, Cảnh sát còn “lừa” nhóm biểu tình bằng cách không chỉ cho họ khả năng có thể đệ đơn kiện nhanh lên Tòa trong khuôn khổ Đạo luật về quyền tụ tập, mà lại “khuyên” họ dùng cách kiện cáo theo hướng mà sự tranh biện có thể kéo dài nhiều năm.
Đại diện pháp luật cho hai nhà hoạt động, Ủy ban Helsinki Hungary - một tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền nổi tiếng ở Hung - cho rằng bản thân sự cấm đoán của cảnh sát, cũng như việc “lừa” nhóm biểu tình trong việc khiếu nại đều là phạm luật, và quyền tụ tập của người muốn biểu tình đã bị hạn chế một cách vi hiến trong trường hợp này.
Vụ việc được đưa lên tòa, và vào ngày 2-3-2015, Tòa Hành chính và Lao động Budapest đã ra phán quyết đồng tình với bên nguyên đơn, quyết định cấm của Cảnh sát bị bác. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, buổi đánh giá năm của Thủ tướng Hungary đã trôi qua được ba ngày, và bởi vậy quyền tự do biểu đạt của nhóm biểu tình trong dịp đó đã không được thực hiện.
Do đó, nhóm biểu tình tiếp tục kiện Sở Cảnh sát Budapest lên Tòa đòi bồi thường, vì cho rằng quyền nhân thân của mình bị xâm phạm khi cuộc biểu tình dự tính có hàng ngàn người tham dự bị hủy vì lệnh cấm độc đoán của cảnh sát. Sau hai phán quyết bất lợi ở các phiên sơ thẩm và phúc thẩm, rốt cục, Tòa án Tối cao đã có quyết định xử thắng cho hai nhà hoạt động.
Phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa Hungary, dầu phải đợi tới hai năm rưỡi, một lần nữa, chứng tỏ quyền tự do biểu đạt của người dân kể cả khi họ muốn phản đối trực diện và gay gắt trước chính quyền phải được tôn trọng, như một trong những quyền cơ bản được tuyên xưng một cách trang trọng trong Hiến pháp, bộ luật “mẹ” của đất nước.