HUNGARY: NGƯỜI ĐỒNG GIỚI ĐƯỢC THỪA NHẬN QUAN HỆ GẦN NHƯ HÔN NHÂN

Thứ sáu - 22/05/2009 00:18

Tháng 4-2009, với 199 phiếu thuận, 159 phiếu chống và 8 phiếu trắng, Quốc hội Hungary đã phê chuẩn đề xuất sửa đổi các đạo luật liên quan đến sự đăng ký các mối quan hệ bạn đời. Điểm nổi bật và hay được nhắc tới nhất của thay đổi này là người đồng tính ở Hungary, nếu trên 18 tuổi, có thể đăng ký quan hệ bạn đời tại các văn phòng hộ tịch và được hưởng quyền lợi gần như những cặp vợ chồng sống trong hôn nhân truyền thống.

Một cặp đồng tính ở Hungary

Đây là một bước tiến lớn trong sự hình thành và phát triển của Luật Gia đình tại Hungary, cũng như, trong sự thay đổi của quan niệm truyền thống xã hội về các mối quan hệ đôi lứa.

Từ hôn nhân đến quan hệ bạn đời

Từ thập niên 70 thế kỷ trước, bên cạnh quan hệ hôn nhân, hệ thống luật pháp Hungary còn thừa nhận hình thức quan hệ bạn đời (chung sống). Theo con số thống kê, vào đầu những năm 1970, những cặp Hung sống cùng nhau với hình thức này chiếm tỉ lệ 2,1%, và tăng lên hơn 10% trong năm 2005.

Từ năm 1977, khái niệm "bạn đời" được đưa vào Luật Dân sự Hungary và đến năm 1996, người đồng tính cũng được thừa nhận quyền "bạn đời". Điểm khác biệt giữa hai khái niệm hôn nhân và bạn đời, là hình thức quan hệ bạn đời được hình thành một cách tự nhiên, khi hai người (không nhất thiết khác giới) quyết định sống chung với nhau, có những chung đụng nhất định về tình cảm và kinh tế, chứ không cần không qua nghi lễ "tuyên thệ" trước bất cứ cơ quan chính quyền nào.

Có lẽ chính vì không bị đè nặng bởi những định chế xã hội, những “khuôn khổ phép tắc” thông thường trong khuôn khổ Luật Gia đình, nên càng ngày, càng có nhiều cặp Hungary chọn hình thức sống chung này. Năm 2000, trong một cuộc điều tra, chỉ một phần ba số người được hỏi cho biết họ tâm niệm rằng “gia đình truyền thống là mô hình sống chung duy nhất giữa nam và nữ”. Một hệ quả của điều đó là, theo một thống kê năm 2007, có tới 35% số trẻ em chào đời ở Hungary là ngoài giá thú!

Với thời gian, Nhà nước Hung cũng có xu hướng công nhận mối quan hệ “nhân tình nhân ngãi” ngày càng ở mức cao hơn: cho đến nay, các cặp sống chung nhưng không giá thú vẫn được hưởng trợ cấp xã hội khi mua nhà, xây nhà, được hưởng trợ cấp khi sinh con… và khi mối quan hệ bị tan vỡ, trên phương diện chăm sóc, nuôi trẻ em, quan hệ giữa trẻ em với cha mẹ… đều không có khác biệt thật đáng kể so với mô hình gia đình truyền thống.

Tuy nhiên, phải nói rằng nếu mối quan hệ bạn đời đem lại cảm giác tự do và thoải mái cho các bậc phụ huynh thì trẻ em sinh ra trong mối quan hệ “không truyền thống” này, dầu sao, vẫn có chút thiệt thòi. Một thống kê cách đây 2 năm cho thấy, mối quan hệ bạn đời tại Hungary vẫn hay tan vỡ (tỉ lệ 60%) hơn gia đình truyền thống và như thế, xác suất để các cháu nhỏ phải sống chỉ với cha, hay mẹ, là lớn.

Quan hệ bạn đời có đăng ký: khả năng mới “hấp dẫn”

Bên cạnh đó, một nhu cầu khác cũng được đề ra: người dân, mặc dù muốn có quyền tự quyết cao hơn và “tiện lợi” hơn khi cùng ở và chia tay nhau, nhưng vẫn muốn được hưởng một nghi thức long trọng để đánh dấu thời điểm cùng chung sống.

Thêm nữa, những người đồng tính, dù đã được xã hội thừa nhận qua việc công nhận quan hệ bạn đời, vẫn muốn được hơn thế, như ở một số nước phương Tây khác: nếu không được phép hôn nhân, thì họ cũng muốn được “lên xe hoa”, chính thức hóa quan hệ  dưới một hình thức nào khác.

Mong muốn ấy của cư dân Hungary được thỏa mãn một cách đáng kể qua một mô hình sống chung mới, vừa được phê chuẩn, có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 tới: quan hệ bạn đời có đăng ký.

Quan hệ bạn đời có đăng ký không phải là “phát kiến” riêng của Hungary: tại Châu Âu, đã có một số nước, như Andorra, Cộng hòa Czech, Pháp, Đức, Đan Mạch, Phần Lan… chính thức công nhận quan hệ bạn đời có đăng ký với những tính chất có thể khác biệt, nhưng một điểm chung chính là, nó đã tương đối gần với quan hệ hôn nhân về hình thức và các quyền lợi, và “tiện lợi” hơn nhiều.

Cụ thể, các cặp (không nhất thiết phải khác giới) lựa chọn hình thức quan hệ này, có thể đăng ký quan hệ tại các phòng hộ tịch, với “nghi lễ” long trọng không khác gì so với hôn nhân. Về quyền lợi, quan hệ bạn đời có đăng ký được thêm những quyền rất gần với quan hệ hôn nhân mà không có trong quan hệ bạn đời đơn thuần trước đó, như quyền về gia sản, sử dụng nhà cửa, thừa kế, thuế má và nhận con nuôi.

Điểm “hấp dẫn” nhất của quan hệ bạn đời có đăng ký là ở chỗ, mặc dù rất gần với quan hệ hôn nhân, song sự chia tay được diễn ra khá dễ dàng và ít tốn kém: trong trường hợp “lý tưởng”, chỉ cần một lá đơn đề nghị xóa bỏ sự đăng ký do đôi bên ký nhận, và nhanh nhất là trong vòng 30 ngày, mối quan hệ sẽ được chấm dứt một cách đơn giản (chẳng hạn, thông qua công chứng viên, chứ không cần ra trước tòa). Đây cũng là một ưu điểm của xã hội dân sự, khi chính quyền bớt sự can thiệp, “quản lý” vào cuộc sống riêng của từng cá nhân.

Niềm vui của người đồng tính

Tuy nhiên, mừng vui nhất trước việc xã hội và pháp luật Hungary chấp nhận một mối quan hệ đôi lứa mới, chính là cộng đồng những người đồng tính. Với quan hệ bạn đời có đăng ký, họ đã chính thức được nhìn nhận ở trạng thái “cận hôn nhân”, và có những quyền lợi không kém gì mấy so với các cặp vợ chồng dị tính.

Diễu hành tại ngày hội của dân đồng tính tại trung tâm thủ đô Budapest

Không có gì khó hiểu khi Giáo hội Công giáo Hungary cùng một số tổ chức khác, trước nay vẫn có cái nhìn không thiện cảm - nếu không muốn nói là còn mang tính kỳ thị - trước những mối quan hệ đồng tính, đã lên tiếng phản đối đạo luật mới. Tuy nhiên, như một ý kiến trên báo chí Hungary, vấn đề không phải là, sau mốc thời gian 1-7-2009, trên đường phố sẽ có thêm nhiều cặp đồng tính hôn nhau, hay không.

Mà, điều quan trọng là, những cặp đồng tính cũng được hưởng nhiều quyền lợi như dị tính, cho dù chưa phải là tất cả. Đối với người đồng tính, việc từ nay trở đi họ được thừa hưởng tài sản của bạn đời, được cung cấp thông tin trong bệnh viện khi bạn đời lâm bệnh, v.v… đều là những nỗi niềm mà họ mong ước từ bấy nay, cả về mặt tình cảm lẫn thực tế cuộc sống.

Trên phương diện này, Hungary cũng đã một bước dài trong việc tôn trọng, khoan dung và chấp nhận những dị biệt, kể từ khi đồng tính còn là đề tài bị coi là “nhạy cảm” cho đến khi, nhiều nghệ sĩ, chính khách đã công khai thừa nhận “bản sắc” của mình trong những năm gần đây…

(*) Bài viết đã trích đăng trên "Tiền Phong".

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn