HUNGARY: CÓ THỂ TRỪNG PHẠT NHỮNG KẺ PHỦ NHẬN HOLOCAUST

Thứ năm - 11/03/2010 01:03

(NCTG) Từ tháng 4-2010, những ai phủ nhận hoặc nghi ngờ về sự tồn tại của holocaust (sự thảm sát có hệ thống sắc dân Do Thái dưới thời Đức quốc xã), hoặc cho rằng holocaust là sự kiện không đáng kể, sẽ có thể phải chịu bản án tù giam 3 năm, theo Bộ Luật Hình sự (BLHS) sửa đổi được Quốc hội phê chuẩn vào cuối tháng 2-2010 và vừa được Tổng thống Sólyom László thông qua.

“Những chiếc giày trên bờ sông Danube” (khánh thành năm 2005), đài tưởng niệm các nạn nhân của tệ diệt chủng holocaust của hai tác giả Pauer Gyula và Can Togay

Theo thông báo của ông Kumin Ferenc, trưởng phòng Văn phòng Tổng thống Cộng hòa, sở dĩ Tổng thống Hungary ký thông qua điều khoản sửa đổi của BLHS vì ông thấy rằng điều đó không đi ngược lại với Hiến pháp.

Ông Kumin Ferenc cũng nói rằng, theo Tổng thống Sólyom László, việc Quốc hội Hungary phê chuẩn một đạo luật với nội dung như vậy trong khi diễn ra chiến dịch tranh cử, là điều không đúng đắn. Bởi lẽ, ông cho rằng để thảo luận một cách tỉnh táo những vấn đề lớn như vậy, cần một thời điểm khác “tĩnh tại”, thích hợp hơn.

Như đã biết, dự thảo sửa đổi BLHS được ứng viên thủ tướng của Đảng Xã hội MSZP, ông Mesterházy Attila, đề xuất, và đã được Quốc hội Hungary phê chuẩn với 197 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 144 phiếu trắng.

Ngoại trừ ông Gulyás József (cựu thành viên nhóm dân biểu Liên đoàn Dân chủ Tự do SZDSZ trong Quốc hội), tất cả các dân biểu MSZP và SZDSZ đều bỏ phiếu thuận, và các dân biểu đảng đối lập Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ bỏ phiếu trắng.

Như vậy, sau rất nhiều lần đưa ra các đề xuất nhằm trừng phạt những kẻ có quan điểm phủ nhận nạn holocaust trước công luận, lần đầu tiên Hungary ra được một đạo luật với nội dung như trên. Điều này càng mang tầm quan trọng khi con số các công dân Hungary trở thành nạn nhân của holocaust trong Đệ nhị Thế chiến là thuộc hàng nhất nhì Châu Âu, và thời gian gần đây, đi kèm với sự phát triển của các nhóm cực đoan, sự phủ nhận holocaust đã diễn ra dưới nhiều dạng ở nước này.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của giới luật gia, cho dù được nhìn nhận và vi hiến, việc áp dụng đạo luật nay trong thực tế sẽ gặp rất nhiều cản trở. Rõ ràng là cần trừng phạt những kẻ công khai xúc phạm nhân phẩm (cá nhân và tập thể) của các nạn nhân holocaust, nhưng câu hỏi “ai là nạn nhân holocaust?”, “thế hệ thứ hai, thứ ba có còn được coi là nạn nhân hay không?” cũng không được đề cập rõ ràng trong luật.

Việc xác định khái niệm “công khai” cũng sẽ gây ra tranh cãi: chẳng hạn, nếu ai đó phát biểu tại Quảng trường Anh hùng hoặc một nhận xét trên blog (nhật ký cá nhân) có được coi là “công khai”, “trước công chúng” hay không? Hơn nữa, nếu xét về nội dung một phát biểu thì nhiều khi, khó nhận định được các ẩn ý trong đó – nên chăng, phải xem xét ảnh hưởng, tác động do nó gây ra?

Ngoài ra, trong trường hợp đảng đối lập FIDESZ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 4-2010, rất có khả năng là một số hành vi bị coi là tội ác diệt chủng sẽ tiếp tục được đưa vào đạo luật. Theo mô hình của Cộng hòa Pháp, chẳng những không được phủ nhận holocaust, mà sự phủ nhận tội diệt chủng ở Armenia và Rwanda, cũng như những tội ác của thể chế cộng sản Stalinist cũng bị nghiêm cấm trong luật định.

Trần Lê, theo index.hu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn