HUNGARY CÓ THỂ ĐƯỢC MIỄN THỊ THỰC VÀO HOA KỲ TRONG NĂM NAY

Thứ sáu - 03/10/2008 00:06

(NCTG) Trong vòng 1 năm qua, tỉ lệ thị thực mà công dân Hungary xin vào Hoa Kỳ bị bác tại ĐSQ Mỹ ở Budapest đã giảm dưới 10% và nếu con số này không tăng một cách đáng kể sau khi xem xét con số visa bị bác tại tất cả các tòa đại sứ Mỹ trên toàn thế giới, Hungary sẽ thực hiện điều kiện cuối cùng để được hưởng chế độ miễn thị thực do Hoa Kỳ quy định.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Hungary April H. Foley và bộ trưởng Tư pháp Hungary Draskovics Tibor, vào ngày 1-10-2008, đã ký thỏa thuận cuối cùng cần thiết cho chế độ miễn thị thực: thỏa thuận về việc trao đổi các số liệu hình sự trong các hồ sơ lưu trữ hình sự của hai nước. Được biết, thoạt tiên, phía Hoa Kỳ đòi hỏi cả những thông tin "nhạy cảm" như xu hướng chính trị và giới tính, cũng như sự tham gia của cá nhân trong các hoạt động nghiệp đoàn, nhưng cuối cùng, Mỹ đã từ bỏ đòi hỏi này theo đề nghị của phía Hungary. Theo tuyên bố của đại sứ April H. Foley, Hungary có thể gia nhập chương trình miễn thị thực của Hoa Kỳ ngay trong thời gian tổng thống Bush còn tại vị. Bộ trưởng Tư pháp Hung thì cho rằng, việc ký kết thỏa thuận này là một sự kiện lịch sử vì sau đó, các công dân Hungary được sống trong một thế giới an toàn hơn.

Theo số liệu của ĐSQ Mỹ tại Budapest, trong năm ngoái, hơn 40 công dân Hungary đã nhập cảnh Hoa Kỳ và con số này có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Công dân Hungary có thể thực sự nhập cảnh Hoa kỳ mà không cần visa sau khi hệ thống lưu trữ các dữ liệu của hành khách được chính thức đưa vào hoạt động, sau thời gian thử nghiệm. Theo dự tính, công dân các quốc gia gia nhập chương trình miễn thị thực Hoa Kỳ sẽ sử dụng hệ lưu trữ này từ ngày 12-1-2009.

Trong khuôn khổ chương trình miễn thị thực, du khách và thương gia ngoại quốc có thể nhập cảnh và cư trú tối đa 90 ngày tại Mỹ mà không cần visa; còn nhập cảnh với mục đích du học hoặc làm việc thì vẫn tiếp tục phải có thị thực. Tuy nhiên, trước khi nhập cảnh, du khách phải làm thủ tục đăng ký (trả lời một số câu hỏi qua mạng Internet) để được chấp nhận vào Mỹ.

Trần Lê, theo [index]


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn