Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Rév Miklós
Lý giải thêm về điều đó, ký giả Hungary nhận xét: “Có thể tìm thấy trong Chủ tịch Hồ Chí Minh những đức tính ở mức độ được gia tăng của một người Việt Nam trung bình, còn những nhược điểm thì đã từ lâu được ông học cách chế ngự, khiến việc loại trừ chúng đã trở thành bản tính của ông”.
* Nhìn nhận Việt Nam dưới con mắt văn hóa
Trong số những nhà báo ngoại quốc từng tới Việt Nam và có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường hợp của Patkó Imre rất đặc biệt: không chỉ là một phóng viên, một ký giả lão thành, một nhà ngoại giao, ông còn là nhà sưu tầm và nghiên cứu các nền nghệ thuật của những miền đất xa xôi.
Bộ sưu tầm các tác phẩm hội họa, nghệ thuật tạo hình của Patkó Imre - trong đó, một phần là các tác phẩm của những dân tộc Viễn Đông, hoặc các bộ lạc Châu Phi - sau khi ông qua đời, đã được trao tặng cho Győr, thành phố quê hương ông, và nay vẫn là nơi lui tới của giới nghiên cứu và tìm hiểu nghệ thuật.
Trên tư cách ấy, cùng đồng sự là nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh nổi tiếng Rév Miklós (1905-1998), bậc thày của trường phái nhiếp ảnh báo chí Hungary, trong thập niên 50 thế kỷ trước, Patkó Imre đã có những chuyến du hành tới những xứ sở xa xăm và xa lạ đối với người Châu Âu (như Tây Tạng, Trung Quốc, Việt Nam...) để tìm hiểu đất nước, con người cùng nền văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại của những vùng đất ấy.
Đặc biệt, kết quả của chuyến thăm Việt Nam năm 1959 của hai tác giả là hai cuốn sách đồ sộ về Việt Nam (*), trong đó, cuốn đầu mang tựa đề “Việt Nam”, khổ lớn, dày chừng 500 trang với khoảng 300 tấm ảnh tư liệu vô cùng quý báu, được liệt vào hàng những tác phẩm kinh điển xuất sắc về miền Bắc Việt Nam những năm đầu khi đất nước phân ly sau Hiệp định Geneva 1954.
Cho dù ra đời cách đây nửa thế kỷ, nhưng hình ảnh Việt Nam được khắc họa trong những trang sách mang dấu ấn lịch sự đó ít mang sự thiên kiến, bởi lẽ các tác giả nhìn nhận đất nước, con người Việt Nam và cuộc chiến giành độc lập của xứ sở này dưới lăng kính văn hóa, chứ không theo nhãn quan chính trị mang tính thời cuộc.
Bởi vậy, những thông tin và vấn đề được đề cập trong sách, cho đến nay đa phần vẫn giữ được sự xác tín và ý nghĩa; cạnh đó, chúng ta vẫn tìm được nhiều điểm thú vị ở đó, không chỉ vì những hoài niệm của quá khứ, mà còn bởi qua đó, chúng ta thấu hiểu thêm hình ảnh của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
* Vị chủ tịch gần dân
Mang tiêu đề “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, chương cuối cùng của cuốn “Việt Nam” được dành để nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh và thể hiện ảnh hưởng của Hồ Chủ tịch đối với bạn bè quốc tế, trên cương vị một nhà cách mạng và một nguyên thủ quốc gia, con người mà như ký giả nhận định, “đã góp phần đáng kể trong sự lựa chọn của ba từ nói trên, trong sự kết hợp đặc biệt của ba lý tưởng dân tộc, xã hội và cá nhân...”
Bìa cuốn sách “Việt Nam”
Trong số các vị nguyên thủ trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh - trong mắt Patkó Imre - trước hết, là nhà lãnh đạo “có lẽ gần gũi nhất với những thường dân của đất nước ông, trong cách sống, trang phục và cách cư xử”. Nhà báo Hungary được chứng kiến điều này trong dịp hội kiến Bác Hồ, trong buổi mít-tinh lớn được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad, cũng như trong các buổi tiếp tân, ngày lễ...
Không dừng lại ở đó, ông Patkó Imre còn trò chuyện, trao đổi với nhiều người từng có thời gian cùng làm việc và tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến hoặc trong Phủ Chủ tịch thời gian ấy, trong số đó, có đại diện của nhiều giai tầng xã hội: cán bộ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, nông dân... Để lại ấn tượng trong nhà báo là ngay khi đã là chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên dùng bữa với nhóm cần vụ, không khác gì thời trên chiến khu Việt Bắc.
Không phải ngẫu nhiên mà ở Bác, gần dân là một đặc tính được Patkó Imre đặc biệt để tâm. Cuộc chính biến đau đớn năm 1956, vết thương lòng lớn nhất của Hungary thế kỷ XX, có một nguyên nhân rất căn bản là một số lãnh tụ thượng đỉnh của Đảng Cộng sản Hungary đã hành xử độc đoán và xa rời dân, không tôn trọng ý nguyện của dân, muốn người dân sùng bái họ như những vị vua chúa.
Liên hệ đến tình hình Việt Nam, nhà báo Hungary đã nhắc lại: sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, khi những hậu quả nghiêm trọng của tệ sùng bái cá nhân ở Liên bang Xô-viết được đưa ra mổ xẻ, Đảng Lao động Việt Nam cũng tiến hành thảo luận xung quanh vấn đề sùng bái cá nhân có tồn tại ở Việt Nam hay không. Một kết luận được đúc kết: có, nhưng không ở mức độ nguy hiểm.
Và để có được điều đó, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng: với dân, ông luôn như người trong gia đình và với các đồng chí trong đảng, ông luôn chân tình. Patkó Imre nhận xét: “Ngày nay, vẫn có thể thấy ảnh Hồ Chí Minh ở mọi nơi, không chỉ trong các công sở, mà tại cả nhà riêng. Trong nhà bếp của người nông dân, ảnh ông được đặt trên bàn thờ hoặc treo trên tường (...)”.
Và do đó, cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến “những hậu quả tệ hại của sùng bái cá nhân - từng gây ra bao vấn đề và bao nỗi cay đắng trong toàn thể phong trào công nhân thế giới - ở Việt Nam không thể xuất hiện dưới hình thức trầm trọng”.
Patkó Imre thuật lại một câu chuyện mà ông được chứng kiến thời gian ở Việt Nam, cho thấy “Hồ Chí Minh đã vươn cao hơn ghế chủ tịch: ông có vị trí trang trọng trong trái tim người dân”. Tháng 3-1959, một cuộc mít-tinh lớn được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình chào mừng chuyến thăm Việt Nam của ông Rajendra Prasad, tổng thống đầu tiên của Ấn Độ. Kéo dài vỏn vẹn trong vòng chưa đầy nửa tiếng, người dân miền Bắc lúc đó đã rất vui mừng và thích thú khi được chiêm ngưỡng hai vị chủ tịch nước trên lễ đài cuộc mít-tinh.
Hai ký giả Hungary rất ngạc nhiên vì sau bài phát biểu ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ qua mọi nguyên tắc ngoại giao và lễ tân khi ông nói với người dân trên quảng trường: “Tôi đề nghị chúng ta hô một vài khẩu hiệu, rồi cùng hát nào. Hãy hát bản hành khúc “Tình hữu nghị giữa các dân tộc”! Một - hai - ba!”. Và rồi Bác Hồ cất tiếng hát đầu tiên, để “người dân cùng hát theo, với xúc cảm trong sáng, và ánh mắt họ lộ rõ vẻ mừng vui, phấn khởi và tình thương yêu”, như nhận xét của nhà báo Hungary. (**)
Xem Phần 2 của bài viết.
(*) “Việt Nam” (NXB Nghệ thuật, Budapest 1960) và “Nghệ thuật Việt Nam” (NXB Corvina, Budapest 1967).
(**) Bài viết đã đăng trên “Pháp Luật TP HCM”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.
Hoàng Thư - Còn tiếp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn