BIỂU TÌNH KHÔNG ĐĂNG KÝ: GIẢI TÁN HAY KHÔNG?

Thứ năm - 08/05/2008 00:04

(NCTG) Đây là một câu hỏi mà giới chính khách Hungary bất lực để tìm được sự đồng thuận. Đối với những cuộc biểu tình, tuần hành không đăng ký, cảnh sát Hung phải tự quyết định rằng họ có can thiệp hay không. Cho dù theo đạo luật về hội họp của Hungary, không thể có ngoại lệ với những cuộc biểu tình chưa được phép, nhưng thời gian gần đây đã có một số trường hợp, khi cảnh sát “mềm tay” trước đoàn người biểu tình.

Chẳng hạn, cuộc biểu tình ở phố Hollán Ernő không được thông báo đúng thời hạn, nhưng nó vẫn được tiến hành vì cảnh sát quyết định không can thiệp.

Sau đó vài giờ, một cuộc biểu tình khác diễn ra trước Nhà Quốc hội Hungary. Ở đây, nhóm biểu tình cũng không đăng ký đúng hạn (72 giờ trước khi khởi đầu), và cảnh sát cho rằng cần giải tán.

Như NCTG đã đưa tin, ngày 2-5 qua, Bộ Tư pháp và Trị an đã ra thông báo: nếu một cuộc biểu tình, tuần hành không được đăng ký trước 72 giờ, nhưng nó đáp ứng mọi yêu cầu khác, thì sẽ không bị giải tán. Chỉ ít ngày sau, quan điểm chính thức của Bộ đã thay đổi: nhất thiết phải giải tán, không cầm “xem xét” gì cả.

Chuyện khá là kỳ, hôm nay còn thế này, mai đã thế khác!” – ông Szabó Máté, ủy viên phụ trách nhân quyền của Quốc hội Hungary phàn nàn.

Các nhà đấu tranh cho nhân quyền của Hungary cho rằng sở dĩ có chuyện lạ thường như vậy, vì luật của Châu Âu khác với đạo luật hội họp của Hungary. Chủ tịch Hiệp hội vì các quyền tự do (TASZ), ông Schiffer András, cho biết: “Từ tháng 6-2007, Hungary đã bị Châu Âu phê phán vì không cho phép những cuộc biểu tình hòa bình và tự phát. Chỉ phụ thuộc vào cảnh sát, là họ cho phép hay không cho phép. Điều này gây ra sự bối rối, khiến người dân không biết đâu mà lần! Và hiện tình chính trị căng thẳng của Hungary chỉ làm xấu thêm chuyện này!

Các quan chức cảnh sát Hung không muốn bình luận về đề tài này, khi bị báo chí chất vấn.

Giải pháp duy nhất là phải sửa đổi đạo luật hội họp và 5 đảng có mặt trong Quốc hội Hung đã họp bàn để đi đến thống nhất, nhưng xem chừng “đường còn dài”. Theo tin của RTL Klub, khả năng đạt đồng thuận nhanh chóng là không nhiều, vì các cuộc đàm phán đã bị gác lại.

Trần Lê, theo RTL Klub


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn