VÀI KỶ NIỆM CỦA BỐN NĂM LÀM BÁO

Thứ sáu - 24/02/2006 09:12

(NCTG) Một người bạn, có theo dõi NCTG từ khi mới chào đời, khi biết chúng tôi chuẩn bị làm số báo thứ 200, có bảo tôi: "Bốn năm làm báo, chắc bọn cậu có nhiều kỷ niệm vui buồn. Đã đành đây là chuyện riêng, "mắm muối" báo chí các cậu, nhưng nếu có gì có thể chia sẻ được với bọn mình, và người đọc nói chung, thì cũng vui cậu ạ".

Bìa số NCTG đầu tiên (12-12-2001)

Tôi có phần ngần ngại trước việc kể lại những gì đã làm, đã trải qua. Phần vì, đúng như anh bạn nói, nó mang nhiều tính cá nhân, không chắc đáng để bạn đọc để tâm. Phần khác, vì nó có thể đụng chạm đến những người mà tôi nhắc đến trong đó.

Tuy nhiên, 200 số báo, cũng là một quãng đời - có thể chưa thật dài, nhưng lắm gian truân, đầy ắp những buồn vui - của người viết và của tờ báo. Nên, "chiều" anh bạn, xin được kể lại, rất vắn tắt, vài mẩu chuyện của 4 năm làm báo.

* "AI BẢO CẬU LÀM BÁO?"

Cuối 2001, khi chúng tôi bắt đầu tờ báo, cảm giác đầu tiên là khá nhiều người nhìn chúng tôi với con mắt... nghi hoặc. Có người hỏi thẳng chúng tôi, có người thì... nói sau lưng, rất đặc trưng kiểu... tế nhị của Á Đông.

Những câu hỏi "thường trực" là: "Ai bảo/ phân công các cậu làm báo?"; "Tiền đâu ra/ ai cho tiền mà làm?"; "Lại định... giở trò gì hả?"... Thậm chí, có người còn nói thẳng: "Định... phản động hả?"

Chúng tôi rất hiểu tâm lý này, nên với bất cứ ai, cũng đều giải thích rất ôn tồn. Ngay trong những lời đầu cùng bạn đọc (do Nam Sơn, một thành viên BBT, chấp bút), chúng tôi cũng phải "rào trước đón sau", "minh định lập trường" rất kỹ (điều này được lặp lại thường xuyên trong cả các số báo về sau).

Đến nỗi, mấy đồng nghiệp (lớn tuổi, đã rất thành danh) ở hải ngoại, đọc NCTG, có bảo: "Báo tự làm thế này tạm được rồi. Có điều, thích thì làm, có gì sai đâu mà thanh minh thanh nga hoài vậy?"

Khốn nỗi, họ ở các xứ phương Tây từ lâu, quen với "tập tục" bên đó, là báo chí chỉ cần đăng ký, chứ không cần xin phép, chỉ cần làm đúng Luật Báo chí và các điều luật khác, chứ chẳng phải... sợ ai.

Biết đâu, bên mình, hễ cứ đụng đến chữ nghĩa, ai cũng ngại ngần vì những nỗi sợ vô hình (mà Nguyễn Tuân, trong khắc họa của Nguyễn Minh Châu, đã lã chã nước mắt mà bảo rằng ông sống được đến giờ vì còn biết sợ...)

Nhiều lúc thấy cô độc, chúng tôi chỉ biết tự an ủi bằng lời khuyên của mấy bậc cao niên, hiểu tấm lòng tụi trẻ: "Không sao đâu, miễn là tâm mình sáng!"

* "SAO KHÔNG IN... VẠN SỰ?"

Là một tờ báo độc lập, không dựa dẫm và phụ thuộc vào bất cứ ai, NCTG tồn tại và phát triển một cách hết sức khó khăn cả về nhân sự lẫn tài chính!

Thời gian đầu (và kéo dài khá lâu), chính anh em chủ trương báo phải đi từng chợ để "phát hành báo" (theo lối nói trịnh trọng của anh Hoàng Sơn, người mà, cùng một số thân hữu khác của báo, chúng tôi phải biết ơn rất nhiều vì sự giúp đỡ, đưa NCTG đến với độc giả).

Đi bán báo như thế, nhiều khi rất vất vả, vì làm xong tờ báo ai nấy cũng mệt nhoài rồi, còn chuyện gia đình, vợ con không thể bỏ bê (nếu không, ai cho chúng tôi làm báo?) Nên bà con, nhiều khi cũng... thương tình.

Có chị bảo: "Ừ, mua ủng hộ một tờ, chứ mắt kém đọc được đâu?". Chị khác: "Báo tuần trước còn chưa kịp ngó, đứa nào nó lấy mấy rồi. Thôi thì cứ để đây 1 tờ, "tài trợ" cho báo tí..."

Một anh thì: "Tờ này có... từ tuần trước rồi mà? Cái bìa đo đỏ, thấy quen lắm..." (một trong những lý do để chúng tôi phải thay đổi màu trang bìa NCTG là để bà con dễ phân biệt báo từng tuần - nhưng dịp ấy, vì sở thích "phối màu" của họa sĩ L.T. mà chúng tôi trót để hai tuần liền, báo đều có bìa màu... đo đỏ!).

NCTG là một tờ báo tương đối nghiêm túc, bài vở mang tính chọn lọc, xác tín và ít nhiều có "chất lượng" (theo đánh giá một số độc giả), vì vậy, thực sự là không thật "dễ đọc" (hiểu với nghĩa giải trí thông thường).

Đây chính là nỗi lo của anh em chủ trương chúng tôi, làm sao, một mặt, để tờ báo có nhiều độc giả, mặt khác, vẫn giữ được chất lượng của nó để có thể phát triển đến một số thị trường khác, đáp ứng nhu cầu khác của nhiều bạn đọc.

Phải nói thật là không phải bao giờ chúng tôi cũng có thể dung hòa hai vấn đề ấy. Khiến việc bán báo cũng trở nên chật vật hơn. Một số bạn đọc than thở "báo không có truyện chưởng, truyện tình, hình sự, khó đọc lắm".

Có người rất chân thành: "Thú thực là giờ anh chỉ đọc được tin vắn, xem cái tít in đậm là đủ. Bài dài hơn nửa trang, đọc khó lắm, đến phía dưới thì quên béng nó... đoạn đầu nói gì rồi... Chợ búa nó thế em ạ...".

Nhưng, làm tôi nhớ mãi, từ buổi đầu, là lời một chị ở chợ Thượng Hải, cảm thông và an ủi khi thấy bọn tôi vất vả quá: "Bọn em làm thế này, vừa vất vả vừa... có ra tiền đâu? Sao không... làm béng cái quầy mà bán hàng cho yên? Với lại, nên in... lịch Vạn Sự, rồi bói biếc... người ta mua những thứ ấy nhiều đấy. Báo... lại là... "tạp chí" thế này, ít ai quan tâm lắm!"

Tôi cám ơn lời khuyên của chị và tự nhủ, sẽ cố làm sao để có được một tờ "tạp chí" vừa có người đọc, vừa không đến nỗi hổ thẹn cho cộng đồng mình bên Hung, nếu cần phải đưa đi đâu đó, hoặc đặt lên bàn...

3. "TÒA SOẠN "AN NINH THẾ GIỚI" PHẢI KHÔNG?"

Tựa đề hai tờ tuần báo Việt ngữ đầu tiên của cộng đồng Việt Nam tại Hung, ngẫu nhiên, cùng có chữ "thế giới".

Cả hai đều ra hàng tuần, khá sát ngày nhau, nên bà con, lúc đầu, rất hay lẫn. Không còn nhớ tờ nào là tờ nào nữa. Chúng tôi hay phải giải thích cặn kẽ: "NCTG là tờ... cỡ nhỏ (A4), còn TGNN cỡ to (A3)". Nhưng được một thời gian thì TGNN cũng lại chuyển về cỡ nguyên thủy của nó (A4), nên sự nhầm lẫn thỉnh thoảng vẫn tiếp diễn. Âu cũng là chuyện thường tình, nay nhắc lại như một chuyện vui.

Nhưng những bận chúng tôi bị (được) nhầm với tờ "An ninh Thế giới" (ANTG) mới để lại nhiều kỷ niệm thú vị!

Sự "bé cái nhầm" ấy, hẳn cũng chỉ xuất phát từ hai chữ "thế giới" kia. Bởi lẽ, về nội dung, NCTG có ít điểm chung với đồng nghiệp trong nước vì chúng tôi không chủ trương đăng bài vở quá thiên về hình sự, tội ác..., với sự tin tưởng rằng, một là, những tin kiểu ấy, cùng lắm, chỉ nên ở các báo chuyên về hình sự (như ở Hung, có tờ "Zsaru" chẳng hạn); hai là, những tin tức hình sự đầy rẫy mọi nơi mọi chỗ, nhiều khi, không điển hình cho xã hội mà nó phản ánh (nếu chọn lọc các tin hình sự, chém giết, hiếp dâm, chết chóc... ở Hung hàng ngày và dịch ra tiếng Việt, hẳn thân nhân chúng ta ở nhà phải lo lắng cho số phận bà con sinh sống ở Hung lắm - cho dù, xã hội Hung vô cùng ổn định và ôn hòa!).

Vậy mà, hẳn vì quen miệng, hoặc một phần cũng vì, tờ ANTG - với nguồn thông tin rất "dồi dào" về hình sự và "tệ nạn xã hội" - đã trở thành tờ báo Việt Nam được ưa chuộng nhất ở Hung, nên khá nhiều bạn đọc, khi gọi điện thoại đến chúng tôi hỏi han, hoặc góp ý bài vở, đã mở đầu cuộc nói chuyện bằng câu "ANTG này...", "đây là tòa soạn ANTG phải không?"...

Căng thẳng nhất là bận, khi NCTG gặp phải "tai nạn nghề nghiệp" xuất phát từ sự hiểu nhầm bài viết của chị Hồng Nhung, trong hằng hà sa số những cú điện thoại mà tôi nhận được bất kể ngày đêm, cũng có những cú mở đầu bằng "ANTG phải không? Sao lại..."

Chuyện có thể bình thường, nhưng với tôi không hiểu sao nó vẫn để lại ấn tượng không quên. Đến nỗi, trong dịp về thăm nhà, có ghé qua tòa soạn "Công an Nhân dân" (khi đó ANTG đã trở về chức năng một ấn phẩm của tập đoàn báo chí "Công an Nhân dân"), gặp gỡ và phỏng vấn anh Lưu Vinh, phó TBT tờ báo, chỉ thiếu chút nữa là tôi đã kể nó ra.

Dầu sao đi nữa, trong cuộc trò chuyện ấy, anh Lưu Vinh cũng "trấn an" tôi rằng theo đường lối mới, ANTG sẽ được "xã hội hóa", bớt phần hình sự, chém giết, tệ nạn..., để nhấn mạnh hơn chúc năng văn hóa của ngành Công an.

Tôi hoàn toàn đồng tình và yên tâm với "định hướng" ấy của ngành An ninh Việt Nam!

4. "ÔNG ẤY TRÔNG PHÚC HẬU, CÓ VẺ TỐT..."

NCTG ra đời được mấy tháng thì nước Hung chuẩn bị ráo riết cho kỳ tranh cử Quốc hội 2002.

Tâm niệm là cần có những bài viết để bà con trong cộng đồng - ít nhất là những ai không thạo tiếng, hoặc dù biết tiếng nhưng không có thời gian, hay vì lý do gì đấy, ít quan tâm đến "thời cuộc" - mấy anh em chúng tôi cũng chuẩn bị cho kỳ tranh cử ấy rất nhộn nhịp.

Mỗi người được phân dịch và tổng hợp một mảng thời sự, đúng thời hạn phải gửi về để còn kịp in. Có lẽ chỉ thời gian này, trong vòng vài tuần, NCTG mới hoạt động thực sự giống một tờ báo... bình thường ở Việt Nam: có phân công, bàn giao công việc đúng thời hạn, rồi bàn bạc, sửa chữa, biên tập...

Kết quả đợt ấy, với chúng tôi, thật khả quan. Bà con, ngay cả những người ít quan tâm nhất đến chính cuộc, cũng bắt đầu làm quen và thích thú  với việc tìm hiểu những gì đang diễn ra quanh mình. Những cái tên khó đọc, trước đó lạ lẫm với nhiều người, như Orbán Viktor, Medgyessy Péter, Kuncze Gábor... dần dần cũng được bà con chấp nhận và hỏi han.

Đỉnh cao của niềm vui chúng tôi là vào đêm chung cuộc, hai đảng MSZP và FIDESZ bám sát nhau từng điểm; khi cả nhóm chúng tôi cũng ngồi chăm chú trước màn hình vô tuyến, dán mắt theo dõi sự phân tích và bình luận của các nhà xã hội học, chính trị học... thì không ít độc giả NCTG đã dồn dập gọi điện đến hỏi: "Đến đâu rồi anh? Ai thắng?", "Thằng" Xã hội có vẻ nguy nhỉ? Thấy "chúng nó"[FIDESZ] tiến kinh quá"...

Cá nhân tôi, thú vị nhất là việc một số bà con, trước kia cứ nói đến "chính trị chính em" là lánh xa, coi như thứ xa lạ và không dính dáng gì đến mình, thì nay lại rất năng tìm hiểu và hỏi han. Một cách đơn giản và khá cảm tính, họ nghĩ MSZP "tốt" vì một số vị lãnh đạo đảng này thời xưa có quan hệ với "mình", họ dễ "thông cảm" với Việt Nam; đặc biệt, nếu "ông" Medgyessy "ông ấy lên thì có thể Việt Nam mình dễ được thẻ vàng hơn", một phần cũng vì "ông ấy trông phúc hậu, có vẻ tốt..."; còn "thằng" Orbán "trông nó nói đáng ghét lắm", "" không ưa người nước ngoài nên "mình đừng cho nó thắng cử lần này"!

Đơn thuần là như thế, có những bà con phát âm còn khó khăn tên mấy vị chính khách nọ, nhưng do đọc báo cũng đã tương đối thạo về chủ trương, chính chất của từng đảng phát, về những sự kiện đang xảy ra quanh họ.

"Ông ấy trông phúc hậu, có vẻ tốt..." - Cụu thủ tướng Medgyessy Péter trong hội đàm chính thức với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trên cương vị đặc phái viên (đại sứ lưu dộng) của thủ tướng Hung Gyurcsány Ferenc (nguồn ảnh: trang chủ của ông Medgyessy Péter)

Đối với chúng tôi, đây là những kỷ niệm không thể quên, đồng thời cũng là niềm hạnh phúc khi thấy mọi nỗ lực bỏ ra đã không đến nỗi vô ích.

Nhớ lại vài kỷ niệm xưa cũ này, xin mượn lời của Cỏ May, một CTV nhiệt tình và thủy chung của báo, trong bài viết mừng NCTG 1 tuổi, rằng, cho dù "những ngày đã qua và sắp đến" có thế nào đi nữa, đối với toàn thể chúng tôi, những người có duyên nợ với tờ báo, 4 năm vừa qua sẽ là "một thời và mãi mãi trong tim..."

Trần Lê - Tháng 2-2006


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn