NGƯỜI VIỆT TẠI HUNGARY VỚI NỖ LỰC HỘI NHẬP CHÍNH TRỊ
Chủ nhật - 06/05/2018 15:22
(NCTG) “Chúng ta hay nghĩ chính trị là cái cao xa, không “thiết thực”, là “chuyện triều đình”, không liên quan gì tới mình, là việc của “người khác”. Nhưng dần dần, có thể nhận ra rằng, hiếm có điều gì diễn ra quanh mình lại không chịu tác động sâu sắc và toàn diện của chính trị. Vì thế, tại sao chúng ta lại không quan tâm?”.
Lời Tòa soạn:Cuộc bầu cử Quốc hội Hungary đầu tháng 4 và sự hội nhập của cộng đồng Việt tại Hung là hai chủ đề chính trong chương trình “Góc nhìn” với đề tài “Người Việt tại Hungary: hội nhập vẫn giữ bản sắc”, được phát trên kênh truyền hình VTV4 hôm 5-5-2018 vừa qua.
Sau đây là nội dung trao đổi của BTV kênh VTV4 và TBT báo điện tử “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) về những vấn đề có liên quan.
- Có thể thấy kết quả bầu cử Quốc hội Hungarry 2018 với chiến thắng không bất ngờ, đánh dấu cho nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp thắng cử của đương kim Thủ tướng Orbán Viktor, người luôn bày tỏ quan điểm cứng rắn với người nhập cư và tuyên bố bảo vệ lợi ích quốc gia trên hết.
Nhưng kết quả của cuộc bầu cử lần này cũng đặt ra thách thức với Liên minh Châu Âu (EU) trong bối cảnh bất đồng sâu sắc giữa Budapest và Brussels, đặc biệt là vấn đề người tỵ nạn. Quan điểm của anh về vấn đề này?
Thật ra bất đồng giữa Budapest và Brussels đã âm ỉ và dai dẳng từ 7-8 năm nay, khi liên minh cầm quyền đứng đầu là đảng FIDESZ (Liên đoàn Thanh niên Dân chủ) chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội Hungary năm 2010, và sau đó, năm 2014.
Trong rất nhiều vấn đề, chính phủ Hungary đã và đang bị Liên Âu chỉ trích liên tục, và hiện tại khả năng Hungary bị những biện pháp trừng phạt - cao nhất là có thể là bị tước quyền biểu quyết trong Liên Âu - cũng đang bị đặt lên bàn nghị sự.
Đây là một đề tài phức tạp và khó hiểu nếu không nắm bắt được những nét đặc thù trong nền chính trị Hungary. Xét trên bề nổi, nó là sự khác biệt giữa các giá trị chung của Châu Âu, và quan niệm “quốc gia là trên hết” của nội các FIDESZ.
- Thủ tướng Orbán Viktor là người luôn bày tỏ quan điểm cứng rắn với người nhập cư, vậy chính sách sắp tới của ông có tác động gì đến cộng đồng người Việt không?
Sẽ còn là quá sớm khi nhắc tới chính sách sắp tới của Thủ tướng Orbán Viktor, khi phiên họp thành lập của Quốc hội mới còn chưa diễn ra, và do đó nội các mới chưa chính thức thành lập. Cho nên những ý kiến sau đây mới chỉ mang tính giả định.
Người nhập cư mà chính quyền Hungary trong 3 năm nay tỏ ra bài trừ và có cái nhìn khắc nghiệt, là di dân Hồi giáo, mà Budapest cho rằng hàm chứa những yếu tố nguy hiểm cho an ninh quốc gia, đi kèm với làn sóng khủng bố đang đe dọa Liên Âu.
Di dân Hồi giáo theo nhìn nhận của chính phủ Hungary còn đe dọa nền văn hóa Thiên Chúa giáo cùng những phong tục tập quán ngàn đời của nước Hung. Dưới góc độ và cách nhìn ấy, thì cộng đồng người Việt không phải là đối tượng của sự kỳ thị.
- Theo anh kết quả bầu cử có tác động hay không tới quan hệ giữa Hungary và Việt Nam, và sẽ tác động như thế nào tới cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hiện nay?
Cá nhân tôi nghĩ rằng, về mặt đối ngoại, nước Hung vẫn theo đường lối “Hướng Đông” đã được khởi thảo từ nhiều năm nay, và Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng và tin cậy, là cửa ngõ của Hungary trong nỗ lực mở rộng quan hệ ở khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, chuyến thăm Việt Nam năm ngoái của Thủ tướng Hungary, bên cạnh những kết quả đáng kể trong hợp tác kinh tế, còn mang lại nhiều mối quan hệ văn hóa, giáo dục giữa hai nước, mà quan trọng là 200 suất học bổng cho du học sinh Việt hàng năm.
Sự kiện trên là một tín hiệu tích cực thúc đẩy sự hội nhập của bà con Việt bên này. Cho nên, kết quả cuộc bầu cử có thể đem lại nhiều hệ lụy cho nội tình nước Hung, cho nhiều giai tầng ở Hung, nhưng theo tôi không ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ hai nước.
- Tại sao người Việt tại Hung lại quan tâm tới cuộc bầu cử Quốc hội lần này?
Tôi nghĩ rằng khi con người ta sinh sống ở đâu, thì sau khi đã ổn định cuộc sống, có chút điều kiện, cũng sẽ dần dần có nhu cầu tìm hiểu những gì diễn ra xung quanh mình. Điều đó cũng đúng với bầu cử Quốc hội, sự kiện chính trị lớn nhất của nước sở tại.
Cách đây tròn 16 năm, khi tờ báo của chúng tôi mới ra được ít lâu và báo đã đăng tải nhiều tin tức, bài viết về cuộc bầu cử Quốc hội 2002, tôi nhớ vào ngày bầu cử đã nhận được khá nhiều cú điện thoại của bà con, hỏi “ông nào là ông nào”, “ai thắng”, rất sôi nổi.
Như thế, sự quan tâm không phải tới bây giờ mới có. Nhưng sự hội nhập là con đường rất dài, rất gập ghềnh và khó nhọc, cần thời gian và những trải nghiệm, đặc biệt là trong hội nhập về chính trị, đỉnh cao của sự hội nhập nói chung. Cần 16 năm là vì thế...
Cuộc mạn đàm đã thu hút sự quan tâm của khoảng 120 người, tức là chật địa điểm tổ chức, nhiều người phải đứng, và ai nấy đều ở lại đến cuối cùng. Đó cũng là một bất ngờ với cá nhân tôi, người có dịp tham dự hoặc tổ chức nhiều hoạt động của cộng đồng.
Chúng ta hay nghĩ chính trị là cái cao xa, không “thiết thực”, là “chuyện triều đình”, không liên quan gì tới mình, là việc của “người khác”. Nhưng dần dần, có thể nhận ra rằng, hiếm có điều gì diễn ra quanh mình lại không chịu tác động sâu sắc và toàn diện của chính trị.
Vì thế, tại sao chúng ta lại không quan tâm? Tôi nghĩ rằng, để tâm đến những vấn đề thường nhật, và cả lớn lao của đời sồng thời sự chính trị của nước bạn là một bước trưởng thành của cộng đồng, là một chỉ dấu cho thấy những nỗ lực của bà con...
- Anh có thể chia sẻ thêm về sự quan tâm của cộng đồng người Việt ở Hung với các vấn đề chính trị tại nước này. Từ trước tới nay đã có những hoạt động tìm hiểu chính trị nước sở tại chưa, Hội Người Việt có quan tâm tổ chức các hoạt động này không?
Thật ra cách đây 4 năm, cộng đồng cũng đã có một hai buổi mạn đàm với nội dung tương tự, nhưng với số người tham dự ít hơn nhiều so với lần này. Đó là lần đầu tiên một số vấn đề chính trị của nước sở tại được đưa ra tìm hiểu trong một hoạt động cộng đồng.
Điểm mới của buổi mạn đàm lần này, là có thêm phần thuyết trình và giới thiệu tương đối bài bản về những nội dung như hệ thống bầu cử Hungary cùng các đảng phái chính trị của nước này, cũng cách thức bầu bán. Đó là điều quan trọng xét về mặt thông tin.
Bên cạnh đó, chính trị nước sở tại cũng là một mảng khá đậm trong nội dung kỳ thi để đạt chứng chỉ cần thiết cho thủ tục xin nhập tịch Hungary, mà bà con thường gọi là “thi Quốc tịch”. Vô hình trung, bà con có thêm được sự quan tâm thông qua những khóa học đó.
- Việc am hiểu về chính trị nước sở tại đã giúp ích gì cho đời sống bà con kiều bào?
Tôi nghĩ tác động của nó là đáng kể, nhưng không phải là thứ có thể nắm bắt được ngay mà cần thời gian, từng bước một. Am hiểu chính trị nước sở tại, cũng như hiểu biết được phần nào lịch sử, văn hóa và con người nước bạn, là điều nên làm và hết sức cần thiết.
Không chỉ giúp chúng ta nâng cao kiến thức, tự tin hơn trong cuộc sống và giao tiếp với người dân nước bạn, có kiến thức về chính trị còn khiến mỗi người nắm bắt được những biến đổi, ảnh hưởng của chính trị tới cuộc sống, để ứng phó được trước thử thách đó.
Hơn thế nữa, như chúng tôi thường nói, đối với các bà con đã nhập tịch Hungary, thì hiểu biết và thực thi quyền chính trị (chẳng hạn thông qua việc tìm hiểu và đi bỏ phiếu) còn là một quyền công dân, một sự biểu thị quan điểm và chính kiến mang tính trách nhiệm.
- Theo anh, chính sách thắt chặt nhập cư của Hung tác động như thế nào tới cộng đồng người Việt những năm qua?
Hungary xưa nay là một quốc gia có chính sách quản lý ngoại kiều rất chặt chẽ và nghiêm túc, có lẽ là hàng đầu trong khối các nước ở vùng Đông - Trung Âu. Việc nhập cảnh, rồi sở hữu được các loại giấy phép cư trú rất khó khăn, với nhiều điều kiện nhiêu khê.
Tuy nhiên, chính chính sách đó ít nhiều lại như một sự thanh lọc, khiến cộng đồng Việt bên này trở nên thuần nhất, giảm bớt một số tệ nạn, người Việt ở lâu năm đa phần có giấy tờ và cuộc sống ổn định, và thực chất cũng không gặp phải sự phân biệt đối xử từ chính quyền.
Cá nhân tôi nhìn nhận rằng sự thắt chặt chính sách nhập cư của nước bạn, tất nhiên có gây một số khó khăn cho ngoại kiều, nhưng cũng theo hướng bài bản hóa và chuẩn hóa một số thực tế ngoại kiều theo luật định, và không nhất thiết là gây khó dễ cho cộng đồng Việt.
- Từ kinh nghiệm cá nhân và những trường hợp khác quanh mình, theo anh việc thi Quốc tịch có ý nghĩa như thế nào với người Việt tại Hungary và số lượng người Việt thi đỗ quốc tịch ngày càng tăng nói lên điều gì?
Liên quan tới câu hỏi trước, trong khi đường lối của Hungary với di dân là khắc nghiệt, thì những năm gần đây lại có nhiều người Việt được nhập tịch Hung. Điều thuận lợi nhất, ít ra cũng về mặt tinh thần, là bà con không phải bỏ quốc tịch gốc, mà vẫn được trở thành công dân Hung.
Thí sinh còn phải nắm bắt được một cách tổng quan và đầy đủ các khái niệm chính trị, xã hội và luật pháp... Việc thi Quốc tịch, theo tôi, khiến bà con đi thêm được một bước dài trên con đường hội nhập, cần thiết cho chính bản thân, gia đình, và cho cả cộng đồng Việt tại Hung!
- Đến nay người Việt gặp khó khăn và thuận lợi gì trong quá trình hội nhập? Hành trang quan trọng nhất để hội nhập là gì?
Quá trình hội nhập nói chung thì bao giờ cũng hết sức khó khăn, thoạt tiên là rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, cho tới hoàn cảnh sống. Nói riêng trong quá trình học hỏi kiến thức để có được tấm bằng trong kỳ thi Quốc tịch, thì khó khăn là vô vàn!
Bao nhiêu năm rời ghế nhà trường, bươn chải và vật lộn với cuộc sống đầy khó khăn, phản xạ học hỏi những kiến thức “kinh viện” đã gần như mất hết - đối với rất nhiều người, trở lại “đời sinh viên” như cách bà con thường tự trào nói, dù chỉ trong vài tuần, là một nỗ lực ghê gớm!
Hành trang quan trọng nhất để hội nhập, theo tôi nghĩ là sự cố gắng và kiến thức thu được. Phải nỗ lực tìm hiểu và nắm bắt những thông tin căn bản để có được hiểu biết, tri thức, mới có thể gần gũi hơn, có tình cảm gắn bó hơn với mảnh đất và con người nơi mình sinh sống.
- Anh cho có thể cho biết mục đích của sự ra đời và những hoạt động cần chú trọng của Hiệp hội Người Việt trong thời gian tới?
Hiệp hội ra đời năm 2008, với mục tiêu quan trọng nhất là điều hợp hoạt động của rất nhiều hội, đoàn đã tồn tại khi đó theo hướng thống nhất hơn, hiệu quả hơn trong nỗ lực đại diện cho lợi ích của bà con, và giúp đỡ cho cộng đồng trong một số vấn đề của cuộc sống xứ người.
Sau nhiều năm bền bỉ hoạt động, mới đây Hiệp hội đã được pháp luật Hungary công nhận là một tổ chức xã hội công ích và được hưởng 1% khoản thuế thu nhập của các công dân đóng góp. Đây sẽ là khoản kinh phí chính, theo kỳ vọng, cho hoạt động của Hiệp hội trong những năm tới.
Mục tiêu được đặt ra trong thời gian tới của Hiệp hội là chú trọng thúc đẩy mảng truyền thông, đặc biệt là truyền thông đối ngoại để quảng bá hình ảnh cộng đồng, khiến người dân sở tại có thêm thông tin và cái nhìn thiện cảm về người Việt với những nỗ lực trong hội nhập.
(*) Có thể xem toàn bộ chương trình trên kênh VTV4 tại đây.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...