Ghi nhanh: NGƯỜI VIỆT “THI QUỐC TỊCH” Ở HUNGARY

Thứ sáu - 15/12/2017 03:30

(NCTG) “Với tấm bằng, trong tương lai các thí sinh sẽ trở thành công dân của hai quốc gia, sẽ có hai quê hương là Việt Nam và Hungary, nhưng điều lớn hơn thế, có lẽ là họ đã đi thêm được một bước dài trên con đường hội nhập, cần thiết cho chính bản thân, gia đình, và cho cả cộng đồng Việt tại Hung!”.

“Em rất là hạnh phúc” - Huyền Trang ngay sau khi được nhận chứng chỉ

“Em rất là hạnh phúc” - Huyền Trang ngay sau khi được nhận chứng chỉ

Theo luật định của Hungary, người ngoại quốc muốn nhập tịch Hung thông thường phải trải qua một kỳ thi sát hạch mang tên “Kiến thức cơ bản về Hiến pháp”, mà bà con Việt tại Hung hay gọi bằng cái tên “Thi Quốc tịch”.

Gồm hai nội dung thi viết và thi vấn đáp, có tổng cộng 40 câu hỏi, đề tài của kỳ thi rất rộng: từ lịch sử nước Hung từ thuở khởi đầu đến những biến chuyển dân chủ năm 1989-90, đến hình thái, cơ cấu tổ chức nhà nước, sự phân chia quyền lực thành ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp...

Bên cạnh đó, các thí sinh phải nắm bắt được một cách tổng quan về các khái niệm chính trị, xã hội và luật pháp cơ bản khác, cùng những chặng nổi bật của nền văn hóa, khoa học Hungary. Được coi là “cơ bản”, nhưng kiến thức của kỳ thi trong thực tế là rất rộng, cặn kẽ và mang tính bao quát.

Theo nhận xét của một số cựu du học sinh, chương trình để thi môn “Kiến thức cơ bản về Hiến pháp” có thể coi là tương đương với một môn học trong một học kỳ tại đại học, và ngay các cựu sinh viên, nếu không được học qua, cũng rất có thể bị đánh rớt, hoặc gặp khó khăn trong kỳ thi.

Đó là lý do khiến rất nhiều bà con Việt kinh doanh tại Hungary, do khó khăn về ngôn ngữ, về điều kiện tiếp cận kiến thức bên cạnh công việc mưu sinh khó nhọc kéo dài, đều coi đây là một chặng “thử lửa” đáng gờm trong quá trình hội nhập với xã hội sở tại, mà việc nhập tịch là một bước đi đáng kể.

Chiều 14-12-2017, chúng tôi có mặt tại trụ sở Hội đồng Thành phố Budapest, nơi diễn ra kỳ thi cuối cùng trong năm nay. Tại tòa nhà cổ kính hơn 140 năm tuổi với kiến trúc Tân Phục hưng nằm ngay tại con phố đi bộ chính Váci của Budapest, 6 thí sinh Việt Nam hồi hộp cùng hơn 20 bạn ngoại quốc.

Kéo dài từ 9h sáng tới 2h chiều mới có kết quả được công bố, cả sáu người vỡ òa trong niềm vui khó tả: tất cả đều thành công! Bao nhiêu ngày vất vả, đèn sách thâu đêm với những khái niệm, ngôn từ xa lạ với cuộc sống đời thường, nay được đền bù xứng đáng bởi tấm bằng - chứng chỉ trang trọng.

Run lắm, nhưng cuối cùng cũng bình tĩnh lại được, làm bài được... sung sướng lắm rồi. Giám khảo nói chung là nghiêm, nhưng mình không làm được thì họ cũng gợi ý cho”, chị Hoài Thư chia sẻ. Để có được kết quả hôm nay, chị cũng như đa số các thí sinh Việt đều đã phải kinh qua nhiều kỳ thi trượt.

Thật ra hôm nay đi thi cũng không nghĩ là thành công đâu, nhưng cơ bản là được Giám khảo giúp đỡ cũng nhiều. Cảm giác thì bây giờ cũng rất khó nói, cũng mong chờ kết quả này... nên bây giờ không biết nói gì hơn”, còn đây là cảm tưởng của anh Thanh Hải, người tính đến giờ đã ba lần đi thi.

Ba lần rong ruổi đi thi cũng là trường hợp của Huyền Trang, cô gái ngay trước kỳ thi còn bị ốm vật vã mấy ngày. “Em bây giờ rất là vui, sung sướng, tuyệt vời, sau một thời gian nỗ lực, phấn đấu học hành để nhận được tấm bằng này. Em rất là hạnh phúc”, Huyền Trang nói trong nỗi xúc động.
 
Món quà quý báu nhất cho các thí sinh Việt Nam trước kỳ Giáng sinh
Món quà quý báu nhất cho các thí sinh Việt Nam trước kỳ Giáng sinh

Giật thót cả người khi nghe tên mình được đọc” là cảm giác của không chỉ một người trong nhóm thí sinh Việt. Ai nấy đều đồng ý là nội dung thi quá dài, phức tạp và khó mà nhớ hết, thuộc hết được, rất khó “qua” nếu không gặp phải một Ban Giám khảo thiện ý và cảm thông với người nước ngoài.

Riêng Minh Trang thì đây là lần đầu cắp sách đi thi, và đã thành công ngay cả hai nội dung thi viết và vấn đáp, cho dù lúc chờ đợi quá hồi hộp cô đã thề “nếu trượt sẽ không đi nữa”. “Kỳ thi này đối với em rất quan trọng, em rất hồi họp... và thành công! Hôm nay 6 người thi đều được hết, ai cũng giỏi hết”.

Tất cả đều ý thức được rằng, một khi đã xác định định cư dài hạn trên nước bạn, thì việc cố gắng tìm hiểu và nắm bắt những thông tin căn bản, để có được hiểu biết, dẫn tới sự gần gũi và tình cảm gắn bó hơn với mảnh đất và con người nơi mình sinh sống cũng là điều rất nên làm và đáng làm.

Đó cũng là ý kiến của anh Quang Nam, người cao tuổi nhất trong nhóm. Bày tỏ niềm vui mừng, anh cho rằng “mình được không chỉ là giấy chứng nhận mình đã qua được kỳ thi quốc tịch của Hung, cái chính là mình đã hiểu được về đất nước và con người Hung nhiều hơn, và đó là cái được lớn nhất”.

Với tấm bằng, trong tương lai các thí sinh sẽ trở thành công dân của hai quốc gia, sẽ có hai quê hương là Việt Nam và Hungary, nhưng điều lớn hơn thế, có lẽ là họ đã đi thêm được một bước dài trên con đường hội nhập, cần thiết cho chính bản thân, gia đình, và cho cả cộng đồng Việt tại Hung!

Xem clip của NCTG ở đây. Trên VTV4 ở đây.

PV


 
 Từ khóa: Thi Quốc tịch
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn