GẶP GỠ “ÔNG PHẦN NÔNG THÔN” TẠI BUDAPEST

Thứ hai - 08/11/2010 00:26

(NCTG) Từ một người làm phim mang hơi hướng lãng mạn, nên thơ, cho đến loạt phim nổi tiếng về nông thôn khiến tác giả được gọi bằng cái tên “ông Phần nông thôn” - nhiều thông tin thú vị về sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần đã được chuyển tới cử tọa trong tối 5-11 vừa qua.


Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và TS. Nguyễn Mạnh Tùng trước Chợ Tứ Hổ (Budapest)

Trong chuyến đi Châu Âu dự một LHP tại Milano (Ý), đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cùng hai cộng sự của ông trong game show “Hà Nội 36 phố phường” (TS. Sử học Nguyễn Mạnh Tùng và bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung) đã có dịp ghé thăm Hungary và cộng đồng Việt Nam tại đây.

Một số bà con có thể không biết đến cái tên Nguyễn Hữu Phần nhưng hầu như ai cũng biết “Đất và Người” và “Ma làng”, hai bộ phim rất thành công về hiện thực nông thôn Việt Nam với tất cả những nét đáng yêu và đáng giận, cùng những trăn trở, vui buồn và khổ đau thời bao cấp.

Có những người, khi biết tin đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đang ở Budapest nhưng không có điều kiện gặp gỡ ông, đã háo hức nhờ chúng tôi gửi tới ông câu hỏi “sao “Ma làng” trên VTV4 đang hay thì lại bị... cắt đánh phựt một cái mà không thông báo gì cho người xem cả?”, “hay là phim... có vấn đề gì?”, “bác đạo diễn có mang những tập thiếu sang cho bà con xem không?”, v.v...
 

Tiếp xúc và tìm hiểu đời sống của bà con xa xứ, chuẩn bị cho một đề án điện ảnh mới

Sự quan tâm ấy của đồng bào xa xứ, trong hoàn cảnh điện ảnh Việt Nam đa phần thiên về tính giải trí, hời hợt - nội dung chủ yếu xoay quanh chuyện “chàng nàng thi nhau thay quần áo” mà ít có những bộ phim hay mang nội hàm xã hội sâu sắc - âu cũng là niềm vui và vinh dự cho người làm phim...
 
*

Tiếp nối các cuộc giao lưu với các nhà văn Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, với nhà sử học, NGND. Đinh Xuân Lâm và đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được tổ chức trong thời gian gần đây, buổi tọa đàm văn nghệ diễn ra vào tối 5-11 tại Trung Tâm Thăng Long có đề tài khá... rộng mở.
 

Dịch giả Giáp Văn Chung giới thiệu bản dịch “Không số phận”, tác phẩm chính của văn hào Kertész Imre

Trước phần giao lưu với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, các tác phẩm văn học lớn của Hungary vừa ra tại Việt Nam đã được dịch giả Giáp Văn Chung, một gương mặt quen thuộc của cộng đồng Việt Nam tại Hungary giới thiệu với cử tọa. Với sức làm việc tận tâm và đáng nể, thông qua khá nhiều dịch phẩm trong vòng gần 3 năm ngắn ngủi, Giáp Văn Chung đã có những đóng góp rất thiết thực cho giao lưu văn hóa Việt Nam - Hungary.

Đặc biệt, trong năm 2010 (kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước), anh đã ra được hai đầu sách của các tác gia vĩ đại Hungary: “Trời và đất & Bốn mùa” và “Không số phận”. Là các tác phẩm lớn thuộc loại khó đọc và khó dịch - các tản văn của bậc thày Márai Sándor được người dịch đánh giá là “gợi nhớ tùy bút Nguyễn Tuân với những nét tinh tế và sang trọng”, còn văn Kertész Imre, Nobel Văn chương 2002 thì thuộc loại “khó nhằn” ngay đối với cả các độc giả Hungary - đây là sự quảng bá tốt nhất cho nền văn hóa Hungary tại Việt Nam.

Còn một điều nữa mà dịch giả Giáp Văn Chung chưa có dịp nhắc tới trong tọa đàm, là mối liên hệ giữa văn học và điện ảnh. Hai nhà văn lớn nói trên đều có nhiều đầu sách mang hơi thở điện ảnh mạnh mẽ, nhiều tác phẩm của họ đã được dựng thành phim và điện ảnh là một cầu nối hữu hiệu để chuyển tải một số giá trị văn học đến người thưởng ngoạn (như trong trường hợp bộ phim “Cánh đồng bất tận” vừa được công chiếu tại Việt Nam hiện nay).
 

Cùng các thành viên cộng đồng Việt Nam tại Hungary

Bản thân đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vị khách thứ hai trong buổi giao lưu, cũng là người yêu văn học, mê đọc sách. Ông từng là sinh viên khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm 1 Hà Nội và làm giáo viên dạy Văn trong vòng vài năm sau khi tốt nghiệp. Nhưng “máu” điện ảnh từ thuở thanh niên trong ông đã khiến ông bỏ nghề dạy học, theo học Đại học Sân khấu Điện ảnh khóa 1 và trở thành đạo diễn.

Với phong cách dung dị, mạch lạc và sự diễn đạt rất “văn”, Nguyễn Hữu Phần đã chia sẻ những chẳng cơ bản của con đường nghệ thuật mà ông theo đuổi. Sau khi tốt nghiệp trường điện ảnh, ông đã dựng thành công nhiều bộ phim mang chất thơ, lãng mạn và nhẹ nhàng như “Lời từ biệt tình yêu”, “Bản tình ca trong đêm”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Lẽ nào anh lại quên”, “Những mảnh đời của Huệ”, “Ngọt ngào và man trá”...

Mặc dù đã đạt được một số thành công với dòng phim nói trên, nhưng những năm gần đây, Nguyễn Hữu Phần lại làm nên tên tuổi với chuỗi phim về nông thôn. Lý giải sự “chuyển hướng” đó, đạo diễn cho hay: Việt Nam vẫn là một đất nước có tới 70% là nông dân, trong lòng bất cứ ai cũng vẫn có hình ảnh một miền quê nào đó và nông thôn - đặc biệt là nông thôn thời kỳ đổi mới, trong quá trình đô thị hóa - với những đề tài bất tận vẫn là một mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim khai thác.
 

Những chia sẻ điện ảnh với cộng đồng Việt tại Hungary

Cho dù sinh ra ở một miền quê, nhưng Nguyễn Hữu Phần sống ở thành phố từ những năm thiếu thời và như ông tự nhận, cũng không phải ngay mới đầu ông đã có hiểu biết thật nhiều về nông thôn. Nguồn kiến thức ấy, khiến ông được gọi bằng cái tên “ông Phần nông thôn”, chỉ có được sau những năm tháng gần gũi với người nông dân, nắm bắt và thể hiện trung thực những vấn đề “sát sườn” với họ, mà kỳ thực cũng là vấn đề của Việt Nam, một nước nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi.

Sau khi dựng xong hai bộ phim truyền hình rất thành công về nông thôn Việt Nam thời bao cấp (“Đất và Người”, dựa theo tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường và “Ma làng”, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Trịnh Thanh Phong), Nguyễn Hữu Phần tỏ ra rất tâm huyết với đề tài thời nay, với những vấn đề nhức nhối như câu chuyện bán đất, bán ruộng, sự xáo trộn và phân hóa khi những khu công nghiệp được mọc lên kèm theo những tệ nạn, những mặt trái của thời hội nhập.
 

Cử tọa tại buổi tọa đàm

Ông chia sẻ rằng một trong những vấn nạn của Việt Nam và chưa có được sự chuẩn bị cần thiết về tay nghề, về “văn hóa tiêu tiền”, về lối sống... cho những người nông dân nghéo khó, nay tự nhiên có bạc tỉ trong tay do bán ruộng đồng, chẳng mấy chốc có thể trở thành nạn nhân của chính những đồng tiền ấy và của sự kém hiểu biết, để rồi tay trắng lại hoàn tay trắng. Bộ phim “Gió làng Kình” là một nỗ lực khắc họa hiện thực bức xúc ấy.

Trả lời câu hỏi có gặp áp lực gi không khi phanh phui mổ xé những thói hư tật xấu, những “tồn tại” trong hiện thực nông thôn Việt Nam, Nguyễn Hữu Phần khẳng định: không, vì khi cái tâm mình sáng, mình phê phán để xây dựng, để làm cho mọi thứ tốt hơn, thì không ai làm gì mình. Việc 5 tập phim sau cùng của “Ma làng” bị ngừng chiếu trên VTV4 được nhà đạo diễn cho là trường hợp rất đáng tiếc, thiếu tôn trọng khán giả, khiến họ không có dịp theo dõi cách xử lý của nhà làm phim đem lại kết cục “hợp lý” cho những xung đột trong tác phẩm.

Buổi giao lưu cũng đem lại một bất ngờ thú vị cho đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khi ông có dịp gặp lại Thu Hiền, một diễn viên ngày nào, người thủ vai chính trong bộ phim “Lẽ nào anh lại quên” cách đây 15 năm, khi ông tham gia cùng Khải Hưng trong chương trình “Văn nghệ Chủ nhật”. Cô Liên trong bộ phim ngày ấy của ông, ngày nay đã trở thành một nữ doanh nhân tại Budapest, nhưng vẫn nhớ như in về vai diễn đầu đời sau khi cô vừa ra trường và vẫn mong ước có một ngày được trở lại với màn ảnh.
 

Gặp lại một cộng sự cũ

Một số đề tài khác được đặt ra trong cuộc tọa đàm - như điện ảnh Việt Nam với dịp kỷ niệm Ngàn năm vừa qua, cũng như đánh giá và vai trò của giới sử học trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử (câu hỏi được đặt ra cho TS. Nguyễn Mạnh Tùng) - cũng cho thấy, dù ở xa Tổ quốc, nhưng bà con Việt tại Hungary vẫn quan tâm sát sao các vấn đề “nóng” trong đời sống văn hóa, xã hội ở quê hương.

PV - Ảnh: Trần Lê


 
 Từ khóa: giao lưu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn