Luật sư Szilas András: CẦN Ý THỨC ĐƯỢC VÀ THỰC THI NHỮNG QUYỀN CỦA MÌNH!

Chủ nhật - 14/11/2010 19:38

(NCTG) Từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Công ty TNHH East-Orient Consulting Kft. của luật sư Szilas András là một địa chỉ tin cậy của nhiều người Hoa và Việt Nam tại Hungary, với những “gói” dịch vụ trọn gói đảm bảo và tận tình, kể cả việc đại diện pháp luật cho cá nhân và các doanh nghiệp.

Người nước ngoài rất cần được tư vấn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình - Minh họa: Chợ Tứ Hổ, một tụ điểm kinh doanh của người Châu Á tại Budapest

Thời gian gần đây, Văn phòng Luật sư của ông (Văn phòng Luật sư Tóth Éva) ngày càng nhận được nhiều yêu cầu từ các thân chủ Châu Á để đại diện họ trong các vụ án hình sự. NCTG đã có cuộc trao đổi với luật sư Szilas András trong vấn đề này.

NCTG: Những năm gần đây, báo chí Hungary hay nhắc đến một số vụ việc hình sự liên quan đến người Hoa và Việt Nam, hai cộng đồng Châu Á lớn nhất tại đây. Trên tư cách một luật sư chuyên về các vụ án hình sự, theo ông, đã có thể nhắc đến cái gọi là “tội phạm Châu Á” nói chung hay chưa?

Luật sư Szilas András (Sz.A.): Thực ra con số người Châu Á phạm tội hình sự theo hướng sử dụng bạo lực là không đáng kể. Hầu như chúng tôi không mấy khi gặp phải trường hợp người Châu Á hành hung công dân Hungary. Có một số vụ thanh toán, ẩu đả hay hành hung lẫn nhau vì lý do tiền nong, nhưng những năm gần đây số này cũng không đáng kể.

Các hành vi vi phạm và phạm tội hình sự mà chúng tôi thường gặp nhất liên quan tới thuế quan, thuế vụ, nhái hàng mác và ngoại kiều. Khả năng là trong thời gian tới, con số các trường hợp này cũng sẽ giảm - ít nhất là tại Hungary, khi các cơ quan APEH (Sở Thuế) và VPOP (Thuế quan và Thuế vụ) được hợp nhất từ ngày 1-1 sang năm.

Một lý do nữa là trong Liên hiệp Châu Âu, sự hợp tác giữa các cơ quan hữu quan ngày một mật thiết hơn nên thủ phạm các vụ án sẽ ngày một khó thoát hơn...


Luật sư Szilas András cùng Nguyên Tổng thống Philippines Fidel Ramos tại Diễn đàn BOAO - Ảnh do nhân vật cung cấp

NCTG: Xin ông cho biết cụ thể hơn về việc hợp nhất giữa các cơ quan thuế quan, thế vụ. Điều này có ảnh hưởng thế nào tới các cộng đồng Châu Á tại Hungary?

Sz.A.: Khi các cơ quan nói trên hợp nhất thì nguồn lực và các hồ sơ, sổ sách của họ cũng được thống nhất. Các kiếm sát viên thuế vụ và điều tra viên thuế quan sẽ được dùng hệ thống dữ liệu của nhau một cách trực tiếp. Việc kiểm tra và phát hiện các vụ lậu thuế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều đối với các ban ngành nhà nước.

NCTG: Ông có thể nói thêm về một số hành vi liên qaun tới các cộng đồng Châu Á mà theo luật pháp Hungary, bị coi là tội hình sự.

Sz.A.: Chính quyền Hungary thường xuyên phải điều tra các vụ việc nhái mác sản phẩm, hàng hóa. Không thể triệt tiêu được hiện tượng này, nhưng các cơ quan chức năng tìm cách giảm thiểu nó bằng cách gia tăng các cuộc kiểm tra và đưa ra các bản án phạt để làm gương.

Đồng thời, các chủ sở hữu thương hiệu cũng có gắng sử dụng các biện pháp phòng chống trên sản phẩm của họ (như dùng nhãn hologram) để chống hàng nhái mác một cách hiệu quả.

Những vi phạm và tội hình sự liên quan đến vấn đề ngoại kiều luôn là nguồn công việc thường xuyên cho giới luật sư. Nặng nhất trong số này là tội buôn người, đáng tiếc khá hay xảy ra. Gần đây nhất, tháng 6-2010, một nhóm công tác được thành lập trong khuôn khổ Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol) - mà Hungary cũng là một thành viên - đã phá vỡ một đường dây đưa các công dân Việt Nam sang Anh.

NCTG: Xin ông cho biết thêm quan điểm về các trường hợp nhập cư trái phép này?

Sz.A.: Tôi kinh ngạc khi nghe chuyện các nạn nhân - hiện đang chờ lệnh trục xuất - đa phần đều sống trong những gia đình nghèo khó, đã phải cật lực vay mượn tiền để trả “lệ phí” cho những kẻ đưa người. Tôi không hiểu là nếu đã gom góp được khoản tiền lớn như thế (15-20 ngàn Euro) thì rơi vào lưới của những kẻ đưa người làm gì, để phải rời bỏ quê hương, lâm vào cảnh gần như nô lệ?

Tuy nhiên, nhờ sự hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, EU ngày càng có thể ngăn chặn vấn nạn đó một cách hiệu quả hơn.

NCTG: Là một luật sư, ông có lời khuyên gì cho những kiều dân Châu Á - một bộ phận đáng kể thân chủ của ông - nếu họ cảm thấy rằng họ bị các cơ quan thuế quan, thuế vụ và ngoại kiều đối xử một cach sai lầm?

Sz.A.: Nhất thiết nên bàn bạc, trao đổi với luật sư. Nếu luật sư cũng thấy là có khả năng kháng cáo và thân chủ có lý thì nên làm theo như vậy, vì có khả năng thắng kiện. Những công dân Châu Á sống lâu năm tại Hungary ngày càng có ý thức về những quyền lợi của mình, cạnh đó, họ cũng cần có cách để thực thi những quyền ấy.

Văn phòng chúng tôi cũng sẵn sàng tư vấn các vấn đề luật pháp cho những độc giả NCTG đang sinh sống và làm việc tại Hungary. Những câu hỏi, xin các bạn chuyển qua BBT báo (hoặc gọi trực tiếp cho tôi theo số 06-30-9442-309), tôi sẽ giải đáp trong chừng mực có thể!

NCTG: Xin cám ơn ông!

Trần Lê thực hiện


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn