NHỚ NHỮNG NGƯỜI LÍNH “NGÃ XUỐNG THÀNH TƯỢNG ĐÀI”

Thứ bảy - 12/03/2011 14:36

(NCTG) “Có người còn nuôi giấc mơ giản dị với người mình yêu: “Em yêu quý, anh sẽ xin xuất ngũ về chỉ ở nhà để giữ nhà cho em...”. Và để sửa lại căn nhà bị bão làm đổ từ năm ngoái...”.


Di ảnh và di thư của Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương gửi về cho vợ trước khi nằm xuống ở Trường Sa - Ảnh: Ngọc Lan (“VietNamNet”)

Súng đã nổ và máu đã đổ ở Trường Sa! Hành động xâm lược dã man trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã gây lòng căm phẫn trong đồng bào cả nước. Cùng với cả nước hướng về Trường Sa, Tạp chí “Sông Hương” đã gửi quà tặng sách báo đến các chiến sĩ đang giữ gìn đảo. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu bài thơ của nhà thơ Xuân Hoàng đọc trong đêm 2-4-1988. Đêm thơ nhạc bày tỏ tấm lòng và thái độ của lực lượng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên gửi đến các chiến sĩ.
 
TRƯỜNG SA SÚNG ĐÃ NỔ

Trường Sa, súng đã nổ:
San hô đẫm máu người!
Tàu chiến dập tên lửa,
Lửa cháy ba ngày trời!

(Ta: ba tàu vận tải,
Mấy trung đội trên bờ
Địch: có một hạm đội,
Âm mưu sắp từng giờ)

Những chiến sĩ Trường Sa
Giữ ngọn cờ Tổ quốc
Ngã xuống thành tượng đài
Giữa muôn trùng sấm chớp

Hỡi ơi, người anh hùng,
Bao tháng ngày giữ đảo!
Trơi xanh và phong ba,
San hô và chim bão...

Tổ quốc như thế đấy!
Một tấc cũng giữ gìn:
Từ tim, chuyền máu chảy,
Máu lại trở về tim.

Ứa lệ đọc dòng tin:
Đau cưa và giận cắt
Thơ viết mấy lần liền
Vẫn chưa vừa ý đặt!

Hậu phương đây gian khổ,
Bão tố ở Trường Sa:
Cái thời ta chịu đựng
Mai sau có chói lòa?
 
26-3-1988
Xuân Hoàng
 
***

Trên đây là trọn vẹn trang 110 của Tạp chí “Sông Hương” số 30 (tháng 3 & 4 năm 1988), dành cho bài viết “Hướng về Trường Sa”.

Hai mươi ba năm trôi qua, quãng thời gian không lâu lắm so với lịch sử một xứ sở vẫn tự hào về “4 nghìn năm...” của mình. Lần giở trang báo cũ để nhớ: có thời chưa xa, một “lực lượng văn nghệ sĩ” đã dám “bày tỏ tấm lòng và thái độ”.

Bài thơ dung dị, và cảm động. Đọc lại, rồi xem đoạn phim “Vòng tròn bất tử của các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam”, ai mà không muốn ứa nước mắt?

Những người lính ngã xuống vào giờ khắc ấy (và trước đó 14 năm), chắc không ai muốn thành tượng đài.

Có người còn nuôi giấc mơ giản dị với người mình yêu: “Em yêu quý, anh sẽ xin xuất ngũ về chỉ ở nhà để giữ nhà cho em...”. Và để sửa lại căn nhà bị bão làm đổ từ năm ngoái...

Nhưng giờ đây, thay vì những trò xa hoa tốn kém, rất cần một tượng đài (chung) vinh danh họ.

Sự hy sinh của họ, bao giờ sẽ chói lòa?

Người Dân


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn