CUỘC TRANH LUẬN TRÊN NHỮNG XÁC TÙ BINH NGA

Chủ nhật - 14/09/2014 13:16

(NCTG) Để biện bạch cho vụ thảm sát Katyń - được coi là tội ác lớn nhất đối với tù binh trong lịch sử các cuộc chiến thế kỷ 20 - theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo thượng đỉnh Liên Xô, giới sử học nước này đã phải lao vào tìm kiếm một sự kiện trong mối quan hệ Liên Xô - Ba Lan để có thể làm “đối trọng” với Katyń.


Các quân nhân Ba Lan tại Miłosna (gần thủ đô Warszawa) trong cuộc chiến Nga - Ba Lan - Ảnh tư liệu

Đó là câu chuyện của cái gọi là “phản Katyń”, diễn ra từ năm 1990, khi sau nửa thế kỷ đổ vấy cho phát-xít Đức, lần đầu tiên Liên Xô chính thức thừa nhận rằng theo chỉ thị của Stalin và được sự đồng thuận của các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, cơ quan mật vụ chính trị Xô-viết NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ) đã trực tiếp thực hiện vụ thảm sát Katyń vào năm 1940.

Tuy nhiên, đồng thời với sự thừa nhận muộn màng này, Tổng bí thư Mikhail Gorbachev cũng ra chỉ đạo phải tìm ra một biến cố tương tự để còn thể “đổ lỗi” cho phía Ba Lan. Thoạt đầu, các nhà nghiên cứu Nga định lấy sự kiện Moscow bị liên quân Ba Lan - Lithuania chiếm đóng và phóng hỏa thời đầu thế kỷ 17, nhưng rồi ý tưởng này bị loại bỏ vì “nó đã lâu quá rồi”.

Rốt cục, số phận những người lính Hồng quân bỏ mạng vì dịch bệnh trong các trại tù Ba Lan sau cuộc chiến Nga - Ba Lan năm 1920 đã được điện Kremlin bám vào mỗi khi có ai nhắc đến tội ác chống nhân loại Katyń.

Cuộc chiến nhằm “xuất khẩu cách mạng”

Cuộc chiến Nga - Ba Lan kéo dài trong thời kỳ 1919-1921 là một trong những hậu quả của Đệ nhất Thế chiến bởi lẽ đường biên giới giữa hai nước đã không được Hòa ước Versailles (năm 1919) ấn định. Giành được độc lập vào năm 1918 sau 123 năm bị ba đế quốc láng giềng chia cắt, Ba Lan đã dựng lên nền Đệ nhị Cộng hòa và muốn bảo vệ những vùng đất đã một lần bị ngoại bang cướp mất.

Về phần mình, nuớc Nga Xô-viết muốn giữ lại những diện tích từng được sáp nhập vào Đế chế Nga hoàng, nhưng họ đã đánh mất quyền kiểm soát trong Đệ nhất Thế chiến. Mặt khác, sau chiến thắng trong cuộc nội chiến trước các lực lượng Bạch vệ và đồng minh Phương Tây, Lenin cho rằng đã đến lúc cần “xuất khẩu” mô hình cách mạng bạo lực Bolshevik và xã hội cộng sản ra thế giới.

Mục đích của giới lãnh đạo cộng sản Nga thời đó là nối liền cách mạng Nga với cách mạng Đức, cũng như ủng hộ các tổ chức cộng sản khác ở Phương Tây và trong nỗ lực đó, Ba Lan bị coi là cầu nối để họ thực hiện tham vọng mang tính “hoàn cầu” này. Theo dự tính, thoạt tiên, Nga sẽ dùng đưa quân chiếm lại những phần đất đã bị mất trên cơ sở bản Hòa ước Brest-Litovsk ký với Đức đầu năm 1918.

Sau đó, Hồng quân sẽ tràn qua biên giới để chiếm “thượng phong” tại các nước lân cận, và lập nên chính quyền theo mô hình Xô-viết ở Ba Lan, rồi liên kết với phong trào cánh tả ở Đức để làm nổ ra cách mạng tại đó. Không giấu giếm, một số lãnh tụ Xô-viết coi cuộc chiến Nga - Ba Lan là dịp bành trướng mô hình cách mạng Nga ra các nước Phương Tây nhằm “bôn-sê-vích hóa toàn Châu Âu”.

Để thực hiện mục tiêu đó, Hồng quân Nga đã vận động một lực lượng quân sự đáng kể (lúc đông nhất lên tới 800 ngàn quân nhân) dưới sự lãnh đạo của nhiều tướng lĩnh lừng danh, trong đó đáng kể nhất là ba trong số năm vị tướng về sau được tấn phong Nguyên soái Liên Xô trong đợt đầu tiên năm 1937 (Mikhail Tukhachevsky, Aleksandr Yegorov và Semyon Budyonny).

Các sách sử còn ghi nhận những lời của danh tướng Nga Tukhachevsky, được vang lên như một hiệu lệnh cho binh lính Hồng quân trong trận chiến với Ba Lan: “Vận mệnh cuộc cách mạng hoàn cầu sẽ được quyết định ở Phương Tây. Con đường châm ngòi lửa cho cuộc chiến toàn cầu phải dẫn qua xác của nước Ba Lan Bạch vệ. Lưỡi lê của chúng ta sẽ mang lại hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại!”.

Tuy nhiên, trung tuần tháng 8-1920, mặc dù đang ồ ạt tấn công chỉ còn cách Warszawa 10km và chắc mẩm với chiến thắng trong tay, Hồng quân Nga đã không lường trước được sự kháng cự anh dũng và quyết liệt của quân đội Ba Lan, dưới sự chỉ huy của Thống chế Józef Piłsudski, nhà lãnh đạo tài ba, đồng thời là vị tổng thống đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan.

Không những bị đại bại (nhiều sử gia cho là Stalin đã phạm sai lầm thảm khốc trong trận chiến này), Hồng quân còn bị đẩy lui một cách thảm hại. Quân đội Ba Lan phản công dữ dội, dồn Hồng quân về tới Minsk và vào ngày 12-10-1920, quân đội của Thống chế Józef Piłsudski đã chiếm cả thành phố này. Cuộc chiến Nga - Ba Lan chấm dứt tại đó, với thỏa thuận đình chiến ký ngày 18-10-1920.

Tranh cãi quanh con số xác chết

Sau nửa năm đàm phán, ngày 18-3-1921, Nga và Ba Lan ký một hòa ước tại Riga chính thức chấm dứt chiến tranh, ấn định đường biên giới và các mối quan hệ giữa hai nước. Theo nhà sử học Anh A. J. P. Taylor, cuộc chiến Nga - Ba Lan đã xác định lịch sử Châu Âu ít nhất trong hai thập niên sau đó, vì giới lãnh đạo Nga buộc phải tạm thời từ bỏ giấc mơ về một cuộc “cách mạng quốc tế”.

Nhà xã hội học người Mỹ Alexander Gella thì cho rằng, chiến thắng năm 1920 của Ba Lan đã mang lại nền độc lập kéo dài hai mươi năm không chỉ cho nước này, mà còn cho toàn thể các nước trong khu vực Trung Âu. Nói về trận chiến bảo vệ Warszawa, Đại sứ Anh tại Ba Lan - Huân tước Edgar Vincent D'Abernon coi đây là trận chiến mang tầm quyết định thứ 18 trong lịch sử thế giới.

Trong thực tế, chỉ gần hai thập niên sau thất bại trong chiến tranh với Ba Lan, nước Nga - Xô-viết mới đem quân gây hấn tại nước ngoài, và nạn nhân lại chính là Ba Lan. Đó là vào ngày 17-9-1939, ba tuần sau khi Liên Xô ký Hiệp ước bất tương xâm với phát-xít Đức với những điều khoản chia đôi và xóa sổ Ba Lan trên bản đồ thế giới, cũng như phân định “vùng ảnh hưởng” tại Châu Âu.

Trở lại cuộc chiến Nga - Ba Lan 1920, theo các ước tính, trong số 105-115 ngàn tù binh Nga bị phía Ba Lan bắt giữ, có chừng 80 ngàn bị giam trong các trại tù (số còn lại đứng sang phía Ba Lan). Giáo sư Sử học Zbigniew Karpus (Đại học Mikołaj Kopernik, TP. Toruń) cho hay: theo những chuẩn mực của Châu Âu thời ấy, có tối đa là chừng 16-18 ngàn tù binh Nga chết trong tù vì dịch bệnh.

Đây là kết luận đã được các nhóm sử học của cả hai phía Nga và Ba Lan nhất trí sau khi nghiên cứu vài ngàn tư liệu đương thời, và công bố vào năm 2004 trong một công trình chung, rất đồ sộ, mang tựa đề “Chiến sĩ Hồng quân bị Ba Lan bắt giữ trong thời kỳ 1919-1922”. Cuốn sách có đăng tải nhiều tư liệu, đặc biệt là cả những tư liệu gốc được dùng trong quá trình nghiên cứu.

Tuy nhiên, bảy năm sau, GS. Gennady Matveyev thuộc Đại học Quốc gia Lomonosov (Moscow), được coi là chuyên gia có uy tín nhất của phía Nga trong vấn đề này, đã đột ngột thay đổi một cách đáng kể quan điểm trước đây của mình, khi ông cho rằng số tù nhân Nga bị Ba Lan bắt được phải là chừng 156 ngàn người, và con số bị tử vong trong các nhà tù Ba Lan là 28 ngàn.

Không nghiêm túc!” - đó là phản hồi của các đồng nghiệp Ba Lan khi biết đến sự thay đổi của GS. Gennady Matveyev. Để tranh luận cho rốt ráo, họ đã mời nhà sử học Nga tới dự một hội thảo quốc tế tổ chức tại thủ đô Warszawa năm 2011 với chủ đề “Tù nhân của cuộc chiến 1920 - tranh luận sử học khi nghĩ đến tương lai”, và chờ lời giải thích chính thức từ đồng nghiệp Nga.

Vì sao nên nỗi?

Nhật báo “Rzeczpospolita” (Cộng hòa Ba Lan) - cơ quan ngôn luận bảo trợ cho kỳ hội thảo quốc tế năm 2011 trong bài tường thuật về sự kiện này, đã nhận xét rằng Warszawa chưa bao giờ được chứng kiến một hội thảo khoa học lại “tràn đầy cảm tính” như thế!

Cử tọa của hội thảo đã được “mục sở thị” cuộc khẩu chiến gay gắt giữa hai vị giáo sư Ba Lan là ông Zbigniew Karpus (đã nhắc tới ở trên) cùng Viện sĩ Hàn lâm Wojciech Roszkowski, và GS. Gennady Matveyev, chuyên gia hàng đầu của Nga trong đề tài tù binh Nga bị giam giữ tại Ba Lan sau cuộc chiến Nga - Ba Lan năm 1920.

Trả lời chất vấn của phía Ba Lan - rằng một quan điểm đã được đôi bên thống nhất, sao giờ lại đột ngột thay đổi -, vị giáo sư Nga cho hay ông đã có thêm những tư liệu mới và những cách tính toán mới để rút ra kết luận của mình. Theo GS. Gennady Matveyev, tỉ lệ tử vong trong các trại tù thời đó có thể đạt 40% , tức cao hơn nhiều so với “mức cho phép”.

Cũng theo ông, phía Ba Lan bắt được nhiều tù binh Nga hơn so với những gì trước đây giới nghiên cứu giả thiết, nên con số tử vong ắt cũng phải nhiều hơn (28 ngàn, so với con số 16-18 ngàn mà đôi bên Nga - Ba Lan đã nhất trí trước đây). Lập luận này của nhà sử học Nga đã khiến các đồng nghiệp Ba Lan cho rằng ông đã phải nhượng bộ trước sức ép của điện Kremlin.

Bởi lẽ, những tư liệu mà GS. Gennady Matveyev - người có cha từng tham gia Hồng quân trong trận tấn công Ba Lan năm 1920 - coi là “mới mẻ”, thực ra đơn thuần chỉ là những bài tường thuật trên báo chí đương thời của Ba Lan. Trong đó, những dữ liệu về số tù binh Nga bị Ba Lan bắt được đã được phía Ba Lan thổi phòng rất nhiều để động viên tinh thần quân dân.

Giới sử học Ba Lan chỉ ra rằng sự thay đổi quan điểm của các đồng nghiệp Nga rất phù hợp với đường lối tuyên truyền chính thống của Nga, khi Moscow muốn sử dụng cái chết của tù binh Nga năm 1920 làm “đối trọng” với tội ác Katyń mà Ban lãnh đạo Liên Xô đã thực hiện vào mùa xuân năm 1940 với 22 ngàn sĩ quan - những phần tử tinh hoa nhất của dân tộc Ba Lan.

Trả lời phỏng vấn tờ “Rzeczpospolita”, Viện sĩ, Giáo sư Sử học Wojciech Roszkowski cho rằng sự so sánh ấy là “không thể chấp nhận được”, bởi lẽ 22 ngàn tù binh Ba Lan đã bị thảm sát năm 1940 là do chỉ thị “máu lạnh” của Stalin và các thành viên Ban lãnh đạo thượng đỉnh Xô-viết, còn số tù binh Nga thiệt mạng thời 1920 đơn thuần là nạn nhân của dịch bệnh hoành hành trong các trại tù.

Không ai ở Ba Lan muốn họ phải chết!”, GS. Wojciech Roszkowski khẳng định, và nói thêm rằng, nếu cần phải so sánh, có thể đối chiếu những tù binh Nga chết trong trại giam Ba Lan với số phận của vài chục ngàn tù binh Ba Lan bị phía Nga bắt giam và thiệt mạng trong các nhà tù của Nga, cũng trong cuộc chiến ấy.

Trần Lê tổng hợp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn