VASIL’ BIL’AK VÀ CÂU CHUYỆN TỘI ÁC CHƯA BỊ TRỪNG PHẠT

Thứ bảy - 28/02/2015 08:10

(NCTG) Cách đây một năm, vào ngày 6-2-2014, một cựu yếu nhân của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc - ông Vasiľ Biľak - đã qua đời ở tuổi 96. Ông Biľak là nhân vật quan trọng nhất trong số năm quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc (và là người cuối cùng còn sống tới nay) đã ký vào bức thư “mời” Moscow và quân đội các nước thuộc khối Hiệp ước Warszawa vào đàn áp Mùa xuân Praha tại Tiệp Khắc năm 1968.


Vasiľ Biľak (1917-2014)


Sự ra đi êm thấm của ông Vasiľ Biľak, cho tới nay, vẫn để lại một câu hỏi và một vấn đề nan giải cho xã hội và công luận tại các quốc gia cựu cộng sản vùng Đông - Trung Âu: xử lý ra sao với di sản của quá khứ, để tội ác phải được trừng phạt, và những kẻ gây tội phải chịu hình phạt thích đáng, ngay cả khi nhiều thập niên đã trôi qua?

Kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”

Vasiľ Biľak sinh năm 1917 tại một vùng đất khi đó thuộc Nền quân chủ Áo - Hungary, nay là một làng nhỏ ở Cộng hòa Slovakia. Từ giữa thập niên 50 thế kỷ trước, ông đã giữ những cương vị cao cấp nhất trong bộ máy Đảng Cộng sản Slovakia, như Trung ương Ủy viên (thời kỳ 1955-1968 và 1969-1971), Bí thư (1962-1968), rồi Tổng bí thư đảng (tháng 1-tháng 8 năm 1968).

Đặc biệt, từ tháng 4-1968, Biľak được bầu làm thành viên Chủ tịch đoàn Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, rồi giữ chức Bí thư Trung ương đảng từ tháng 11-1968 cho đến tận năm 1988, tức là trong vòng hai mươi năm. Thời kỳ 1960-1989, ông cũng là Đại biểu Quốc hội Liên bang Tiệp Khắc, và có ảnh hưởng lớn về chính sách ngoại giao và lĩnh vực tư tưởng của đảng.

Có thể thấy, đường quan lộ của Vasiľ Biľak đặc biệt lên cao vào cuối năm năm 1968, đúng vào lúc phong trào dân chủ mang tên Mùa xuân Praha bị dập tắt. Đó là một nỗ lực cải tổ về kinh tế và chính trị để xây dựng một thứ “chủ nghĩa xã hội có gương mặt nhân tính” tại Tiệp Khắc, được chủ trương bởi một bộ phận cấp tiến trong Đảng Cộng sản nước này, đứng đầu là Tổng bí thư Alexander Dubček.

Thời kỳ ấy, trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Slovakia, Biľak là thủ lĩnh nhóm lãnh tụ cộng sản theo hướng cứng rắn, phản đối đường lối cải tổ của Alexander Dubcek. Tuy nhiên, hành động mà tới giờ hậu thế vẫn lên án gay gắt ở ông, là việc Biľak đã cùng bốn lãnh đạo khác - tất cả đều là Trung ương Ủy viên Đảng Cộng sản Tiệp Khắc - viết thư cầu viện Moscow can thiệp vào quê hương mình.

Tại đất nước chúng tôi, chủ nghĩa xã hội lâm nguy, những thế lực cánh hữu đã thiết lập những bối cảnh dẫn đến phản cách mạng... Chỉ với sự giúp đỡ của các đồng chí, Tiệp Khắc mới có thể ngăn chặn được nguy cơ phản cách mạng” - đó là những dòng trong lá thư định mệnh gửi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev, và Vasiľ Biľak là người nổi tiếng nhất trong số năm người ký thư.

Sau khi lá thư được chuyển tới Mosccow vào đầu tháng 8-1968, rạng sáng ngày 21-8-1968, liên quân thuộc các nước thành viên khối Hiệp ước Warszawa đã ồ ạt đổ vào Tiệp Khắc, dập tắt quá trình cải tổ về sau này được sử sách gọi bằng cái tên Mùa xuân Praha. Sau mùa thu 1956 tại Hungary, một lần nữa, điện Kremlin lại dựa vào những kẻ phản bội để đem quân đi xâm lược một nước “anh em”.

Quy trách nhiệm bất thành

Sau khi Tiệp Khắc thay đổi thể chế năm 1989, cơ quan tư pháp Slovakia đã mở một cuộc điều tra đối với Vasiľ Biľak vào năm 1991, và đến năm 2005 thì Biľak đã bị truy cứu hình sự vì hành vi viết lá thư hỗ trợ cho sự xâm lược của ngoại bang. Tuy nhiên, năm 2011, thủ tục truy cứu đã bị đình chỉ mà không có bản án nào được đưa ra. Biľak như vậy đã thoát khỏi việc phải ra trước vành móng ngựa.

Lý do được đưa ra, một phần là vì trong vụ án, không thể thẩm vấn được những nhân chứng quan trọng nhất (là người Czech) vì họ đều đã qua đời: Vasiľ Biľak là người cuối cùng còn sống trong số năm người ký thư. Phần khác, mặc dù chính quyền Slovakia đã nhiều lần đề xuất, nhưng Moscow vẫn không chịu cung cấp bản gốc của lá thư được coi là bằng cứ chính yếu trong vụ án.

Trở lại những sự kiện vào năm 1968, ngoậi trừ Romania của nhà độc tài Nicolae Ceaușescu, Liên Xô và các thành viên khác của khối Hiệp ước Warszawa đều phản đối gay gắt Mùa xuân Praha. Tuy nhiên, Moscow không thuyết phục nổi để nhóm cộng sản cải tổ do Tổng bí thư Alexander Dubček đứng đầu phải thay đổi đường lối, nên điện Kremlin quyết định can thiệp quân sự.

Lý thư cầu viện đã được Biľak đích thân trao cho phía Liên Xô tại Bratislava, thủ đô Slovakia vào đầu tháng 8-1968, trong hội nghị của lãnh tụ các nước thuộc khối Hiệp ước Warszawa. Thực tế này cũng đã được Biľak nhắc đến trong hồi ký của ông ta. Căn cứ vào đó, bộ máy tuyên truyền cộng sản đương thời đã gọi hành động xâm lược Tiệp Khắc của khối cộng sản, là “sự giúp đỡ quốc tế vô sản”.

Sau 1990, Liên Xô đã trao nhiều tư liệu quan trọng cho phía Tiệp Khắc, nhưng trong số đó không có bản gốc của lá thư cầu viện. Thiếu nó, các cơ quan tư pháp Czech và Slovakia trong vòng hai thập niên đã tiến hành điều tra với tội danh “bán nước” nhưng vô hiệu, không ai bị đưa ra tòa và liên quan tới sự can thiệp năm 1968, cũng không chứng tỏ được sự “bán nước”.

Những năm cuối đời, Vasiľ Biľak sống tại một biệt thự vào hàng sang trọng nhật ở thủ đô Bratislava, và hầu như không có liên hệ gì với thế giới bên ngoài kể từ khi lâm trọng bệnh. Hồ sơ điều tra của vụ án bị khép lại năm 2011 lên tới hơn 23 ngàn trang. Trước đó, vào hậu bán thập niên 90, ông Biľak phủ nhận việc đã trao thư cho phía Liên Xô: “Tôi không thể nhận cái điều mà tôi không làm!”.

Tư pháp bất lực, dành chỗ cho phán xử đạo đức

Tại các quốc gia cựu cộng sản vùng Đông - Trung Âu, kể từ sau biến cố dân chủ 1989-1990, nhu cầu thiết lập công lý, trừng phạt những tội ác trong quá khứ, để kẻ gieo gió phải gặp bão - nói rộng ra là trong sạch và trực diện triệt để với quá khứ - luôn là ý nguyện của số đông cư dân từng là nạn nhân bị đàn áp, tù đày, hoặc bị theo dõi, chỉ điểm bởi các thể chế độc tài toàn trị.

Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm sau ngần ấy năm không đơn giản, khi rất nhiều nhân chứng không còn sống, những hồ sơ, tư liệu tiêu hủy và thiếu sót, sự buộc tội và chứng tỏ tội trạng rất khó khăn. Báo chí Đông Âu hay nhắc tới ba cái tên Csatáry László, Képíró SándorBiszku Béla, ba kẻ thủ ác trong thập niên 40 và 50 thế kỷ trước tại Hungary, cũng chỉ bị xem xét tội trạng trong những năm cuối đời.

Trong số ba người, hai người đầu - những kẻ phải chịu trách nhiệm trong những cuộc thảm sát sắc dân Do Thái trong Đệ nhị Thế chiến - rốt cục đều đã thoát tội, và qua đời trong chăn ấm đệm êm ở tuổi 97. Chỉ có Biszku Béla, kẻ được coi là “nắm đấm cứng nhất” của thể chế độc tài cộng sản ở Hungary, là bị kết án ở tuổi 83 sau mấy chục năm sống yên lành và sung túc tại khu “thượng lưu” ở Budapest.

Tuy nhiên, một khi công lý đến bởi cơ quan tư pháp tạm bất lực, thì người dân đã có cách khác để bày tỏ sự phán xử đạo đức của họ. Những tấm biểu ngữ được giăng trước nhà những nghi can trên, hoặc trong phiên xử của họ, kêu gọi tội ác phải bị trừng phạt, kẻ sát nhân không thể ngủ yên, v.v... chính là bản án của người dân, của những nạn nhân dành cho kẻ thủ ác.


Bản án của nhân dân

Cũng như trường hợp gần đây nhất ở Slovakia, khi ngôi làng nơi Vasiľ Biľak chào đời phong ông ta làm công dân danh dự và dựng bảng ghi danh, thì hai nghệ sĩ Peter Kalmus (một nhân vật đối lập quen biết từ thập niên 70, 80 thế kỷ trước) và Ľuboš Lorenz đã tự hành động theo cách riêng của mình: họ đổ sơn đỏ lên tấm bảng được dựng nhằm ghi danh Biľak, và viết thêm dòng chữ “đồ súc vật”.

Năm 1968 tôi 15 tuổi, tên tội phạm này đã sát hại biết bao người cùng thời với tôi. Biľak là kẻ giết người, và việc dựng bảng ghi danh hắn không phải là điều bình thường. Có thể tưởng tượng được không, nếu giờ ở nước Đức ai đó dựng tượng cho những lãnh tụ Đảng Quốc xã thời xưa?”, câu hỏi mà Peter Kalmus đặt ra trên báo chí có lẽ cũng chính là lời phán xét cao nhất mà Vasiľ Biľak phải chịu, cho dù cơ quan tư pháp đã “bó tay” với ông ta...

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn