Cuộc chiến đấu chiếm Cung điện Mùa Đông, được biết đến dưới sự mô tả của đạo diễn Eizenstein, nhưng kỳ thực chưa từng xảy ra như vậy trong lịch sử! - Ảnh tư liệu
Trận chiến “đoạt chính quyền” của cuộc “
Đại cách mạng XHCN Tháng Mười Nga” 1917 đã được mô tả lại trong
một bài viết cũ trên NCTG như sau:
“
Vào những ngày cuối tháng 10-1917, tại Cung điện Mùa Đông (vốn dĩ dành cho Nga hoàng và các cận thần), Kerensky (*) đã tìm cách bảo vệ cái chính phủ yếu ớt của ông, cùng một lực lượng không mấy đông đảo: Đội nữ cảm tử gồm 140 cô gái, vài chục lính Cô-dắc, một nhóm vũ trang di chuyển bằng xe đạp và dăm ba thương binh trung thành, đứng đầu là một sĩ quan cụt chân!
Và rồi, tương truyền, khẩu đại bác từ Chiến hạm Rạng đông (Aurora) đột nhiên lên tiếng. Nhưng ngay vào thời gian ấy, nhiều người đã bác bỏ huyền thoại này (điều đó được các sử gia hiện tại xác nhận): trên chiến hạm, không hề có đạn thật! Như thế, chỉ có âm thanh uy hiếp của loạt đạn giả.
Vài giờ sau, đại bác từ pháo đài Piotr-Pavel mới nhả vài ba chục phát đạn thực sự về hướng Cung điện Mùa Đông. Kết quả không thật đáng kể: chỉ có 2 (hai) phát trúng đích.
Các vị bộ trưởng Chính phủ Lâm thời trùm những chiếc áo bành-tô to sù sụ, mắt nhắm mắt mở họp hành liên miên và cấm binh lính của họ chống trả trong hoàn cảnh “vô vọng”. Thủ tướng Alexander Kerensky đã nhanh chân luồn ra mặt trận để cầu cứu viện binh; cải trang thành một sĩ quan Serbia (hay một nữ y tá, theo những người “độc miệng”), ông ta tẩu thoát trên chiếc xe của ĐSQ Hoa Kỳ.
Qua nhiều cửa sổ nhìn ra Bảo tàng viện Hermitage và cánh cửa - không hề đóng! - hướng ra phía sông Neva của Cung điện Mùa Đông, nhiều tốp thủy thủ, Xích vệ có vũ trang tràn vào uy hiếp và “bắt sống” các bộ trưởng, không hề gặp phải một sự chống cự nhỏ nào.
Hình ảnh một cuộc tấn công dũng mãnh, đầy chất lãng mạn mà chúng ta được thấy nhiều lần trong các bộ phim “tài liệu” Xô-viết, hóa ra chỉ là sự dàn dựng được đạo diễn lừng danh Eizenstein đưa lên màn ảnh nhân dịp kỷ niệm 10 năm biến cố tháng 10-1917”.
*
Sau đây là hai tư liệu về "khoảnh khắc lịch sử" (khoảng 11 giờ 15 phút tối 25-10 theo lịch cũ, tức 7-11 theo lịch mới), khi lực lượng "cách mạng" tràn vào căn phòng Malachite, nơi Chính phủ Lâm thời hội họp, dưới hai góc nhìn khác nhau của những nhân vật đối đầu trong thời điểm ấy.
Thứ nhất là hồi tưởng của Vladimir Antonov-Ovseyenko (1883-1938), người lúc đó giữ cương vị Bí thư Ủy ban Quân sự Cách mạng, đơn vị tổ chức cuộc chính biến được đích thân Chủ tịch Xô-viết Petrograd Leon Trorsky chỉ đạo:
“
Cùng Chudnovsky, chúng tôi dẫn đầu cuộc tấn công Cung điện Mùa đông. Trong tòa nhà, những học sinh võ bị đã không kháng cự, thành thử chúng tôi tự do xông vào các phòng phía trong. Chúng tôi tìm kiếm Chính phủ Lâm thời... Ở căn phòng tiếp tới, chúng tôi phát hiện ra cả một nhóm người, đó chính là Chính phủ Lâm thời. Các thành viên chính phủ ngồi quanh một chiếc bàn, làm thành một vết tro xám chập chờn.
- Nhân danh Ủy ban Quân sự Cách mạng, tôi bắt giữ các ông! - tôi thông báo với họ.
Các cựu bộ trưởng giao nộp những giấy tờ và vũ khí trong người họ. Phải khó khăn lắm tôi mới xếp đặt được một đội canh gác bên họ. Những thủy thủ giúp tôi trong việc này. Họ tống vài phần tử khả nghi ra khỏi phòng. Chudnovsky làm một danh sách bao gồm tên tuổi những người bị bắt giữ và cả hai chúng tôi ký nhận vào đó.
Mọi người đều có ở đây, trừ Kerensky. Ai đó trong số các thành viên Chính phủ Lâm thời cho biết y đã chuồn khỏi Petrograd từ 11 giờ sáng. Khi nghe tin này, nhiều người trong đám đông tuôn ra những lời chửi rủa Kerensky thậm tệ”.
Để lịch sử được khách quan, cũng nên điểm qua hồi tưởng của một nhân chứng khác: Malyantovich, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, “nạn nhân” của cuộc khởi nghĩa; người không có mấy “thiện cảm” lắm với cuộc khởi nghĩa:
“
Trước cửa [căn phòng] chúng tôi, âm thanh ầm ỹ vọng vào. Cánh cửa bật mở và như một vỏ bào bị gió cuốn bay, một người nhỏ bé lao vào phòng, sau anh ta, một đám đông tràn vào mọi ngõ ngách căn phòng như một trận hồng thủy.
Anh chàng bé nhỏ ấy mặc áo choàng không cài khuy làm dựng đứng chiếc mũ dạ trên mái tóc dài đỏ hung và chẻ đôi. Anh đeo kính, ria đỏ hung cắt ngắn và râu dê. Môi trên mỏng kéo đến tận mũi khi anh nói. Cặp mắt nhợt nhạt, khuôn mặt mệt mỏi... Cổ áo, chiếc sơ-mi, tay áo và đôi tay anh ta rất bẩn. Con người bé nhỏ, sau khi nhào vào phòng, bắt đầu hò hét với giọng rất khó chịu
- Đây là Chính phủ Lâm thời - Kanovalov (2) nói, ông vẫn tiếp tục ngồi. - Các anh muốn gì?
- Tôi thông báo với các vị, mọi thành viên Chính phủ Lâm thời, rằng các vị đã bị bắt giữ. Tôi là Antonov, đại diện của Ủy ban Quân sự Cách mạng.
- Chính phủ Lâm thời nhượng bộ bạo lực và đầu hàng để tránh đổ máu - Konovalov nói.
- Để tránh đổ máu ư? Các ông, những kẻ đã gây ra biết bao đổ máu! - một giọng nói vang lên từ đám lính canh bao quanh chúng tôi. Sau đó, những tiếng kêu la đồng tình nổi lên từ mọi hướng.
- Các ông đã giết hại biết bao nhiêu người của chúng tôi bằng súng trường và súng máy!
- Không đúng! - Kishkin (3) thét lên, đầy nghị lực. - Chúng tôi không bắn bất kỳ ai. Vệ binh của chúng tôi chỉ đáp lại khi các anh tấn công và bắn vào chúng tôi.
Antonov can thiệp:
- Đủ rồi, các đồng chí, thôi đi. Rồi sau này chúng ta sẽ làm sáng tỏ tất cả. Bây giờ phải ghi nhận các sự kiện. Tôi sẽ viết biên bản. Tôi sẽ hỏi tất cả mọi người, từ đầu. Đề nghị các vị trao vũ khí của các vị.
Binh lính trao vũ khí, những kẻ còn lại cho biết họ không có.
- Khám người chúng nó, xem có không!
- Các đồng chí, đề nghị các đồng chí hãy yên lặng. Không cần phải khám xét... - Antonov quay về phía chúng tôi và nói. - Tôi tin các vị.
Antonov bắt đầu tra hỏi... Rồi Chudnovsky xuất hiện... Trong quá trình tra hỏi, khi biết Kerensky không có ở đây, những tiếng chửi rủa khả ố, những lời kêu gọi mang tính khiêu khích vang lên.
- Chúng nó chuồn mất rồi! Viết biên bản làm quái gì!
- Phải đâm chết lũ chó này! - tiếp theo đó là một câu chửi rất tục tằn... - Chần chừ ở đây làm quái gì! Chúng nó đã hút máu của chúng ta - một thủy thủ thấp lùn hét lên, anh ta gõ gõ một khẩu súng trường không có lưỡi lê - nếu tôi nhớ không nhầm - lên sàn nhà.Và anh nhìn quanh. Đây hầu như là một lời kêu gọi. Anh tìm thấy những hồi âm đồng tình.
- Quỷ tha ma bắt, các đồng chí ơi! Đâm chết chúng đi và thế là hết chuyện!...
Antonov ngẩng đầu và gào lên với giọng đanh gọn.
- Các đồng chí, hãy bình tĩnh nào! Chúng ta đã bắt gọn tất cả các thành viên của Chính phủ Lâm thời. Chúng ta sẽ giam họ trong pháo đài Piotr-Pavel. Tôi không cho phép bất cứ hành động bạo lực nào. Hãy bình tĩnh!
- “Tôi”, “tôi” cái gì, “tôi” là ai... Ở đây làm gì có bộ chỉ huy? – đột nhiên người lính ít nói đứng cạnh tấn công Antonov với khuôn mặt thờ ơ, nhưng trong mắt anh ta bùng lên ngọn lửa độc ác bất ngờ.
- Yêu cầu các đồng chí yên lặng nào! Ở đây tôi là đại diện của Ủy ban Quân sự Cách mạng. Tôi được ủy nhiệm nắm chính quyền. Các đồng chí, hãy tự coi trọng bản thân nào! Giữ trật tự! Giờ đây chính quyền đã nằm trong tay các đồng chí. Đề nghị đồng chí yên lặng và đừng quấy rầy tôi - quay về phía người lính, Antonov kết thúc [câu nói].
Đội cảnh vệ công kích người lính.
- Cậu muốn gì, thôi im đi! Ở đây đồng chí ấy là người được lựa chọn. Phải có trật tự chứ...” (4).
Ghi chú:
(1) Aleksandr Fyodorovich Kerensky (1881 – 1970): chính khách Nga, Thủ tướng Chính phủ Lâm thời sau Cách mạng Tháng Hai (1917) ở Nga. Sau tháng 11/1917, di tản và sống lưu vong ở nước ngoài cho đến khi chết.
(2) Alexander Ivanovich Konovalov (1875-1949): nhà đại công nghiệp Nga, một trong những yếu nhân của Đảng Kadet (Dân chủ Lập hiến), giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại trong Chính phủ Lâm thời. Sau tháng 11/1917, di tản và sống lưu vong ở nước ngoài cho tới khi chết.
(3) Nikolai Mikhailovich Kishkin (1864-1930): bác sĩ, nhà vật lý trị liệu, lãnh tụ Đảng Kadet Nga. Thành viên Chính phủ Lâm thời của nội các Kerensky.
(4) Cũng theo lời Malyantovich, trên đường đi đội cảnh vệ phải bảo vệ các bộ trưởng trước sự phẫn nộ của binh lính, nhưng cuối cùng họ cũng không bị hành hung. Ông cũng kể là Antonov-Ovseyenko nhận ra ông, hồi xưa có lần Malyantovich giấu Antonov khi nhà cách mạng này bị cảnh binh Nga hoàng truy lùng.