CÚ QUỲ GỐI NÂNG TẦM NƯỚC ĐỨC

Thứ tư - 18/11/2015 03:34

(NCTG) “Trực diện với vực thẳm của lịch sử Đức và dưới sức nặng của hàng triệu người đã bị sát hại, tôi đã làm điều mà con người làm khi ngôn ngữ tê liệt”, Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt hồi tưởng như vậy về khoảnh khắc khi ông đột ngột quỳ sụp trước tượng đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc khởi nghĩa Do Thái ở Warszawa.

Willy Brandt, “Người của năm 1970” do tạp chí “Time” bình chọn, Giải Nobel Hòa bình 1971
Willy Brandt, “Người của năm 1970” do tạp chí “Time” bình chọn, Giải Nobel Hòa bình 1971

Sự kiện lịch sử ấy diễn ra vào ngày 7-12-1970, cách đây tròn 45 năm, trước khi Tây Đức và Ba Lan ký Hiệp ước Warszawa công nhận biên giới bất khả xâm phạm của Ba Lan, khép lại một phần quá khứ đớn đau của quốc gia này trước nước láng giềng quá hùng mạnh. Hôm đó, Willy Brandt và phái đoàn đến đặt vòng hoa trước Đài kỷ niệm Anh hùng tại biệt khu (ghetto) Do Thái thời Đệ nhị Thế chiến ở Warszawa.

Ngược dòng lịch sử, Khởi nghĩa Do Thái của những người dân chỉ có trong tay chút vũ khí sơ sài và không được tiếp viện là cuộc nổi dậy đồng loạt đầu tiên chống lại ách chiếm đóng của phát-xít Đức trên toàn Châu Âu. Khởi đầu vào trung tuần tháng 4-1943, cầm cự được trong gần một tháng trời, rốt cục khởi nghĩa thất bại trước kẻ thù - quân đội tinh nhuệ của Đức quốc xã mạnh gấp 27 lần.

Trở lại những giây phút cách đây 45 năm, Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt cúi xuống sửa băng chữ trên vòng hoa, rồi ông bất ngờ quỳ xuống. Tính đến lúc đó, vị chính khách thuộc Đảng Xã hội Dân chủ này mới đứng đầu nội các Tây Đức chưa đầy 15 tháng, nhưng theo nhiều người, cú quỳ gối ở Warszawa có lẽ là khoảnh khắc chói sáng nhất trong suốt quãng thời gian ông giữ chức thủ tướng, cho tới năm 1974.

Hành động đó của đại diện chính phủ một đất nước nổi tiếng kiêu hãnh cũng là biểu tượng cho sự hình thành của một nước Đức mới, sẵn sàng chịu trách nhiệm về quá khứ và những tội lỗi đã xảy ra, và giang tay cho các quốc gia láng giềng. Cá nhân Thủ tướng Brandt, vốn là một người Đức di tản chống phát-xít và không hề có liên quan gì đến những tội ác đã xảy ra, nên hành động do ông thực hiện càng xác tín hơn ai hết.

Cho dù, chuyến công du Warszawa cách đây 45 năm của người đứng đầu nội các Tây Đức đã có khởi đầu không mấy khả quan. Tại sân bay quốc tế Okęcie, người ra đón Brandt là Thủ tướng Ba Lan Józef Cyrankiewicz và ngay trên đường về trung tâm thủ đô, vị chính khách này đã bày tỏ thái độ lạnh lẽo, bất chấp cố gắng thân thiện của ông Brandt, và còn không thèm để tâm khi ông nói rằng bà ông cũng là người Ba Lan.

Vào thời điểm đó, một phần tư thế kỷ sau khi Thế chiến thứ Hai chấm dứt, tại Warszawa ai nấy còn hết sức ác cảm và thiếu tin tưởng đối với người Đức, đặc biệt là “bọn đế quốc Tây Đức”. Nước Đức phát-xít mở màn Đệ nhị Thế chiến bằng việc bắt tay với Liên Xô cộng sản xóa sổ quê hương của Chopin khỏi bản đồ thế giới, và quân đội Đức đã tàn phá ghê gớm mảnh đất Ba Lan trong những năm tháng chiếm đóng.

Chỉ cần nhắc đến việc, thủ đô Warszawa gần như bị san bằng sau hai cuộc khởi nghĩa (năm 1943 và 1944), nhiều triệu người Ba Lan (chủ yếu là người gốc Do Thái) bị sát hại trong các trại tập trung và hủy diệt, trong đó, khét tiếng nhất là Trại Tử thần Auschwitz - Birkenau, được coi là nỗi nhục nhã và hổ thẹn của nền văn minh Phương Tây với sự vô nhân, tàn bạo một cách vô nghĩa và khó hiểu của nó.

Trong một thời gian dài, Tây Đức không hề tỏ ra hối hận trước Ba Lan vì những tội ác này, nhất là thời kỳ Konrad Adenauer - được mệnh danh là “Người cha của Châu Âu” - giữ cương vị thủ tướng quốc gia này (1949-1963). Chính giới CHLB Đức thường nghĩ tới Ba Lan một cách thù địch, vì cho rằng Warszawa được điện Kremlin “tặng thưởng” một số vùng đất Đức, và đã tiến hành xua đuổi người Đức tại những khu vực ấy.

Do đó, nội các Adenauer, rồi sau đó Ludwig Erhard (1963-1966) đã đặt ra những điều kiện “không tưởng” cho việc cải thiện mối quan hệ song phương Tây Đức - Ba Lan, theo đó, Warszawa phải chấp nhận tái lập biên giới giữa hai quốc gia thời năm 1937, tức là trao trả lại cho Đức các vùng Śląsk, Pomorze và miền Đông Phổ (tức Schlesien, Pommern và Ostpreußen trong tiếng Đức) mà Ba Lan đã được nhận sau Thế chiến thứ Hai.

Ban lãnh đạo Tây Đức thời trước Willy Brandt dường như không ý thức được rằng Ba Lan không bao giờ chấp nhận từ bỏ những mảnh đất thiêng liêng như Wrocław, Katowice, Gdańsk hay Szczecin. Vì lý do ấy, mối quan hệ giữa Đức và Ba Lan tiếp tục căng thẳng ngay cả khi, Bonn đã tạm thôi những đòi hỏi trên vào lúc tại quốc gia này hình thành “đại liên minh” CDU/CSU-SPD (năm 1966), trong đó Brandt nắm cương vị ngoại trưởng.

Bốn năm sau đó, mùa đông 1970, Brandt đã đến Warszawa trong bầu không khí ấy, và vị thủ tướng đầu tiên của Tây Đức trong sắc áo Đảng Xã hội Dân chủ đã “hâm nóng” mối quan hệ giữa hai nước bằng hành động không hề có trong mọi kịch bản và nghi thức ngoại giao. Thủ tướng Ba Lan Cyrankiewicz, từng là cựu tù ở các trại Mauthausen và Auschwitz, trước đó ít giờ còn tỏ ra rất “ghẻ lạnh”, thì sau đó đã hết sức cảm động.
 
“Tôi nâng một ly whisky và nói với ông rằng, hành động của ông thật tuyệt. Brandt chỉ đáp ngắn gọn, ông cảm thấy nếu đặt hoa không thôi thì chưa đủ” (hồi tưởng của Egon Bahr, tháng 12-2010) - Ảnh: bundestag.de
Tôi nâng một ly whisky và nói với ông rằng, hành động của ông thật tuyệt. Brandt chỉ đáp ngắn gọn, ông cảm thấy nếu đặt hoa không thôi thì chưa đủ (hồi tưởng của Egon Bahr, tháng 12-2010) - Ảnh: bundestag.de

Egon Bahr, cố vấn ngoại giao của Brandt trong những năm ông giữ chức thủ tướng, hồi tưởng lại rằng cư dân Ba Lan đã có phản ứng rất tích cực trước hành động quỳ gối của Thủ tướng Tây Đức, nhưng lãnh đạo Đảng (Cộng sản) và chính phủ Ba Lan thì tỏ ra không hoàn toàn vừa ý. Báo chí nước này có đưa tin về “một sự kiện bất thường”, nhưng theo chỉ thị ở tầm cao nhất, đã không hề đưa hình ảnh Brandt trong tư thế quỳ.

Lý do là vì họ cho rằng, lẽ ra Thủ tướng Đức nên quỳ gối tại một địa điểm “xứng đáng hơn”, đó là đài kỷ niệm cuộc khởi nghĩa 1944. Như sử gia Ba Lan Feliks Tych nhắc lại, vào thời điểm năm 1970, chiến dịch bài xích người gốc Do Thái do chính quyền cộng sản khởi động tại quốc gia này - mà người chủ trì là Bộ trưởng Nội vụ Mieczyslaw Moczar - đã diễn ra được hai năm, khiến nhiều ngàn người phải rời quê hương ra đi.

Bởi vậy, theo Tych, hình ảnh người đứng đầu nội các Tây Đức quỳ gối trước hương hồn người khởi nghĩa Do Thái không khác gì một cái tát đối với vị bộ trưởng thuộc phe cứng rắn, theo quan điểm bài Do Thái, và các tín đồ của ông ta. Cho dù, Thủ tướng Đức không hề có ý đồ ấy, ông chỉ bất thần cảm thấy cần làm một điều gì đó hơn mức ngoại giao thông thường sau khi đã đặt vòng hoa trước biệt khu Do Thái.

Tuy nhiên, ngoài việc muốn hòa hoãn với Ba Lan (và bình thường hóa với các quốc gia thuộc khối XHCN nói chung, điều mà Brandt thường bị chỉ trích), lựa chọn của Brandt trước đài kỷ niệm khởi nghĩa Do Thái 1943 còn mang một ý nghĩa khác, theo sử gia Đức Michael Wolfssohn. Từ “cuộc chiến sáu ngày” năm 1967 giữa Israel và bốn nước Ả Rập thân Liên Xô, mối quan hệ giữa nhà nước Do Thái và điện Kremlin hết sức lạnh lẽo.

Nhà nghiên cứu lịch sử Michael Wolfssohn cho rằng, cúi đầu trước những anh hùng Do Thái đã hy sinh thời Đệ nhị Thế chiến trong cuộc khởi nghĩa chống lại phát-xít Đức, Brandt còn muốn thể hiện rằng, chính sách “Hướng Đông” (Ostpolitik) của ông dù mang hơi hướng hòa dịu với Moscow, nhưng chính phủ Đức vẫn đoàn kết với Israel và cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới - không có gì thay đổi trong vấn đề này.

Cho dù Brandt có những dụng ý sâu xa gì đi nữa, cú quỳ gối của Brandt đã làm thay đổi tất cả. Sau đó ít lâu, Tây Đức thừa nhận đường biên giới phía Tây của Ba Lan (giới tuyến Odera-Neisse, được ba nước đồng minh Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô hoạch định trong Hiệp ước Potsdam, ký ngày 2-8-1945), và từ bỏ việc đòi lại những vùng đất bị mất năm 1945, mặc dù động thái này bị phe đối lập CDU/CSU lên án là “bán rẻ đất mẹ”.

Để trả lời, Brandt tuyên bố rằng ở Moscow và Warszawa, chính phủ của ông “không làm điều gì khác, mà trước đây Đức quốc xã chưa làm”. Quan niệm này của ông, về sau, được Tổng thống Tây Đức Richard von Weizsäcker chia sẻ trong bài phát biểu nổi tiếng ngày 8-5-1985, theo đó, nguyên nhân của việc nước Đức mất đất, dân Đức bị đày đọa, xua đuổi đã khởi nguồn từ năm 1933, chứ không phải tới năm 1945.

Lịch sử đã chứng tỏ cái lý của Brandt trong việc tiến hành hòa giải với khối XHCN. Ông đã đi những bước đầu tiên theo hướng bào mòn chiến lược theo đuổi Chiến tranh lạnh của Liên Xô và các nước chư hầu, khiến những mâu thuẫn nội tại ở các xứ cộng sản dần dần bị bộc lộ, góp phần cho sự sụp đổ sau này của các thể chế độc tài cộng sản ở Châu Âu, và sự hình thành của một nước Đức thống nhất trong lòng Châu Âu.

Năm năm trước, nhân kỷ niệm bốn thập niên của hành động quỳ gối, Tổng thống CHLB Đức Christian Wulff trong chuyến thăm Warszawa đã đánh giá rằng, Thủ tướng Brandt đã nghiêng mình đại diện cho dân tộc Đức để thể hiện lòng kính trọng hàng triệu nạn nhân của tệ diệt chủng phát-xít, mà dân Ba Lan chiếm phần đông. Brandt đã “nhận phần trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và cả tương lai”, theo nhận định của Wulff.

Là một người chống phát-xít, Brandt có thể cảm thấy ông không liên can gì tới quá khứ đen tối của nước Đức quốc xã. Tuy nhiên, trên cương vị đứng đầu chính phủ một cường quốc, ông đã quỳ sụp “xin được hòa giải” một cách “khiêm nhường, khiến chúng ta phải xúc động”, theo lời Tổng thống Christian Wulff, người vào thời điểm tháng 12-1970 mới chỉ là một cậu bé 11 tuổi, nhưng đã ghi nhớ trong lòng cảnh tượng mà ông được thấy.

Đối với phía Ba Lan, sự hòa giải và xin được thứ tha đến từ Willy Brandt đã như một phần của “phép lạ hòa giải với dân tộc Đức”, theo lời Tổng thống Bronisław Komorowski cũng trong dịp kỷ niệm 40 năm. Bài học hòa giải ấy có thể coi là tấm gương cho nhiều quốc gia học hỏi, để hóa giải được mọi oan khiên trong quá khứ, và với cử chỉ rất đẹp cách đây 45 năm, vị thủ tướng thứ tư của Tây Đức đã thực sự nâng tầm của đất nước mình...

Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá
Xếp hạng: 4.9 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn