THÁNG TÁM MÙA THU...

Chủ nhật - 21/08/2011 22:32

(NCTG) “Lúc này ai là người yêu nước cũng có thể phụng sự Tổ quốc đưọc hết. Người có tiền giúp tiền, kẻ có sức giúp sức, người có tài trí giúp tài trí. Tất cả phải góp vào một hòn đá, một viên gạch, đặng xây dựng lâu đài dân tộc độc lập Việt Nam”.


Đẹp và lãng mạn, hình ảnh cả nước xuống đường, không phân biệt chính kiến, để giành độc lập dân tộc - Ảnh tư liệu


Những lời trên được ông Nguyễn Lương Bằng, thay mặt Tổng bộ Việt Minh, đọc trong Ngày Ðộc lập 2-9-1945 để hô hào quốc dân một lòng. Ðọc lại để nhớ một thời:

Các giới đồng bào, các đoàn thể yêu nước hãy đoàn kết chặt chẽ.

Lúc bình thường cũng như nguy biến, nhất định không chia rẽ, phải tỏ cho thế giới biết rằng: dân tộc Việt Nam ta đã thống nhất giành quyền độc lập thì cũng luôn luôn thống nhất liều chết giữ vững quyên độc lập ấy.

Không nên ỷ lại vào ai hết. Tự do, hạnh phúc của dân ta phải tự dân ta vun trồng trồng lấy
”.

Trước đó hai tuần, đúng vào ngày 19-8-1945, trước 20 vạn đồng bào Hà Nội, đại biểu Việt Minh cũng dành những lời hiệu triệu hết sức mạnh mẽ đến toàn dân:

Hỡi quốc dân đồng bào!

Hãy tự tin, tự cường, hãy tỏ cho thế giới biết đến sức sống dồi dào, đến ý chí chiến đấu cường liệt của dân tộc Việt Nam luôn luôn vươn tới một cảnh đời phóng khoáng và độc lập
”.

Những ngôn từ đẹp đẽ ấy, tiếc là đã không được vang lên trên loa phóng thanh trong những ngày Chủ nhật hơn 2 tháng nay, góp sức cho đoàn người đi biểu tình, mà tướng Nguyễn Ðức Nhanh cũng chính thức thừa nhận đó là những người yêu nước.

Lâu nay, rất ít khi thấy những lời hiệu triệu khoáng đạt và thấm đẫm tinh thần tự do, ái quốc như thế. Thay vào đó, là cách hành xử mập mờ, nhá nhem, lắm lúc ngu si, khiến những người có ý muốn xây dựng nhất cũng dễ trở thành đối kháng.


Thủ đô đẹp lên rất nhiều vì những khẩu hiệu, những con người thế này. Và không gì phá hoại, ảnh hưởng đến hình ảnh và "trật tự an ninh" Hà Nội bằng những pha trấn áp, lôi, đạp, nhồi người biểu tình yêu nước lên xe buýt...


Những phát ngôn của 66 năm trước sở dĩ đi vào lòng người và được hưởng ứng nhiệt liệt, thứ nhất, vì nó thẳng thắn, không vòng vo, không viện cớ “ngoại giao” để giấu giếm người dân trong cảnh nước sôi lửa bỏng.

Thứ nhì, vì nó lễ độ trước dân, coi nhân dân là bạn đồng hành với phong trào, đoàn thể và với chính quyền sắp được thành lập. Nó không nghĩ thay, yêu nước thay dân, hay dạy dân phải yêu nước thế nào cho phù hợp với “ý trên”.

Bao giờ cho đến ngày xưa”, “những người muôn năm cũ”... có thể là lời cảm thán mà bất cứ ai còn chút lương tri cũng có thể bất giác thốt lên khi đọc lại những trang sử được coi là hào hùng và lãng mạn này của dân tộc.

Nhất là, bên cạnh đó, là hằng hà sa số những clip trấn áp người yêu nước, những bài viết của bọn bồi bút vô liêm sỉ bôi nhọ họ trên báo chí, truyền hình...

Người Hà Nội có cảm thấy đau đớn và hổ thẹn hay không trước những cảnh ấy, trong những ngày Tháng Tám mùa Thu này...?

Người Dân


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn