CÁI SỰ BIỂU TÌNH...

Thứ năm - 01/12/2011 07:55

(NCTG) “Tại sao Việt Nam lại ủng hộ việc con người ta nói không thật nhỉ? Nói không thật thì liệu sống có thật được không? Một thể chế có thể vững chắc trên một nền tảng mà người dân không được trung thực không?”.


Cắm trại biểu tình tại quảng trường Tự do (Mỹ)


Vì dốt về “chính chị chính em” nên mình chẳng hiểu cái sự dân chủ ấy nó có liên hệ mật thiết thế nào với việc giàu mạnh của một nước. Nhưng suốt hơn tháng qua, lang thang qua Dublin, rồi Washington, Montreal, Ottawa, Boston, New York... nơi nào mình cũng thấy biểu tình. Từ nhỏ đến to. Từ một người đơn lẻ hay vài chục người... đến hàng trăm hàng ngàn người như hôm nọ trên Quảng trường Tự do ở DC hay ở nhiều địa điểm khác nhau khắp thành phố New York...

Nhớ lại hơn chục năm trước mình ngạc nhiên vô cùng khi thấy hơn chục người Tây Tạng ngồi biểu tình đòi tự trị cho dân tộc họ. Hàng ngày trời trước Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Một vài tấm biển có khẩu hiệu, và im lìm ngồi. Vậy thôi. Xa xa có vài cảnh sát đứng. Cũng im lìm, thỉnh thoảng đi đi lại lại.

Tháng trước, ở Dublin, thấy đoàn người khá đông và dài biểu tình ở ngay trung tâm, trước trường Đại học Tổng hợp, đi trật tự, cờ biểu ngữ giương cao... phóng viên, nhà báo... đi theo phỏng vấn cũng trật tự.

Cách đây chừng tuần thì trước Tòa Quốc hội ở Montreal có một trung niên, đeo một biển trước bụng đi lại và biểu tình chỉ đại diện cho ý kiến nào đó của chính ông mà thôi.

Hôm mới đến Washington DC, thấy trước Tòa Bạch ốc, hàng trăm người biểu tình hết sức trật tự. Cờ quạt khẩu hiệu biểu ngữ giăng đầy. Cũng vụ việc dính dáng đến các nhà băng. Dân chúng phản đối vì Nhà nước cứ tài trợ giúp đỡ cho những tập đoàn lớn, những ông chủ nhà băng... chứ người dân không được quyền lợi gì... Đây là xu hướng chung của cả thế giới giai đoạn này. Rồi ra quảng trường Tự do, thấy lều bạt cắm đầy kín mít, những khẩu hiệu như “Chi tiền cho nhân dân, không cho chiến tranh” chẳng hạn chăng khắp nơi. Chỗ này thì thấy một phóng viên da màu đang phỏng vấn một vị trông có lẽ là Ấn Độ về việc tiền lương; trên kia, chỗ trung tâm thì thấy đang quay truyền hình trực tiếp một buổi đàm luận về vấn đề chính của cuộc biểu tình, có chừng năm vị đủ màu da sắc tộc đang hăng hái tranh luận; góc khác thì lại thấy ký giả tờ thời báo nào đó đang dí microphon vào một bà da đen hỏi việc điện, nước, nhà ở gì đó... Nhòm vào trong một số lều thì thấy áo quần giầy tất ngổn ngang cả, trông có vẻ các “biểu tình viên” đã ở lâu và cũng sẽ còn ở lâu tại đây. Có vẻ “trường kỳ” lắm.


Khẩu hiệu kêu gọi thay vì chi tiền cho chiến tranh, hãy dành cho nhân dân nhiều hơn

Còn ở Berlin thì thỉnh thoảng trước Đại sứ quán Trung Quốc lại có khoảng dăm chục người tụ họp phản đối nhà nước Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, cũng như tuần trước ở Ottawa (hay là đâu đó vì gặp nhiều quá nên nhiều khi cũng không nhớ hết nổi).

Thế mới thấy cái sự biểu tình ở những nước này là rất bình thường. Bình thường cả đối với người dân và cả đối với chính phủ. Tôi không đồng ý thì tôi kiến nghị hay biểu tình. Cho đến khi nào yêu cầu của tôi, của chúng tôi được trả lời một cách thỏa đáng. Phía nhà nước chắc cũng không hẳn thích thú gì, nhưng biết đó là quyền công dân, phải tôn trọng điều đó, tôn trọng pháp luật. Người biểu tình chỉ cần thông báo ngày giờ nội dung... Nhà nước cho cảnh sát yểm trợ và đồng thời để giải quyết kịp thời nếu có những hành động quá khích. Như ở Đức, giữa đoàn biểu tình của Cánh Tả và của Phái Hữu nhiều khi quá đà thì cảnh sát lập tức có mặt ngay để giải quyết những vụ ẩu đả giữa hai bên. Chứ không phải cảnh sát hành hung người biểu tình.

Mình thì chỉ đơn giản nghĩ là khi đã đủ mạnh thì sợ quái gì thằng nào ý kiến. Nếu họ không hiểu ý đồ của mình thì giải thích cho họ hiểu, còn nếu mình thấy ý kiến họ hợp lý thì mình nên chuẩn theo.

Việc gì mà đàn áp. Bởi đàn áp, khi đã sử dụng đến vũ lực, có nghĩa là anh đã bất lực rồi. Đó là còn chưa kể đến những thủ đoạn đê hèn của khi sử dụng vũ lực nữa. Cứ đơn giản nghĩ đến một gia đình khi chồng mà đã “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với vợ thì thường đó chỉ là những anh chồng chỉ mạnh về hình hài thể xác mà thôi.

Hôm qua, giữa phố Wall là trung tâm tài chính không chỉ nổi tiếng của cả nước Mỹ mà của cả thế giới nữa mà mình thấy chật cứng. Hàng nghìn người rầm rộ chăng cờ, biểu ngữ... đòi phải chi tiền cho nhân dân nhiều hơn mà mà không cho chiến tranh. Đen, trắng, vàng... các màu da đều đồng lòng nhất trí. Dân chúng rầm rập hô vang khẩu hiệu “Peace for Protests” (Bình an cho chống đối, đại ý là việc biểu tình phải được diễn ra trong hòa bình, không đàn áp). Với vốn tiếng Anh còn rơi rớt lại từ cách đây ba chục năm khi đi học thì mình hiểu vậy vậy thôi. Thấy cảnh sát chỉ dẹp dẹp dân đừng có quá khích. Nhà báo, phóng viên đủ các đài báo... máy móc trang bị đến tận chân răng, phỏng vấn và truyền hình quay lia lịa. Tận trong “sào huyệt” thế này mà không thấy bị đàn áp nhỉ. Thế hóa ra họ không có truyền thống “xấu xa phải đậy lại” à? Quái, cái bọn tư bản này lạ thật! Hay vì chúng nó giàu và mạnh nên không sợ thằng nào cả nhỉ. Nó cho người dân nó được quyền nói hết ý nghĩ của họ, để giúp chúng nó sửa mình tốt hơn. Dân chủ này có “giả hiệu” không nhỉ. Hay là vì người dân được nói hết mà nước nó giàu mạnh hơn?

Ý nghĩ ấy cứ luẩn quẩn mãi trong đầu mình.

Lại rùng mình nghĩ đến thế này mà ở Việt Nam thì nhẹ cũng bị chửi bới, đạp vào mặt, nhốt vào tù ít nhất là vài ngày cho nếm mùi tù tội, còn nặng thì có giời mà biết được. Có thể cái thời mà “sự đi tù của tôi chỉ bằng tiếng “Ồ” của một nhà thơ lớn”, hay đi tù mà không có án, không biết vì sao mình đi tù hoặc cho chết chìm luôn về sinh mạng chính trị như biết bao người... đã không còn hoàn toàn ở hình thức như vậy nữa nhưng ai mà biết được những thằng “cớm chìm” làm gì người dân... Chúng cứ đi lẫn vào đoàn biểu tình rồi sinh sự chửi bới, khiêu khích rất thô bỉ. Bất cứ ai chỉ cần hó hé là có thể bị túm vào đồn và để có những thằng cha như tay trưởng đồn gì đó tuyên bố cho quân bắt ngay, làm như thể cái đồn cảnh sát là nhà hắn không bằng ấy.


Biểu tình để nêu ý nguyện với chính quyền, quyền hiến định của người dân

Cái sợ nhất là không được nói cái mình nghĩ, hay phải nói khác cái mình nghĩ. Yêu không được nói là yêu, ghét không được nói là ghét. Cái mà một nhà thơ có tiếng của Việt Nam đã phải trả giá bằng chính cuộc đời của ông. Tại sao Việt Nam lại ủng hộ việc con người ta nói không thật nhỉ? Nói không thật thì liệu sống có thật được không? Một thể chế có thể vững chắc trên một nền tảng mà người dân không được trung thực không? Là phụ nữ nông nổi, cạn nghĩ chỉ như cái “cơi đựng giầu” nên mình cứ nghĩ đơn giản rằng liệu một gia đình mà cả nhà vờ vịt, dối trá... với nhau thì đấy có còn là một gia đình được nữa không?

Đi giữa đoàn biểu tình ở New York hôm nay mà lại mong đến một ngày mình được hòa mình trong không khí biểu tình rầm rộ, hừng hực... mà an toàn thế này giữa lòng Việt Nam. Chống cái gì cũng được. Nhiều khi chỉ là phản đối những vụ như dự định xây năm cái cửa ô (để rồi lại phá đi) để chào mừng ngàn năm Thăng Long, hay hè đường cứ đào lên lấp xuống ở Bờ Hồ, hoặc giả vụ cụ rùa thập tử nhất sinh mà chờ mãi chưa thấy cơ quan hữu quan nào đả động... chẳng hạn.

Bởi như vậy là chính quyền Việt Nam đã đủ mạnh, đủ tự tin để dám nghe ý kiến trái chiều, chân thật của người dân.

Mình có được quyền hy vọng không nhỉ?

Bài và ảnh: Hoài Thu, từ San Fransisco – Ngày 20-11-2011


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn