Biểu tình đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Budapest
Trong thực tế, ở một chừng mực nhất định, mọi chính quyền đều tìm cách hạn chế việc hành xử quyền tự do ngôn luận của công dân trong trường hợp ý kiến đó là bất lợi cho họ. Ðặc biệt, tại các thể chế độc tài toàn trị, sự chỉ trích giới lãnh đạo hoặc các cơ quan công lực thường bị trừng phạt bởi các điều luật trong BLHS, khiến một trong những quyền cơ bản nhất của con người - quyền chia sẻ những suy tư, mong muốn, trải nghiệm với đồng loại - bị vi phạm nặng nề.
Một xã hội hướng tới sự văn minh và tiến bộ là một xã hội đảm bảo được quyền tự do ngôn luận cho mọi người dân, bất kể nội dung những ý kiến đó, ngay cả khi chúng mang tính thiểu số, không được ưa chuộng, thậm chí có thể sai trái, gây bất bình đối với một số nhóm người, hoặc khiến chính quyền bị đụng chạm, đau đầu. Hai phán quyết sau đây của tòa án Hungary cho thấy nỗ lực đó tại một quốc gia “hậu cộng sản” trong vùng Ðông Âu.
*
Ngày 28-5-2009, một cư dân Hungary đã tiến hành biểu tình một mình trước tòa nhà của Sở Cảnh sát TP Szombathely (phía Tây nước Hung) với tấm biển có hàng chữ “
Hãy chấm dứt thứ cảnh sát phân biệt chủng tộc!”. Hành vi ấy được lý giải như sau: người đàn ông nọ cho rằng cảnh sát Hungary đã không làm gì hiệu quả để truy lùng thủ phạm các vụ giết người nhằm vào sắc dân Tzigane diễn ra liên tiếp trong thời gian ấy.
Cảnh sát trưởng TP Szombathely cho rằng, hành động của người dân xúc phạm đến cơ quan cảnh sát và các nhân viên làm việc tại đó, nên đã mở cuộc điều tra để truy tố đương sự. Trong phiên xử, đại diện cho người biểu tình là Hiệp hội vì các quyền tự do (TASZ), một tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền, chủ trương bảo vệ quyền tự do ngôn luận và chống lại việc hạn chế nó một cách vô cớ.
Ngày 6-12-2010, tòa án Hungary đã ra bản án có hiệu lực pháp luật, tha bổng cho nghi can. Phán quyết này được đánh giá là có tầm quan trọng then chốt vì nó chỉ ra rằng, những kẻ nắm quyền - như cơ quan cảnh sát - phải có “sức chịu đựng” hơn nhiều so với thường dân. Trong một nhà nước dân chủ pháp quyền, tự do bày tỏ quan điểm là quyền hiến định của mỗi cá nhân và chính quyền - trong đó có các cơ quan công lực - có bổn phận phải chịu đựng những ý kiến, chỉ trích cực đoan, “trái chiều”, bất kể nội dung và sự đúng, sai của chúng.
Trong vụ án nói trên, tòa án đã không cần cân nhắc quả thực cảnh sát TP Szombathely có phân biệt đối xử hay không, mà tòa chỉ xem xét rằng mỗi cá nhân có quyền nói lên ý kiến của mình về cảnh sát hay không. Rốt cục, tòa đã ra phán quyết, theo đó, cảnh sát được tồn tại bằng tiền dân, thì cũng phải bắt buộc chịu đựng những ý kiến “khó nghe” như vậy.
Bày tỏ về ý nghĩa của phán quyết ít nhiều mang tính tiền lệ nói trên, TS. Szigeti Tamás - một cộng sự của Hiệp hội vì các quyền tự do - chia sẻ:
“
Theo TASZ, một thế giới mà tại đó, chính quyền tự quyết định giới hạn của sự chỉ trích nhằm vào họ là một thế giới đáng sợ. Bản án của tòa đưa ra một thông điệp: tất cả mọi người đều có thể nói là cảnh sát phân biệt đối xử nếu họ nghĩ như vậy. Ý kiến phê phán cần được nói ra một cách tự do, chính quyền không được dùng luật để ngăn cản điều đó”.
*
Ít lâu sau phán quyết nói trên, lại diễn ra một vụ kiện cáo tương tự giữa cựu Bộ trưởng Y tế Székely Tamás và ông Félix Péter, thành viên một tổ chức dân sự vận động cấm thuốc lá toàn diện ở Hungary. Ông Félix đã dùng nhiều từ ngữ rất mạnh mẽ để chỉ trích ông Székely – như gọi vị bộ trưởng là “
kẻ dối trá”, “
phản quốc”, “
bộ trưởng bất lực nhất”, và coi Bộ Y tế là “
bộ tham nhũng, thối nát nhất”, nên đã bị kiện ra tòa vì tội “
xúc phạm danh dự”.
Trong phiên phúc thẩm vào tháng 12-2011, tòa án TP Budapest đã đưa ra phán quyết tuyên bố ông Félix vô tội vì theo tòa, có sự khác biệt của những khái niệm như “
phản quốc” hay “
tham nhũng” khi chúng được dùng trong đời thường và trong ngôn ngữ luật. Tòa cho rằng nếu ai đó đưa ra lời chỉ trích một chính khách thì đó không phải là sự cáo buộc, vì những lời lẽ như vậy được nêu ra hàng ngày trong các cuộc trò chuyện riêng hoặc tranh luận công khai.
Thế nên, việc trừng phạt hình sự người đưa ra ý kiến đó sẽ khiến bản thân cuộc tranh luận và những quan điểm phê bình bị hạn chế một cách không tương xứng. Luật sư đại diện cho ông Félix tại phiên tòa - ông Baltay Levente (TASZ) - cũng cho rằng, vụ kiện của Bộ trưởng Székely nằm trong nỗ lực của giới chính khách nhằm bịt miệng những ý kiến phê bình mà họ không ưa, bằng cách tận dụng sự “
bảo toàn danh dự” mà luật pháp cho phép họ.
Như thế, phán quyết của tòa phúc thẩm - một lần nữa - rất có giá trị trong việc xác định giới hạn của quyền phê bình những nhân vật nắm trong tay quyền lực. Tòa đã bày tỏ quan điểm: kẻ cầm quyền có bổn phận chịu đựng cả những ý kiến phê phán khó nghe hoặc xúc phạm. Vấn đề ở đây không phải là vị bộ trưởng có dối trá hoặc tham nhũng hay không trong thực tế, mà là nếu ai nghĩ như vậy về ông ta thì họ được quyền tự do nói ra suy nghĩ ấy.
*
Có thể đặt câu hỏi sau khi theo dõi hai vụ kiện cáo nói trên: vậy, cách hành xử tự do một cách... vô tổ chức và có thể sai trái như thế thì có ích gì cho xã hội? Lời đáp ở đây rất đơn giản: chỉ có thể loại trừ những ý kiến sai lầm nếu nó được nói ra một cách tự do, và được cọ xát trong những cuộc tranh luận dân chủ với các quan điểm khác.
Mặt khác, tự do ngôn luận là một tiền đề không thể thiếu được cho sự vận hành của dân chủ, của sự tham gia của người dân trong công việc chung của xã hội. Trên cơ sở đó, mọi góp ý của người dân, dù đúng hay sai, dù theo hướng tiêu cực hay tích cực, vẫn góp phần làm trong sạch hóa bộ máy quyền lực và là liều thuốc tốt nhất, hiệu quả nhất trước sự lạm dụng quyền lực và tệ tham nhũng!
(*) Bài viết đã đăng trên tạp chí “Quê Việt” (Ba Lan).