NHÀ BÁO ĐỪNG ĐỨNG TRÊN PHÁP LUẬT

Thứ bảy - 08/09/2012 13:06

(NCTG) “Một chính trị gia có thể biến báo “mục đích biện minh cho phương tiện”. Nhà báo thì không! Với nhà báo, mọi biện pháp nghiệp vụ đều phải minh bạch và tôn trọng pháp luật, như chính mục tiêu của bài viết”.


Bạn bè, đồng nghiệp chia tay nhà báo Hoàng Khương - Ảnh: Nghĩa Phạm


Tại tiểu bang California (Hoa Kỳ), nếu nhà báo sử dụng máy ghi âm mà chưa thông báo và chưa nhận được sự đồng ý của nhân vật thì đoạn ghi âm đó dĩ nhiên không có giá trị sử dụng, trên mặt báo lẫn trước tòa.

Cái gọi là “đạo đức báo chí” ở xứ đó cũng được xây dựng trên nền tảng luật pháp rạch ròi kết hợp với tư duy đề cao giá trị con người.

Tại Hoa Kỳ, ký giả có thể dò sóng của radio cảnh sát để chạy đến hiện trường săn tin nhưng anh ta phải đứng ngoài cửa nếu cảnh sát nhận lệnh vào khám nhà. Nhà báo, không phải nhân viên công lực để có quyền xâm phạm gia cư, dù đó là hiện trường án mạng hay ổ bán ma túy.

Có lẽ, không một nhà báo nào phụ trách mảng đề tài Xã hội ở ta lại chưa từng theo chân cơ quan chức năng để vào tận hiện trường nhằm lấy tư liệu để chuyển đến cho độc giả phần tường thuật tỉ mỉ, chi tiết nhất có thể. Tiếc thay, sự dấn thân đó đôi khi lại sai luật.

Dù đó chỉ là một vụ bắt mại dâm hoặc kho hàng lậu, tất cả vẫn là tài sản của cá nhân và nhà báo không có quyền đi theo công an để tiến hành kiểm tra. Và cũng khó tìm thấy hình ảnh những cô gái lõa lồ, quay mặt đi đầy tủi nhục trên các trang báo được xuất bản trong những xã hội vẫn được gán cho là “thối nát”.

Luôn luôn tồn tại một tranh luận, nhà báo chỉ nên là kẻ quan sát rồi tường thuật hay nên là người tham gia trực tiếp với sự dấn thân để tường thuật? Câu trả lời dù khó đến mấy cũng vẫn phải căn cứ trên luật pháp sở tại.

Một chính trị gia có thể biến báo “mục đích biện minh cho phương tiện”. Nhà báo thì không! Với nhà báo, mọi biện pháp nghiệp vụ đều phải minh bạch và tôn trọng pháp luật, như chính mục tiêu của bài viết.

Trường hợp của nhà báo Hoàng Khương, giờ đây tòa án đã phán quyết anh phạm tội “đưa hối lộ” và xử phạt 4 năm tù. Mặc dù, nhà báo Hoàng Khương luôn khẳng định trước tòa anh chỉ có “sai sót nghiệp vụ” trong khi tác nghiệp.

Khi được tòa hỏi: “Nếu đang tác nghiệp tại sao không sử dụng số tiền 15 triệu của tổ chức (báo “Tuổi Trẻ”) mà lại lấy tiền của người có xe bị bắt để đưa cho CSGT?”.

Nhà báo Hoàng Khương đã trả lời: “Bị cáo biết lấy tiền của tổ chức để làm vậy là phạm pháp”.

Hoàng Khương có lẽ là một nhà báo đầy nhiệt tâm với nghề nghiệp, theo nhận xét cá nhân sau một vài dịp tình cờ tác nghiệp chung với anh, qua những bài viết của anh trên mặt báo.

Đồng nghiệp của anh có thể tiếc cho tài năng, nhiệt huyết của anh nhưng không thể đồng tình với lý lẽ cho phép sử dụng những cách làm sai luật để tố cáo người làm luật sai.

Luật pháp có thể sai, người làm báo vẫn không được phép sai luật.

Pháp luật chỉ xét đến hành vi chứ không phải mục đích. Có thể vì quá hăng hái chống tiêu cực mà nhà báo Hoàng Khương đã phạm một sai lầm được đo bằng 4 năm tù.

Sai lầm đó chính là một nhà báo, thay vì thực hiện chức nghiệp của mình bằng cách quan sát và tường thuật sự kiện, lại dấn thân sâu đến mức độ thúc đẩy quá trình phạm pháp.

Sai lầm đó không chỉ khiến anh trả giá mà cả những người như Tôn Thất Hòa, Nguyễn Đức Đông Anh và thậm chí là người CSGT Huỳnh Minh Đức cũng phải vào vòng lao lý.

Một nhà báo, không thể lấy hành vi phạm pháp để thực hiện bài viết chống tiêu cực. Bởi vì, sau mỗi tin bài luôn luôn là số phận con người.

(*) Đây là bản được cập nhật của bài viết gốc đã đăng tại đây.

Trung Bảo


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn