Hàng trăm người xếp hàng dài chờ mua tại cửa hàng Starbucks mới khai trương tại Việt Nam hôm 1-2-2013 - Ảnh: Internet
Lo xa hơn, vấn đề xâm lăng của chủ nghĩa “thực dân mới” (thông qua “
quyền lực mềm”, “
mặt trận không tiếng súng”...) cũng được đề cập một cách hết sức quan ngại, trên cái nền “
ý thức dân tộc èo uột” của những người xếp hàng. Ngược lại, không ít bạn không đồng tình vì “ngửi” ngay ra ở đây mùi vị của ông
Vũ Trung Nguyên.
Trên mạng xã hội Facebook, mình được đọc một “phản biện” chuẩn xác và đầy đủ, có lẽ không cần nói thêm gì nữa: “
Ngay cả khi số người đứng đó là do được thuê thì các bạn cũng đâu có lý do để phán xét họ như vậy? Có lần cả một đoàn dài các thanh niên xếp hàng ở đường Tràng Tiền mua sách Nguyễn Nhật Ánh sao không ai chê họ là bầy dàn, là dân tộc cực đoan? Nếu người Việt Nam đúng là bầy đàn như các bạn nói thì các bạn giải thích sao về hàng nghìn người Mỹ, Âu xếp hàng từ nửa đêm trước các tiệm Apple, Microsoft?
Starburks hay iPhone hay MS Office là những giá trị lành mạnh, việc con người khao khát nó đáng để các bạn chửi rủa lắm hay sao? Có thể các bạn ra nước ngoài rồi và uống Starburks rồi, cũng đã xếp hàng trước quầy Starburks rồi (dù có thể cái hàng nó không dài như ở Việt Nam và có khi các bạn cũng chả thích quái gì cái thứ nước ấy), có lý do gì để các bạn cười khẩy vào một nhóm người bỡ ngỡ trong lần đầu tiên tiếp xúc với những giá trị văn hóa mới?”.
Nhân đây, bất giác mình nhớ tới hai kỷ niệm liên quan tới xếp hàng McDonald’s, đều ở nước ngoài.
Hồi 1990, tiệm McDonald’s mới mở ít lâu tại Moscow. Mình còn nhớ, nó nằm ở đâu đó, dường như là giữa hai bến tàu điện ngầm Arbat và Smolensk. Nghe đồn đại là đông lắm, mình có mò ra xem cho biết không khí thôi, vì món này đã có ở Hung từ lâu trước đó. Thì, quả thật là rồng rắn vài trăm mét thật, và không chỉ thanh niên, mà các ông bà trung niên, thậm chí cao niên cũng có mặt. Hàng lối nhìn chung cũng trật tự, và mặc dù chờ đợi rất lâu nhưng không thấy ai động thủ hay có biểu hiện gì quá khích.
Năm 1988, người tiêu dùng Hungary lạ lẫm trước một “giá trị” mới của xã hội tiêu dùng Phương Tây...
Ở Hungary, tiệm McDonald’s đầu tiên là ở phố Régiposta, ngay tại khu đi dạo trung tâm (phố Váci). Vào thời điểm đó (trước khi Hung thay đổi thể chế) dân nước này thực ra cũng sung túc, ăn uống ẩm thực khá đầy đủ, tệ xếp hàng dằng dặc chỉ xảy ra đôi ba lần khi chuối khan hiếm. Tuy nhiên, vào ngày 29-4-1988, hàng xếp trước tiệm McDonald’s đầu tiên cũng được tả là dài tới hàng trăm mét: các nhân viên nhà hàng này đã phải làm cật lực để mỗi phút có hơn 10 thực khách được mãn nguyện với “lối sống Mỹ”.
Cách đây dăm năm, McDonald’s kỷ niệm hai thập niên hiện diện tại Hungary. Không có mặt trong ngày khai trương nên mình quyết định phải đi dự cái kỷ niệm này. Thêm vào đó, McDonald’s có khuyến mại rất hấp dẫn là họ sẽ bán các sản phẩm với giá của 20 năm trước (chỉ bằng 1/15-1/20 hiện tại), nên chị xã còn giục mình “
anh nhớ mang cái bao tải đi mua về cho con nhé”. Cũng đề phòng sẽ rất đông nên mình rục rịch lên đường khí sớm, có lẽ phải trước giờ G hàng tiếng.
Đến nơi thì đã thấy mọi người nô nức xếp hàng chừng trăm rưởi mét rồi. Trời đẹp, nhưng đứng chờ mươi phút mình đã sốt ruột - trong khi đoàn người “nước bạn” thì vẫn rất kiên nhẫn và không có chút biểu hiện manh động nào cả. Vài anh chị trung niên bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm “thời xa vắng” liên quan tới món bánh kẹp thịt này - câu chuyện được các cháu 9x ăn mặc sành điệu nghe ngóng với vẻ rất hiếu kỳ, nhưng không có chút khinh khi, chê bai gì cả.
Mất cả tiếng mới đến lượt, nhưng khi đó mình mới ngã ngửa là là cửa hàng đã quy định mỗi người chỉ được mua tối đa 2 chiếc, nên ý định “phe”, “mua sỉ” bánh mỳ kẹp tận dụng đại khuyến mại đã thất bại thảm hại. Nhưng nhìn quanh thấy ai nấy đều hỉ hả vui vẻ cả, mình cũng... đành vui lây, cất kỹ hai chiếc bánh vác về nhà cùng phá cỗ. Lúc rời “hiện trường”, vẫn còn cả trăm người xếp sau mình, các chú hề và các ca sĩ vẫn hát hò nhảy múa tưng bừng chào đón khách.
... nhưng không thấy ai chê bai, dè bỉu hay chụp cho họ những cái mũ này khác!
Ngẫm lại hai trường hợp trên, ở Nga thì đúng là có yếu tố mới lạ, hiếu kỳ, tò mò, còn ở Hung thì là dịp vui chơi, hoài niệm nhớ lại một thời, v.v... Và, ngay cả thời McDonald’s mới “xâm lăng” Hungary, cũng không thấy những ý kiến dè bỉu ngoài xã hội nhằm vào người tiêu dùng. Thiết nghĩ, bất cứ ai cũng có quyền lựa chọn sản phẩm mà mình thich, mình kỳ vọng nó là tốt, và trong trường hợp Starburks và McDonald’s thì đó là những thương hiệu có uy tín, đã được thế giới thừa nhận.
Kể lại mấy mẩu chuyện này, mình nghĩ, chớ coi người tiêu dùng Việt Nam hiện tại là quá ngu si, dễ bị giật dây, khi buông lời miệt thị họ, vô hình chung tiếp tay cho những đối thủ cạnh tranh của Starburks một cách không lành mạnh. Chưa nói, đem chiêu bài yêu nước, ái quần vào đây là vô cùng ngớ ngẩn và lố bịch, thậm chí phản cảm...