5 LÝ DO KHIẾN NỮ GIỚI NÊN GẤP RÚT TÌM “MỘT NỬA CỦA MÌNH”

Chủ nhật - 13/01/2013 12:05

(NCTG) “Chứ còn thì mây vẫn bay, nước vẫn chảy, và (đa số) phụ nữ vẫn luôn thích tự trả học phí cho những bài học của mình”.


Minh họa: Internet

Đọc bài viết “Phụ nữ có nhất thiết phải lấy chồng?” của chị Nguyễn Hoàng Ánh, mình nghĩ tác giả viết bài này có ý rất tốt vì chỉ cần lướt sơ qua một vòng trên mạng, các bạn gái trên 30 than thở tại sao mình tốt thế này mà vẫn chưa tìm được nửa kia nhiều vô kể thì bài viết này sẽ giúp các bạn ấy tự tin hơn.

Thế nhưng, trái với quan điểm của bài viết, mình cho rằng khả năng tìm được tình yêu đích thực hoặc một người chồng (mà bạn nữ cho rằng) xứng đáng sẽ tỷ lệ nghịch với tuổi tác của các bạn. Chính vì vậy, theo mình, ngược lại, các bạn cần phải đi tìm một nửa của mình càng sớm càng tốt. Bởi vì năm lý do sau đây:

Thứ nhất, càng trưởng thành, cả nam lẫn nữ sẽ càng nhìn nhận “đối tác” bằng lý trí nhiều hơn, cân đo đong đếm nhiều hơn, cơ hội cho cảm xúc có quyền ra quyết định sẽ ngày càng ít đi. Càng nhìn nhận được chính xác hơn, số đàn ông xứng đáng với bạn nữ sẽ càng thu hẹp. Mà nếu bạn nhìn ra được phẩm chất của anh ta, nhiều cô gái khác và có thể là bố mẹ các cô ấy cũng nhìn ra được.

Tương tự, một chàng trai trưởng thành cũng sẽ đặt ra các tiêu chí cho người vợ của mình. Vậy đâu là những ưu điểm của một cô gái già so với một cô gái trẻ? Đó là bằng cấp, kinh nghiệm, công việc, tài sản. Có bao nhiêu phụ nữ cảm thấy không bị xúc phạm nếu “anh ấy” chọn mình chỉ vì công việc hay tài sản? Nếu chọn một người vợ trẻ hơn, đâu là ưu điểm? Mình sẽ không kể chi tiết ra đây, nhưng chắc chắn nếu bạn là cô gái 25 chọn một người đàn ông 25, anh ta sẽ không quan tâm phân tích đối tác như một người đàn ông 35 hay 45. Tuy nhiên, điều tích cực là một người đàn ông 55 hay 65 sẽ không đặt ra tiêu chí cao cho đối tác của ông ta, kể cả là một cô gái 35 hay 45.

Thứ hai, xác suất của những cặp đôi yêu nhau rồi lấy nhau thành công là không quá phổ biến. Tỷ lệ cao hơn nhiều là các trường hợp tình yêu đến từ một phía, rồi thời gian sẽ giúp người kia phát sinh tình cảm, sau cùng họ quyết định kết hôn, hoặc cũng có thể, tình cảm đó nảy sinh sau hôn nhân. Đa số các bạn nam trẻ đi tán tỉnh các bạn nữ trẻ, đều hy vọng nếu không xảy ra kịch bản thứ nhất thì sẽ xảy ra kịch bản thứ hai, hoặc thậm chí, có kịch bản thứ ba vẫn tốt.

Nếu một người đàn ông rất yêu bạn như vậy, sẵn sàng cưới bạn dù bạn chỉ tặc lưỡi đồng ý vì sợ ế và anh ta luôn hy vọng sẽ được bạn đáp lại một lúc nào đó trong cuộc sống hôn nhân, anh ta có đáng bị gọi là một con đực như trong câu viết này hay không: “... và cô cũng không tin có người đàn ông đàng hoàng nào muốn lấy một người kết hôn chỉ để khỏi mang tiếng ế, tức là anh ta đơn giản chỉ còn là một con đực”. Thực ra thì nếu đúng là một “con đực”, nó sẽ chỉ quan tâm đến tình dục chứ không có khái niệm hoặc không quan tâm đến hôn nhân. Cũng rất hay nếu có một thống kê nào đó cho biết xem, giữa các đôi yêu nhau, thường thì ai chủ động đặt vấn đề tiến đến hôn nhân?

Còn trường hợp bạn nam già đi tán tỉnh các bạn nữ già thì sao? Chắc cũng có, nhưng hiếm. Vì với tuổi tác và kinh nghiệm, cũng như khả năng đảm bảo một cuộc sống ổn định cho hôn nhân, bạn nam già sẽ dễ gây ấn tượng và dễ thành công hơn với một bạn nữ trẻ. Cho nên nếu anh ta vẫn muốn tán tỉnh bạn, một bạn nữ già, tức là bạn có điểm gì đấy rất đặc biệt trong tính cách và trong nhận thức, hoặc là vì bạn (hoặc bố mẹ bạn) có rất nhiều tiền. Trường hợp sau, anh ta là kẻ đào mỏ thực dụng, nhưng trong trường hợp đầu, dù bạn không yêu, có nên gọi anh ta là một “con đực” thay vì sự trân trọng?

Thứ ba, dù là nam hay nữ, dù là vua chúa tột đỉnh quyền lực, cũng không thể tránh khỏi quy luật của tạo hóa. Theo thời gian, các ưu thế của một người nữ mất đi, mà cụ thể là khả năng sinh nở của bạn. Ai đó bảo rằng vẫn có thể sinh con khi ngoài 40 tuổi thì bạn nói cũng đúng thôi, xin chúc bạn may mắn. Nhưng vấn đề là xác suất đó thấp hơn so với một cô gái 20-25 tuổi. Cái xác suất cao hơn đó là con bạn, nếu có, sẽ dễ gặp phải các vấn đề về thể chất và trí tuệ hơn là những đứa trẻ khác. Tiền bạc hay tình yêu của bạn dành cho chúng cũng không thể bù đắp được những thiệt thòi đó trong cuộc đời nhiều cạnh tranh này.

Do đó, trừ khi bạn quyết định không bao giờ có con hoặc chỉ xin con nuôi thì cái thời gian xuân sắc mà bạn dùng để hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp, chính là bạn đang vay mượn từ hạnh phúc cuộc đời của chính những đứa con bạn sẽ sinh ra và hết mực yêu thương.

Thứ tư, bạn có thể quyết định làm mẹ đơn thân để vừa có được trải nghiệm hạnh phúc làm mẹ khi vẫn còn trẻ, không phụ thuộc vào việc kiếm một tấm chồng, và vẫn đảm bảo thể chất được cho con mình. Nhưng còn vấn đề tinh thần, tâm hồn của chúng trong một gia đình thiếu cân bằng về cá tính và giới tính thì sao? Điều này thiệt thòi không kém câu chuyện thể chất. Bạn có thể tìm hiểu tâm tư của những đứa trẻ mồ côi cha hoặc mẹ để xem con mình có xứng đáng phải đón nhận hình phạt đấy hay không?

Do đó khi quyết định làm mẹ đơn thân tức là bạn quyết định đánh đổi hạnh phúc của bạn với con mình. Ngay cả khi bạn nghĩ sẽ nỗ lực gấp đôi để bù đắp cả hai vai trò, thì đó là sự thách thức cả hai nền tảng triết học: âm dương của phương Đông và cặp phạm trù đối lập của Marx ở phương Tây. Ngay cả khi bạn thành công, thì bạn có còn là chính mình nữa không? Đây là bài toán trade off giữa bản ngã của bạn và hạnh phúc cá nhân của bạn. Nghe mâu thuẫn quá nhỉ?

Cũng trong ý này, một câu hỏi nhỏ đặt ngược lại, có phải chỉ phụ nữ mới ca thán về những người chồng bất đắc dĩ của mình hay không? Giả sử như đàn ông cũng tự sinh được con, thì bao nhiêu người chấp nhận làm single dad để tránh khỏi những phiền toái của phụ nữ gây ra trong hôn nhân? Đây cũng sẽ là một khảo sát xã hội học thú vị. Cá nhân mình tin rằng, với cách tư duy đặc thù của nam giới, họ sẽ đặt ưu tiên cao nhất cho con mình.

Điểm thứ năm, nhiều bạn nữ lên án gay gắt quan niệm duy trì nòi giống để báo đáp lại tổ tông nhà chồng của nhiều nam giới. Kỳ thực với khoa học ngày nay, ai cũng biết đứa con là nòi giống của cả cha lẫn mẹ. Những năm gần đây có xu hướng nhiều trẻ em sinh ra được mang họ kép của cả cha lẫn mẹ. Tổ tông gần gũi nhất chính là ông bà của các cháu. Hãy về hỏi cha mẹ của bạn, xem họ có muốn được trải nghiệm làm ông bà là như thế nào? Liệu ông bà ngoại có kém yêu thương các cháu so với ông bà nội? Nếu đáp án cho cả hai câu hỏi đều là có, thì đây cũng là bài toán trade off với những quyết định cá nhân của bạn. Ai cũng có những ràng buộc tình cảm và trách nhiệm.

Cho nên tuy rằng thế giới này thêm hay bớt một đứa trẻ không thành vấn đề, nhưng trong gia đình nhỏ ba thế hệ hai bên nội ngoại của bạn, thêm hay bớt một đứa trẻ, liệu có phải cũng là không thành vấn đề?

Bài viết rất hay của tác giả Nguyễn Hoàng Ánh là tư duy của một người phụ nữ viên mãn và thành đạt. Mình vui tay đóng góp thêm như là cách tư duy của một người đàn ông, cho phong phú hơn về góc nhìn. Chứ còn thì mây vẫn bay, nước vẫn chảy, và (đa số) phụ nữ vẫn luôn thích tự trả học phí cho những bài học của mình.

Daniel Tran


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn