Huyền Chip cùng cuốn nhật ký hành trình đang làm dấy lên những tranh luận trái chiều tại Việt Nam - Ảnh: saoonline.vn
Cháu ơi,
cháu giỏi quá. Cháu làm được kẻ đã già, đã thất chí, đã yếu còn h(i)èn và ngoài ra không ít việc như cô mấy hôm nay cũng phải nháo nhác lên vì cháu và những gì ngoài cháu.
Cô không nói mát mẻ gì đâu. Cô nói thật. Cô phục cháu lắm, phục hơn cả cháu Bà Tưng. Cháu dám đi, quan trọng là dám đi, còn bao nhiêu nước thì thiếu ta đi tiếp, không ngại. Cô thì chỉ quẩn quanh trong nhà trên giường, xách ba lô lên là phải kiểm tra đã mang theo thuốc chưa dù chỉ cần ra khỏi nhà dăm ba trăm mét. Cô khoái cái từ phượt lắm vì điều đó có được thuê giá cao cô cũng không dám. Nhỡ cô trăm tuổi lúc mới năm mươi thì chẳng cứ các em, chú nhà cô cũng tứ bề nguy nan cháu ạ.
Cái sự cháu viết nhật ký mà có hư cấu bị phê phán thì cháu cũng đừng trách người ta là làm cháu khổ trên quê hương. Càng không phải chỉnh lý lại nếu có nối bản hay tái bản từ nhật ký thành tiểu thuyết làm gì. Vì nếu là tiểu thuyết thì sách của cháu có khi chưa thể coi là tác phẩm. Chẳng qua là chưa thống nhất được với nhau một đôi ba điều thôi cháu ạ. Trí nhớ con người được lập trình sẵn rồi, ai cũng nhớ theo ý muốn một cách vô thức thôi mà. Thế nên nếu giả dụ cháu có cảm hứng nhớ không giống với cái cháu trải thì cũng không sao đâu cháu ạ. Cô ấy mà, cô cũng toàn ngồi nhớ và hay nhớ theo kiểu mình muốn nhớ. Thế nên tuổi thơ của thế hệ cô, có khi cũng là của bố mẹ cháu đấy, trong chiến tranh và sau chiến tranh thảm hại thế mà lúc nào với cô cũng trong vắt, lấp lánh, ngời ngời. Nhờ cái nỗi nhớ buồn cười đó mà cô lớn đấy cháu ạ, bây giờ vẫn đang lớn.
Có anh gì đó đang đòi thẩm định lại tác phẩm của cháu cũng làm cô phục đấy. Thời buổi này mà anh ấy dám đi ngược đường một chiều, và dám chịu phạt nếu như sự ngược đó không hợp lẽ, thật hiếm thấy. Nếu cô là cháu, cô sẽ thật lòng biết ơn anh đấy. Cô biết có người ra sách còn phải nhờ có tổn phí đôi ba người viết bài phang mình thật lực để sách được chuyển động trên giá trong nhà sách. Anh ấy phê cháu thật tâm, quyết liệt, và cái chính là sự phê phán được văn bản hóa một cách nghiêm trọng thế lại bắt đầu từ một người trẻ tuổi chứ không phải từ mấy ông bà lão lão như cô, những kẻ đã qua cái tuổi dám tuyên bố chết trẻ khoẻ ma vì chắc chắn sẽ chết già may ra thì không quá vô nghĩa lý. Cô nghĩ phải coi anh ấy là người quảng bá sách của cháu thành công nhất, thành công hơn cả cháu, vì nhiệt tâm và thành thật đến mức cực đoan khó chấp nhận được.
Nhưng những thắc mắc mà người đọc của cháu đang muốn cháu giải đáp thì muốn hay không, thích hay không vẫn phải chấp nhận. Khi cháu viết sách, cho in, đem bán, cháu bắt buộc phải đối mặt với sự phán xét của người đọc.
Viết cái thể loại cháu chọn, sự phán xét độc giả dành cho cuốn sách sẽ không chỉ là HAY hay DỞ, ĐÚNG hay SAI về ý tưởng, mà là THẬT hay GIẢ. Cô nghĩ mọi tranh luận đều phải bắt đầu từ cặp giá trị thứ ba này: Thật hay Giả?
Thế nên, khi bị bạn đọc ngờ vực thì với người viết nào cũng là thảm họa. Cháu đang phải trải nó đấy, một mình. Cháu không phải chịu trách nhiệm gì về tác động tiêu cực của cuốn sách, nếu có, với ngay cả một số đông người, khi sách của cháu làm thức dậy trong lòng họ cảm hứng phiêu lưu và tinh thần liều mạng. Mà cô cũng không tin là cuốn sách cháu mới ra có khả năng kiểu như vỡ đập thủy điện thế đâu. Với lại từng người đọc, và bố mẹ của những người đọc chưa tới tuổi trưởng thành phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của chính mình, không phải là cháu.
Cháu chỉ chịu trách nhiệm với chính cháu thôi. Thế nên, nếu như trong cuốn sách của cháu có những câu chuyện, những chi tiết cháu nhớ theo ý muốn một cách vô thức như con người vẫn nhớ thì chẳng sao. Nhưng nếu có dù chỉ một câu chuyện, thậm chí một chi tiết được nhớ theo ý muốn một cách cố tình, thì, đây là lúc, ngay cả nếu như cháu bị ràng buộc bởi một hợp đồng mà nếu phá bỏ thì cháu sẽ thiệt hại, khó khăn, cháu phải công khai thừa nhận. (Tất nhiên, nếu cháu bảo cuốn sách của mình là sáng tác thì ai có đòi hỏi điều này cháu hãy phản bác họ là chỉ được phép bảo cháu viết Dở, không phải là viết Dối, nhé!)
Bởi vì, cái một số không ít bạn đọc của cháu đang đòi được biết, và đó là quyền của bạn đọc, điều cô tôn trọng tuyệt đối trong cả tư cách người đọc cũng như người viết, là sự thật.
25 nước hay 700 đô sơ khởi, nói được một hay vài thổ ngữ châu Phi chưa, không khóc hay không chết ở đâu, làm gì và được mấy đồng trong một điều kiện sống khác sẽ chả quan trọng lắm, nếu cháu chưa phải là người mà hắng giọng là thiên hạ vểnh tai ngay.
Với cô, một người đọc, cái hay của cuốn sách cháu viết là nó mở ra một vấn đề chắc ngoài ý muốn của cháu, và cháu hoàn toàn có thể tự hào về cuộc đời mới tinh này của cuốn sách mình viết.
Đấy là chuyện Thật hay Giả.
Điều này vô cùng quan trọng, không cứ với người Việt mình.
Càng quan trọng với người Việt mình lúc này.
Quan trọng nhất là với cháu trong tháng ngày sẽ sống, cháu ạ.
Làm sáng rõ được điều này, không cần đi tiếp, cháu sẽ đạt tới tự do.
Cô cá với cháu thế. Cá quệt nhọ lên mũi thôi. Nhé.