Minh họa: Internet
Người ta vẫn hay nói đối với đàn ông, chuyện tình dục tới trước, tình cảm tới sau, còn với phụ nữ thì phải có tình cảm mới dẫn đến tình dục. Điều này có thể đúng, nhưng nên nhìn nhận lại vấn đề: xét cho cùng, đàn ông hay phụ nữ thì chuyện tình yêu và tình dục, cái nào tới trước, cái nào tới sau, cái nào là điều kiện cho cái nào, phải chăng tất cả đều ngang bằng nhau?
Vậy thì tại sao từ xưa tới nay, chuyện đàn ông đi tìm “nguồn vui” bên ngoài lại dễ dàng được chấp nhận, còn phụ nữ thì bị kỳ thị?
Với bản năng truyền giống, cùng với sự tiếm quyền trong xã hội trong một thời gian dài, đàn ông đi quan hệ lung tung thường được nhìn nhận một cách châm chước. Phụ nữ thì vốn bị xã hội đè nén xưa nay, bị gán cho những tư tưởng mang tính kìm kẹp như “gái chính chuyên chỉ có một chồng”, thế nên có muốn cũng ko dám bứt, muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay, nhất là trong xã hội vẫn còn nặng về nam quyền.
Cùng với sự phát triển kinh tế, mở rộng, giao lưu với các nước khác thì cái vòng kim cô trên đầu người phụ nữ Việt Nam đang lỏng dần. Khi phụ nữ độc lập về kinh tế, tự chủ về cuộc sống, ý thức về bản thân thì chắc chắn quan niệm về tình dục sẽ cởi mở hơn, mang tính bình đẳng hơn, dần dần có thể ngang bằng với nam giới.
Bằng chứng cho điều này là khi xã hội cởi mở hơn, thì đã xuất hiện một ngành nghề mới do các chàng trai trẻ “phục vụ” các quý bà hơn mình nhiều tuổi. Có hề gì? Nếu đàn ông có nơi để “giải tỏa” thì tại sao phụ nữ lại không?
Nhiều người phản đối “dịch vụ” trên, sẽ nói rằng phụ nữ và sự chính chuyên của họ chính là chất keo để giữ gìn hạnh phúc gia đình, nếu nó mất đi thì hạnh phúc gia đình sẽ tan vỡ. Quan niệm này có thể đúng với xã hội khép kín xưa nhưng không còn phù hợp ở xã hội mở cửa và thay đổi không ngừng thời nay. Hạnh phúc gia đình như chiếc cân hai đĩa, đàn ông và phụ nữ mỗi người ở một bên, chỉ cần một bên lệch thì hạnh phúc sẽ lung lay.
Con người bị trói buộc trong những quy chuẩn, luật lệ do chính mình đặt ra, ví dụ như hôn nhân. Luật hôn nhân được đặt ra để con người có một trách nhiệm rõ ràng với lựa chọn của mình, buộc người ta chung thủy về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, thật ra chung thủy là một trạng thái mang tính thời điểm. Hôn nhân và tờ giấy hôn thú chỉ là một hình thức trói buộc con người. Nếu thật sự yêu, thật sự có trách nhiệm, thật sự thủy chung, thì cái tờ giấy hôn thú chẳng là gì. Còn không thì dù có hàng trăm giấy tờ ký kết thì cùng lắm níu được bước chân chứ chẳng thể nào níu được trái tim.
Nhưng có ai sống được một mình Vậy phải chăng chúng ta nên không chịu bất cứ một sự ràng buộc nào để có thể tận hưởng lạc thú tình dục với nhiều người?
Thật ra, tình dục là nhằm hướng tới sự viên mãn, mang lại cho người ta sự vui vẻ, lạc quan, hồi sức sau những căng thẳng. Nó là chiếc cầu nối giữa hai người, một phần quan trọng của hạnh phúc gia đình.
Tình dục muốn như vậy thì cần có sự hợp tác của cả hai, sự thấu hiểu về tâm hồn và cơ thể nhau. Điều này nghĩa là, nếu hai người chỉ mới “biết” về cơ thể nhau thì rất khó đạt được viên mãn trong tình dục, mà phải thật “quen” nhau.
Chỉ những ai cô đơn mới đi quan hệ với nhiều người, nhằm lấy tình dục để khỏa lấp sự cô đơn ấy. Trong khi, sự cô đơn là điều ai cũng có, ai cũng cần, nó là khoảng trống cần thiết trong mỗi người, như những lỗ ở ngó sen. Con người không nên chạy trốn sự cô đơn mà cần đối diện với nó, xử lý nó bằng một cách nào đó.
Làm gì, sống như thế nào là quan điểm của mỗi người, mà quan điểm là thứ được hình thành dựa trên hiểu biết và truyền thống. Nhận thức, thời đại, truyền thống, tuổi tác hay mục đích khác nhau thì quan điểm cũng khác nhau.
Nhiều khi, người ngoài chẳng thể nào nói một cái gì là tốt hay xấu, cũng chẳng thể nói một cái gì là đúng hay sai. Vậy nên, cá nhân bạn hãy hiểu rõ điều bạn muốn, bạn cần và làm điều khiến bạn thấy hạnh phúc.