THƯ GỬI ANH NICK

Thứ ba - 21/05/2013 12:48

(NCTG) “Giá như cộng đồng sống xung quanh cứ nhìn nhận người khuyết tật như những người bình thường, với việc phải phấn đấu thì mới có thành quả, phải nỗ lực thì mới có cuộc sống thoải mái, thì có nhẽ Nick đã không trở nên một hiện tượng như vẫn đang được người ta truyền thông” - quan điểm của Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin Khúc Hải Vân.


Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin 2006 Khúc Hải Vân
- Ảnh: Bích Ngọc

LTS: Năm nay 32 tuổi, Khúc Hải Vân là một gương mặt trẻ tiêu biểu cho tinh thần nỗ lực vượt nghịch cảnh để sống có ích cho mình, cho đời và cho cộng đồng. Vốn bị khiếm thị bẩm sinh, nhưng với nghị lực đáng kính phục, anh đã theo đuổi được đam mê học hỏi và làm tin học - bên cạnh đó, anh còn tích cực hoạt động xã hội và làm công tác tình nguyện.

Những cố gắng đáng kể của Khúc Hải Vân đã được thừa nhận một cách xứng đáng. Năm 2006, anh được tạp chí “Echip” bình chọn là “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin” của năm. Năm sau, anh được nhận giải thưởng “ICT thắp sáng niềm tin” do Hội Tin học Việt Nam, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng tổ chức.

Khúc Hải Vân cũng được nhận giải thưởng Chim Én do website vicongdong.vn trao tặng, vì những cống hiến lớn cho cộng đồng. Hiện tại, anh làm công việc biên tập âm thanh, bài giảng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Giáo dục Minh Triết và vẫn là một diễn giả, một tình nguyện viên năng nổ có mặt tại nhiều hoạt động xã hội.

Bài viết sau đây của anh được viết trong bối cảnh rất nhiều người Việt đang hào hứng chờ đón sự xuất hiện Nick Vujicic, cũng là một người khuyết tật nổi tiếng với những cuốn sách được coi là đã “thức tỉnh thế giới”, thuật lại hành trình khám phá, chiến thắng bản thân, nhằm vượt lên mọi khó khăn, thử thách của số phận (NCTG).

*

Anh Nick mến, chả biết tuổi tác thế nào nên tôi lựa chọn ngôi mình, để xưng với anh cho nó thân mật theo kiểu người Việt Nam chúng mình nhé!

Mấy tháng nay thấy thiên hạ đồn thổi, rồi báo chí tung hô quá về chuyến viếng thăm của anh từ Úc châu xa vời vợi đến Việt Nam, hình ảnh của anh cứ đập vào... “tai” mình như trống trận, làm mình cũng thấy rạo rực. Vậy nhân tí thời gian rảnh cuối buổi chiều làm việc, mình xin viết chia sẻ cùng anh ít điều với tư cách là một người đồng cảnh nhưng không đồng tật về cuộc sống của những người khuyết tật Việt Nam - nơi mà chắc chỉ mấy giờ nữa thôi anh sẽ đặt chân tới, và sẽ được chào đón như một hiện tượng.

Người Việt chúng mình được cái hiếu khách và hiếu của lạ thế đấy Nick ạ! Vật trong nhà dù là đồ cổ nhưng mà xếp đó cả năm may lắm có khách mới mang ra mà khoe, chứ đồ gì mới sắm thì chằm bặp săm soi, và đôi khi là mê mẩn nữa ấy chứ. Chả thế mà mấy quyển sách của anh khi đến Việt Nam thì được thiên hạ đổ xô đi mua làm quà tặng, chưa cần biết giá trị của những trải nghiệm của anh ra làm sao.

Chắc tại cái nỗ lực của anh tuyệt vời quá, còn gấp nhiều lần thầy Nguyễn Ngọc Ký, hay Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng? Hoặc giả là những thành tựu của anh mãi chả thấy người khuyết tật Việt nam nào làm nổi? Vì có nói tốt như bạn Sơn Lâm trở thành diễn giả cũng làm gì đi được đến khắp thế giới. Và quan trọng hơn là bọn mình làm gì có điều kiện sống như ở Úc, có trang thiết bị y tế, có dụng cụ để tập phục hồi chức năng. Và có tiền như những nền tảng mà anh đã có từ điều kiện gia đình, xã hội.

Bọn mình phải đi ra đường trong tình trạng người đi xe lăn thì không dám tự mình đi lại nếu không muốn trở thành hiện tượng trong mắt người khác, vì sự dũng cảm, bởi làm gì có vỉa hè cho xe lăn, đường riêng và xe buýt ư? Xa xỉ vô cùng và nếu có thì đố anh nhìn thấy dịch vụ nào hỗ trợ giao thông cho họ một cách thuận tiện ở Việt Nam mình đấy Nick ạ! Còn dân mù bọn mình thì đi ra đường là phải xác định đối mặt với những vụ va chạm thường xuyên với các chướng ngại vật trên vỉa hè, như cây cối, xe cộ... Và cơ man là các thứ khác phục vụ cho mục đích mưu sinh của những người dân “bám vỉa”.

Chưa hết, chúng mình sẽ phải chuẩn bị tinh thần đề phòng nếu không muốn bất thần thụt chân xuống một đoạn cống hở hay một hố ga mất nắp mà người ta quên rào lại. Đấy là những người khuyết tật ở thành phố. Còn ở nông thôn, khi mà tiền mua một cái đài đã là một sự cố gắng của một gia đình nghèo, thì sắm máy tính để kết nối Internet và giao tiếp với cộng đồng chắc còn là một giấc mơ dài mà không biết khi nào làm nổi.

Vậy đấy Nick ạ!

Vậy nhưng tụi mình đã có những dịch giả hàng ngày chuyển tới cộng đồng những tác phẩm kinh điển, như bạn Ngọc Lan ở Thái Bình, Chúng mình vẫn có những Em Bé Sao Mai Ước Nguyện, mang yêu thương san sẻ với mọi người. Chúng mình vẫn có những con người đi bằng hai tay, thậm chí khó khăn hơn Nick vì họ chỉ nằm một chỗ, và di chuyển nhờ sự hỗ trợ của người khác, nhưng vẫn đang từng ngày cống hiến phần sức lực của họ cho cuộc sống.

Vậy, nhưng những con người ấy chỉ có thể xuất hiện trong một số chương trình kêu gọi để xin tiền tài trợ, hay là những chương trình vinh danh dành riêng cho người khuyết tật. Số ít nào đó may mắn xuất hiện trong những chương trình vinh danh khác, hay được một giải thưởng gì đó, thì họ cũng sớm bị chìm lấp trong cả một biển thông tin.

Thế mà Nick, một vị khách từ xa tới Việt Nam thì đang được giới trẻ chào đón như một thần tượng. Vì sức chứa của một khán phòng không xuể nên người ta phải bố trí cho Nick xuất hiện ở Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Lịch gặp mặt với giới trẻ của Nick được hẳn Kênh truyền hình Quốc gia VTV1 tường thuật trực tiếp với mục tiêu làm động lực cho người khuyết tật vươn lên.

Nick ạ! Không biết khi đọc tới những dòng này của mình anh nghĩ gì, nhưng với mình thì mình thấy thật buồn.

Vì giá như cộng đồng sống xung quanh cứ nhìn nhận người khuyết tật như những người bình thường, với việc phải phấn đấu thì mới có thành quả, phải nỗ lực thì mới có cuộc sống thoải mái, thì có nhẽ Nick đã không trở nên một hiện tượng như vẫn đang được người ta truyền thông. Và nếu người Việt Nam mình chịu quan sát, chịu tìm kiếm thì nào đâu thiếu những “Nick” ngoài đời thực để họ học tập, để họ hỗ trợ, chia sẻ và dành sự quan tâm.

Cơ mà thôi Nick ạ! Xã hội ở mỗi thời kỳ đều có những tầng mức phát triển về nhận thức, góc nhìn. Có thể ở Việt Nam mình còn nhiều thứ không được như những nước tiên tiến anh đang sống. Nhưng mà ở đó có gia đình, và những người bạn khuyết tật của mình. Và ở đó, những người khuyết tật họ vẫn đang nỗ lực thật nhiều cho cuộc sống của chính mình, mà thành công của họ chỉ đơn giản là cuối ngày có chút tiền và được ăn một bữa cơm vui vẻ bên gia đình.

Thôi thư đã dài, mình xin dừng lại ở đây. Mến chúc anh sẽ có những ngày, những trải nghiệm thật vui - đồng thời, có thêm những giá trị mới khi đến với Việt Nam, Nick nhé!

Thân ái,

Khúc Hải Vân


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn