VẪN LÀ ĐẤT NƯỚC CỦA TA (*)

Chủ nhật - 10/03/2013 09:15

(NCTG) “Khi Tổ quốc còn là điều thiêng liêng, khi chúng ta chiến đấu không vì một thể chế chính trị mà vì lòng yêu nước thì Hoàng Sa – Trường Sa vẫn là đất nước của ta, mãi là đất nước của ta”.



Tôi thuộc thế hệ sinh sau 1975, và radio là phương tiện tiếp cận thông tin phổ biến thời ấy. Những năm cuối thập niên 80, đầu những năm 90, cái cảnh trong nhà radio cứ nói, bên ngoài, ai nấy làm việc của mình là chuyện thường tình.

Tôi nhớ về những buổi chiều quảy dóng (**) đi rút rơm cho bò thì trong nhà vẳng ra những bài hát thiếu nhi, nhạc hiệu luôn có bài “Đội ca”. Và cũng những buổi chiều ấy, sau chương trình thiếu nhi thì tiếng hát của ca sĩ Tiến Thành vang lên trên radio bài “Nơi đảo xa”. Câu đầu tiên của bài này mà tôi thuộc là: “Giữa nơi đảo xa đang nở rộ ngàn bông hoa san hô, cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em.” Nhưng lúc đấy, radio tiếng được tiếng mất, vốn tiếng Việt của đứa nhỏ 10 tuổi cũng không đủ để hiểu hết nên tôi cứ hát “cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tầm em” mà không giải thích được “tầm em” là gì nữa. Mãi cho tới khi lớn lên, nghe kỹ lại, tôi mới thấy mình hát sai cả hơn chục năm.

Ngoài bài “Nơi đảo xa”, bài “Biển hát chiều nay” cũng là ca khúc mà tụi tôi nghe đến thuộc làu. Radio phát hoài, phát mãi, mà những đêm có chương trình ca nhạc theo yêu cầu lại cũng có người viết thư gửi đến, yêu cầu bài này. Mười lăm cây số từ nhà tôi đến bờ biển Bình Minh là quãng đường quá xa. Chỉ đến khi học đại học tại Đà Nẵng, tôi mới thấy biển lần đầu tiên. Nhưng 18 năm trước đó, tôi vẫn tưởng tượng về biển qua những bài hát, qua radio, qua thơ Hoàng Trung Thông. Năm học lớp 6, tôi đã đọc những dòng này trong bài “Những cánh buồm”:

Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, thấy cây, không thấy người ở đó?”
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Những nơi đó, cha chưa hề đi đến.”

Biển, đảo trong suy nghĩ của tôi là quê hương mình, ở đâu đó giữa biển khơi, “những nơi đó tôi chưa hề đi đến.”

Mỗi mùa đông đến là bão lại kéo về miền Trung. Mỗi trận bão lớn đến là mỗi lần ba giở tấm bản đồ cũ nhàu, vàng úa ra, nghe radio báo xem bão đang ở vĩ độ mấy, kinh độ mấy, rồi đoán xem bão có vào quê mình không. Một lần, tôi chỉ quần đảo Hoàng Sa, tôi hỏi ba: “Ở ngoài này, người ta có bị bão không ba?”. “Có chứ!”. “Hoàng Sa là tỉnh mình hay tỉnh mô ba?”. “Chỗ này Trung Quốc chiếm rồi con, không có người quê mình ở đó!”.

Ba tôi, người nông dân chất phác, là người đầu tiên cho tôi biết Hoàng Sa không còn là một phần của tổ quốc mình. Năm 2006, khi đi uống cà phê, mấy anh bạn lớn rì rầm với nhau rằng chiến tranh sắp nổ ra rồi, rằng giặc Tàu đã xây sân bay ngoài đảo. Rồi cuộc biểu tình năm 2007, tôi chưa dùng blog, không biết mọi người tập trung ở đâu, biểu tình ngày nào. Tôi lỡ hẹn với Trường Sa – Hoàng Sa mùa đấy.

Năm 2011, tôi xuống đường cùng bạn bè. Tôi không giải thích được thế nào là lòng yêu nước. Tôi chỉ biết khi hàng ngàn người xuống đường, khi người ta đứng trước Lãnh sự quán Trung Quốc và hô vang: “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, nước mắt tôi đã chảy, khi chúng tôi muốn tiến đến Lãnh sự quán một lần nữa, cảnh sát Việt Nam chặn lại, chúng tôi bất bình, khi vị chỉ huy hải quân và Hiệu phó trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn thuyết phục chúng tôi hãy đi về, để Đảng và Nhà nước lo, chúng tôi đã cười vào mặt các vị ấy. Tôi tin, các vị ấy chả biết là Hoàng Sa có bao nhiêu đảo, Trường Sa có bao nhiêu đảo, Việt Nam ta giữ được bao nhiêu đảo, giặc Tàu chiếm mất bao nhiêu đảo.

Nhờ Internet, thế hệ chúng tôi biết đến Hoàng Sa – Trường Sa nhiều hơn, rõ hơn. Tôi đã hiểu được vì sao ba tôi nói Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm rồi. Ba tôi không nói cho tôi biết những đồng đội của ông là những người đã ngã xuống ở Hoàng Sa năm 1974. Và tôi cũng biết đến Hải chiến Trường Sa 1988. Chúng tôi học lịch sử từ cấp 1 nhưng chả ai dạy cho chúng tôi điều này cả. Và Google trở thành một ông thầy lớn, đáng tin cậy.

Sau này tôi mới biết bài “Nơi đảo xa” được nhạc sĩ Thế Song viết từ năm 1979 – trước vụ Hải chiến Trường Sa, và là bài hát được rất nhiều người lính Hải quân yêu thích. Và cũng từ Internet, tôi đã thấy hình ảnh những người lính Việt Nam đứng trên bãi đá ngầm Gạc Ma, tay không vũ khí, hứng chịu những loạt đạn của quân xâm lược Trung Quốc. Vì vậy mà sự kiện Gạc Ma năm 1988, có người gọi là Hải chiến Trường Sa, nhưng cũng có người gọi là thảm sát Gạc Ma. 64 trái tim đã ngừng đập, 64 người đã hòa máu của mình xuống biển. Có người đã viết thư cho vợ: “Anh sẽ xin xuất ngũ, về nhà chỉ để giữ nhà cho em…”. 64 người ấy, có ai ra trận chỉ vì muốn mình thành anh hùng không? Hay họ cũng như chúng tôi, khi cầm súng chỉ nghĩ về Tổ quốc?

Khi Tổ quốc còn là điều thiêng liêng, khi chúng ta chiến đấu không vì một thể chế chính trị mà vì lòng yêu nước thì Hoàng Sa – Trường Sa vẫn là đất nước của ta, mãi là đất nước của ta.

Ghi chú:

* Trích thơ Hoàng Trung Thông

** Dóng: đôi quang gánh, phương ngữ Quảng Nam.

Lan Phương, từ Sài Gòn


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn