(NCTG) “Trong mối tương quan với chính quyền và giới quan chức, người dân luôn có lý ở một mức độ nào đó với những cảm xúc của họ và chớ nên hơn-thua với dân trong việc này”.
Tấm ảnh đang gây cơn bão trên mạng của Don Emmert (AFP)
Chuyện một quan chức ngoại giao Việt Nam - bị “cư dân mạng” cho là một tiến sĩ thuộc Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc - ngủ gật trong khi diễn ra phiên thảo luận chung tại Đại Hội Đồng hôm 25-9 ở New York đang “nóng” trên các mạng xã hội, diễn đàn mạng..., và kéo theo nhiều lời bình phẩm, chê bai và cả những chỉ trích, công kích nặng nề, gay gắt, lắm khi quá đà.
Lý do đơn giản, là vì cảnh tượng đó đã được phóng viên Don Emmert của AFP chụp lại, “đấu giá” trên mạng, rồi xuất hiện đồng loạt trên nhiều tờ báo quốc tế “năm châu bốn bể”. Không ít người cho rằng đây là chuyện “thể diện dân tộc” bị xúc phạm, người khác “nâng quan điểm” lên thành “văn hóa nơi công cộng” của giới quan chức, vân vân và vân vân, và ai cũng có phần lý riêng của cá nhân đó.
Ngủ gật khi hội họp có thể coi là chuyện thường xảy ra, khi đại biểu quá mệt mỏi, khi nội dung họp hành quá tẻ nhạt, hoặc khi đương sự chả hiểu thiên hạ nói gì, v.v... Giới “phó nháy” cũng rất khoái chụp những cảnh này, vì nó thể hiện một cách hoạt kê một phản xạ tự nhiên, “con người” của chính khách, trong một môi trường thường được coi là trang nghiêm và đòi hỏi những hành xử quy chuẩn.
Tuy nhiên, điều đáng nói là không chỉ trên báo chí nước nhà, mà trong các thảo luận trên Liên mạng, rất nhiều ngụy biện mang tính bênh vực đã được nêu ra trong vụ này. Nào là cán bộ phải di chuyển nhiều, chênh thời gian mệt, ngủ là thường, phải thông cảm chứ? Nào là ngoại giao cũng nhọc xác lắm, đâu phải chơi bời tiêu khiển đâu, cần thể tất. Và nhất là Tây nó cũng ngủ đầy sao không nói?, v.v...
Vấn đề ở đây là, đối với một cá nhân đi chơi thì ngủ đâu và lúc nào là chuyện của họ, tất nhiên ngủ tư thế xấu nơi đông người có thể bị chê bai vài câu nhưng họ không đại diện cho quốc gia nào cả. Còn người thay mặt cho đất nước, dùng tiền dân (công quỹ) đi làm việc, cần và nên có cách hành xử phù hợp. Tây cũng ngủ gật, thì dân Tây họ sẽ chê cười nếu muốn, và thực tế là họ vẫn chê cười.
Còn ta ngủ gật thì đây là chuyện của ta, bị “bắt quả tang” thì dân “biết, bàn và kiểm tra”, họ ý kiến ý cò là hợp lý chứ sao? Chưa nói quan chức là người của công chúng, có chịu búa rìu dư luận chút cũng là sự thường, và cần phải chịu đựng. Không thì đi làm quan làm gì cho khổ thế? Và cũng chớ bỉ thử, coi sự chê trách chỉ là phản ứng u mê kiểu “bầy đàn” của “bọn vàng vẩu” như đâu đó trên mạng.
Trong mối tương quan với chính quyền và giới quan chức, người dân luôn có lý ở một mức độ nào đó với những cảm xúc của họ và chớ nên hơn-thua với dân trong việc này. Đặc biệt, nếu chính quyền phục vụ họ tử tế và họ cảm nhận được, thì có ngủ gật họ cũng mặc xác, đâu có sao? Trong trường hợp ngược lại, đương nhiên người dân sẽ bộc lộ quan điểm theo ý họ, làm sao trách họ được?
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...