KỲ THỊ - SỰ VÔ TRI VÀ VÔ NHÂN ĐÁNG XẤU HỔ CỦA LỊCH SỬ

Thứ sáu - 12/06/2020 07:43

(NCTG) “Nhiều khi thứ làm con người mình đẹp hơn nó nằm ngay trước mắt, đang diễn ra ở khắp nơi, đang được mọi người đồng thanh cất tiếng. Chỉ là mình có chịu mở lỗ nhĩ ra nghe không mà thôi”.

Một ông cụ thuộc tộc Maasai ở Kenya nhảy lên bên cạnh hình George Floyd với chữ “Haki” (Công bằng) - Ảnh: Brian Inganga

Một ông cụ thuộc tộc Maasai ở Kenya nhảy lên bên cạnh hình George Floyd với chữ “Haki” (Công bằng) - Ảnh: Brian Inganga

1. Theo dòng tin về cái chết của George Floyd, mọi người chuyền tay nhau một bài viết trên Facebook Việt Nam về sự “kỳ thị”, trong đó giải thích kỳ thị xuất phát từ nỗi sợ hãi sinh tồn kiểu “mình vs. họ”, và theo đó (có thể suy ra) việc xóa bỏ kỳ thị đồng nghĩa với vượt qua nỗi sợ đó.

Thật ra những lý thuyết kiểu này đã phổ biến từ lâu trong giới tâm lý học (psychology) và xã hội học (sociology).

Các chuyên gia tâm lý/ xã hội học thường hay giải thích những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự kỳ thị bao gồm: nỗi sợ bản năng (trước những thứ/ người khác lạ), ước muốn thuộc về (nhóm người quen thuộc với mình), mong muốn phóng chiếu khiếm khuyết của mình lên người khác (projection), mong muốn cảm thấy tốt đẹp về bản thân (cảm thấy mình cao hơn bằng cách hạ thấp người khác), cảm thấy bị đe dọa (integrated threat theory, lý thuyết về mối đe dọa tích hợp của Walter Stephan, bao gồm nỗi lo âu khi nhóm người giống mình giao du/ kết hôn/ có con với nhóm ngoài, v.v...).

Paul Bloom cho rằng định kiến (prejudice) vốn là một quá trình thiết yếu cho sự sinh tồn và tương tác với người khác, dù tất nhiên không phải lúc nào nó cũng đúng và nhiều khi gây ra hậu quả tai hại.

Thú thực tôi thấy những lý thuyết kiểu này khá là đơn giản hóa vấn đề (reductionistic), hầu như chỉ giải thích sự kỳ thị (discrimination) dừng lại ở nghĩa ban đầu, bắt nguồn từ gốc Latin discrimire, nghĩa là phân biệt. Nhưng chúng ta không sống trong lý thuyết, và chữ “kỳ thị” thời nay chúng ta đang dùng không chỉ có nghĩa là phân biệt “mình vs. họ” một cách bản năng, mà còn mang nặng tính lịch sử.

2. Thử lấy vài ví dụ cho rõ. Giả sử, nếu một anh da trắng bảo bọn da đen toàn bẩn, hôi, ngu v.v... thì chúng ta gọi là “kỳ thị”, nhưng nếu một anh da đen bảo, người da trắng trung lưu toàn là những cậu ấm cô chiêu ngạo mạn, v.v... thì chúng ta không coi là kỳ thị, hoặc chí ít ta không coi là hành động cần khiển trách. Tại sao?

Hoặc, giả sử một anh sếp bảo, phụ nữ chỉ biết son phấn là giỏi chứ chả có đầu óc làm việc lớn - chúng ta sẽ coi là kỳ thị. Tuy nhiên nếu một chị sếp bảo, đàn ông chỉ biết cắm mặt vào porn là giỏi chứ chả có đầu óc làm việc lớn - chúng ta sẽ không thấy kỳ thị lắm, chí ít là không đáng nhắc nhở, thậm chí các anh lại còn phì cười ra. Tại sao?

Chẳng phải hai người nói đều đang “tách biệt” giữa nhóm mình vs. nhóm kia, và đang gán tính từ hàm ý xấu cho nhóm kia sao? Tại sao một người đang kỳ thị còn người kia thì không?

Là bởi vì bên nào thuộc nhóm yếu thế trong lịch sử (historically disadvantaged) thì chúng ta mới coi là bên bị kỳ thị, ví dụ như người da đen, nữ giới, người Do Thái, người khuyết tật, người già v.v... Còn nhóm nào đã và vẫn giữ quyền lực/ lợi thế cao hơn, và trong lịch sử đã áp bức bách hại, đối xử bất công với nhóm còn lại, thì cho dù nhóm còn lại có định kiến xấu về họ, chúng ta vẫn không coi là kỳ thị. Tức là ý nghĩa của chữ “kỳ thị” bị chi phối rất nhiều bởi lịch sử.

3. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ hiểu tại sao một bộ phim Mỹ mà toàn diễn viên da đen thì không sao, nhưng nếu toàn diễn viên da trắng là bị “ném đá”. Hoặc một trường học toàn học sinh da đen thì không sao, nhưng nếu toàn học sinh da trắng là sẽ bị tẩy chay. Hoặc đầu vào đại học Mỹ thường hay áp dụng ưu tiên học sinh da đen bằng cách cộng điểm/ kéo dài thời gian làm bài thi v.v... (affirmative action). Hoặc các công ty Mỹ hay áp dụng hạn ngạch (quota) số lượng nhân viên nữ/ nhân viên da màu để buộc phải tuyển cho đủ số quota đó, qua đó thêm cơ hội việc làm cho các nhóm này.

Tất nhiên, cũng có một số người da trắng/ nam giới than thở như vậy là “kỳ thị ngược” (reverse discrimination), nhưng xã hội hiện đại nói chung, ít nhất là về luật pháp, không xem trọng mấy lời than thở đấy lắm. Bởi vì mục đích của những việc này, một là để bù đắp cho những hành động đối xử bất công mà nhóm yếu thế (hay cha mẹ tổ tiên họ) đã phải chịu trước đây, hai là để san bằng sân chơi cho họ.

San bằng sân chơi tức là thế này. Ví dụ anh A. da trắng được đi học thêm đầy đủ, không bị bắt nạt, cuộc sống thư thả, thế nên học giỏi làm bài thi 10 điểm. Trong khi đó anh B. da đen tố chất y như anh A. nhưng sinh vào nhà nghèo. Mà nhà anh nghèo là vì bố mẹ anh bị kỳ thị không kiếm được công việc lương cao, mà nhà không có tiền tích cóp đời trước vì ông bà anh vốn là nô lệ.

Thế là anh không đủ tiền học thêm, ở trường bị bắt nạt, tan học phải làm thêm, về nhà thì tối tăm, em nhỏ nheo nhóc không tập trung học bài được, thế nên làm bài chỉ được có 6 điểm. Anh B. tố chất y như anh A., nếu được cung cấp điều kiện học hành như anh A. thì cũng sẽ giỏi như anh A. Nhà trường thấy vậy bèn cộng thêm cho anh B 2 điểm và tuyển đầu vào từ 8 điểm, vậy là cả hai anh đều vào trường để được đào tạo thành nghề.

4. Cần giải thích cặn kẽ như vậy là vì dạo nọ có nhiều học sinh Việt Nam la lối vụ cộng điểm cho học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, con cái thương binh v.v... dựa trên lý luận rằng điểm xét đầu vào đại học là một cái “chuẩn”, và ai “đủ chuẩn” thì mới đáng được vào (mấy người này còn hay nghĩ ai “không đủ chuẩn” là “ngu” hơn họ).

Rồi, để xem nhé! Thứ nhất là sự “đủ chuẩn” (qualified) không phải chỉ là “điểm test đủ cao”, mà bây giờ đã được mở rộng ra thành “đủ chuẩn để đào tạo tiếp” (qualified to be trained), tức là nếu nhà trường cho rằng học sinh 6 điểm nọ có đủ khả-năng-tiếp-thu chương trình đào tạo của trường ngang bằng học sinh 10 điểm, thì họ có thể cộng thêm 2 điểm như trên. Khả-năng-tiếp-thu này là dựa trên tố chất học sinh theo đánh giá của trường, chứ không phải số điểm bài test. Như ví dụ trên, không phải ai được cộng điểm thì “ngu” hơn người không được cộng điểm.

Thứ hai là cách-thức san bằng sân chơi có thể còn nhiều thiếu sót, ví dụ như cộng điểm/ ưu tiên quá trớn - và chúng ta có thể tranh cãi về điều đó - nhưng bản thân hành-động san bằng sân chơi là cần thiết. Ai phủ nhận điều đó là chưa nhận ra mình thực sự đang được hưởng nhiều đặc quyền đến thế nào.

5. Quay lại chuyện kỳ thị. Bởi vì kỳ thị mang nặng tính lịch sử, nên những ai có hành động kỳ thị, một là vô tri với lịch sử (nếu một anh da trắng kỳ thị người da đen, nghĩa là anh không biết xấu hổ trước sự thật là hàng thế hệ người da trắng đã áp bức bách hại người da đen), hai là vô nhân (thiếu cảm thông với những thế hệ người da đen đã và đang chịu nhiều bất công). Chúng ta xóa bỏ sự kỳ thị, bởi vì nó gắn liền với sự vô tri và vô nhân đáng xấu hổ trong lịch sử nhân loại.

Thế còn nỗi sợ hãi bầy đàn như kia có còn không? Nỗi sợ đe dọa và định kiến vốn gắn liền với bản năng sinh tồn, nên khả năng là nó sẽ luôn tồn tại trong mỗi người, có thể bớt đi ít nhiều so với ngày xưa, nhưng thể nào cũng còn.

Chúng ta sẽ còn tiếp tục định kiến người dân tộc thiểu số có màu da như bìu dái, học ngu, ở dơ... Chúng ta sẽ còn tiếp tục định kiến con gái bị hãm hiếp là do mặc váy ngắn tự mời gọi, hoặc là quả báo từ tiền kiếp nói chung đáng lắm... con gái nào bị tung clip sex là phải khóc lóc xin lỗi quảng đại quần chúng nhân dân mười năm sau nhân dân vẫn không tha nếu muốn thoát khỏi miệng đời cười nhạo khiếm nhã thì chỉ có nước tự tử còn con trai thì không sao vô tư...

Chúng ta sẽ còn tiếp tục xem người khuyết tật là quân vô dụng, ăn bám xã hội... Chúng ta sẽ còn có nhiều thành kiến tồi tệ hủ lậu xong mỗi lần nghe chữ “kỳ thị” đều cho là chuyện đó xảy ra ở đâu đâu Mỹ quốc chả liên quan gì tới mình, à phải rồi ngoại trừ kỳ thị vùng miền tức là miền Bắc ăn rất nhiều rau muống thế là cơ thể giàu vitamin lắm.

Chúng ta không thể triệt tiêu hoàn toàn những nỗi sợ/ định kiến mang tính bản năng, nhưng chúng ta có thể giảm bớt nó, bằng cách mở rộng lòng nhân và tri thức của mình ra một chút, để đón nhận những giá trị văn minh tiến bộ hơn, mà người ta đã phải mất cả thế kỷ và vô số sinh mạng để tranh đấu.

Nhiều khi thứ làm con người mình đẹp hơn nó nằm ngay trước mắt, đang diễn ra ở khắp nơi, đang được mọi người đồng thanh cất tiếng. Chỉ là mình có chịu mở lỗ nhĩ ra nghe không mà thôi.

Phan Lặng Yên


 
 Từ khóa: kỳ thị, George Floyd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn