Dạo này thấy nhiều người
bàn về sự kỳ thị, và lên án những thói xấu của một số người Việt như gọi người khác màu da, khác chủng tộc là “
mọi”, là “
rệp”, v.v… Những cách dùng từ mang tính chất nhục mạ như thế thì đúng là kỳ thị, không có gì để bàn cãi.
Nhưng - vẫn chữ “
nhưng” đáng ghét - có ai có thể nhận ra sự kỳ thị ẩn chứa ngay cả trong những lời hay ý đẹp, hoặc những thiện chí? Có ai nghĩ rằng con người ta vẫn có thể kỳ thị một cách vô ý thức, hoặc ngay cả khi họ tin là bản thân đạo đức sáng ngời ngời, không có lấy một mảnh xương kỳ thị nào trong người?
Micro-aggression (tạm dịch: “
ác ngầm”) là từ được GS. Chester M. Pierce (Đại học Harvard) đặt ra để chỉ sự kỳ thị ngấm ngầm mà người Mỹ da đen phải chịu đựng, qua những lời nói, cử chỉ mà sự kỳ thị được che đậy rất khéo léo và tinh tế.
Sự kỳ thị này gây rất nhiều khó chịu cho nạn nhân, vì tuy là họ cảm giác được nó, nhưng họ không phản đối hay lên tiếng gì được vì kẻ kỳ thị trên bề mặt có vẻ không hay biết là họ kỳ thị, hoặc kẻ kỳ thị trông có vẻ đầy thiện chí với nạn nhân.
Đây là một ví dụ về sự kỳ thị qua cái ác ngầm:
Năm 2007, trong cuộc đua tranh cử trong Đảng Dân chủ cho ứng cử viên tổng thống, Thượng Nghị sĩ Joe Biden đã nói như thế này về Thượng Nghĩ sĩ Obama, đối thủ của mình: “
Ý của tôi là lần đầu tiên, chúng ta có một chính trị gia người Mỹ da màu mà nói năng lưu loát, thông minh, sạch sẽ và khá là đẹp trai”.
Câu nói này của Biden đã dấy lên một làn sóng phản đối mà sau đó ông đã phải xin lỗi, nói rằng mình không có ý xúc phạm Obama.
Ô hay, Joe Biden khen Obama rõ ràng mà, có xúc phạm gì đâu?
Trên bề mặt, đúng là lời khen. Nhưng ẩn sâu dưới lời khen đó, vô ý hoặc hữu ý, là định kiến cho rằng người Mỹ da đen nếu không phải là tất cả, thì cũng đa số, nói năng lung tung, không được thông minh, không được sạch sẽ, và không được đẹp trai cho lắm.
Đây chính là một sự kỳ thị. Không ai nghĩ đến việc khen một người Mỹ da trắng hùng biện, thông minh, sạch sẽ hay đẹp trai, vì đó là điều tất nhiên.
Bạn đã nhận ra sự ác ngầm này chưa?
Một số ví dụ khác về cái ác ngầm, về cái kỳ thị ngấm ngầm (và không chỉ giới hạn ở màu da):
- Một người Á châu ở Mỹ, sau buổi thuyết trình trong lớp học, được các bạn khen: “
Ô mày nói tiếng Anh hay quá!”.
- Một người phụ nữ đang đi bộ trên phố, khi băng ngang qua một người đàn ông da đen hay Mỹ - La Tinh thì cô ấy bỗng dưng giữ chặt chiếc ví lại.
- Hoặc khen một người nào đó: “
Thằng ABC người Huế nhưng mà nó rộng rãi lắm!”.
Sau khi thực hiện các hành vi kỳ thị ngầm này, nếu bị chất vấn, thì lời bào chữa của những “
thủ phạm” hay là “
Tôi có thiện chí mà” hay “
Tôi không hề có ý xúc phạm…”. Nhưng dù có ý hay vô ý, ảnh hưởng của những hành vi này lên những kẻ bị kỳ thị là có thật, và mức độ tổn thương nặng nhẹ là tùy ở sự phán xét của nạn nhân.
Cuộc sống quá khó, phải không?
Như đã nói, mình không đặt quá nặng vấn đề kỳ thị và hoàn toàn không có ý giảng đạo đức, bảo người khác phải sống như thế này hay thế kia. Nhưng nếu đã bàn về chuyện kỳ thị thì đừng nên chỉ chú ý vào những sự kiện rõ ràng trên bề mặt.
Lắm khi chúng ta kỳ thị kẻ khác mà mình không hề hay biết, hoặc gây tổn thương cho họ và vẫn nghĩ ta đây đạo đức sáng ngời ngời.