(NCTG) “Ông ở yên đây nhé, tôi xuống dấp nước cái khăn đắp cho khỏi ngạt”, đó là lời cuối tôi nói với chồng. Khói cay mịt mù. Tôi vừa mò lên thì bất ngờ bị khoá tay, lôi đi. Trở về chỉ thấy máu đầy phòng. Tan cửa nát nhà. Thấy thanh cửa này nó nhô ra không? Một viên đạn bị kẹt trong ấy”.
Ông Lê Đình Kình (1936-2020), người đảng viên gần 60 tuổi đảng, cùng vợ, bà Dư Thị Thành
1.“Đến cuối đời, chồng tôi vẫn tin vào Đảng” là tựa đề bài viết trên “Luật Khoa Tạp Chí” ngày -9, một ngày trước khi phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm được mở tại Tòa án Nhân dân Hà Nội. Bị cáo buộc “đổ xăng thiêu chết 3 chiến sĩ công an” và do đó, bị truy tố về tội giết người, 25 bị can đang phải đối mặt với mức án khắc nghiệt mà rất có thể đã được định sẵn, “bỏ túi”.
Đã có không biết bao nhiêu bài viết công phu, rọi sáng từ nhiều khía cạnh của câu chuyên hết sức đau thương và bi thảm này - trong đó, đặc biệt xuất sắc là phân tích của Giáo sư Viện sĩ Hoàng Xuân Phú trong bài “Tội ác Đồng Tâm”. Nhưng với mình, những lời được ghi lại của bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, và chị Lê Thị Thoa, con gái thứ tư của ông bà lại ám ảnh và bi thương hơn cả.
2. Mình đọc mãi những dòng sau:
“Những đồ này, hồi còn sống, ông quý lắm”, bà Thành nhìn lên chỗ treo huân chương, nói. “Ông ấy từng được huy hiệu 55 năm tuổi Đảng đấy”.
“Tôi đẩy ông lên xã họp, rồi ngồi chờ về. Hết người này đến người kia lên nói làm tôi sốt hết cả ruột, không biết bao giờ mới xong. Mà có phải người ta giữ nguyên tắc gì cho cam, người này đang phát biểu, người kia thích thì ra đầu hè nói chuyện. Như họp chợ vậy. Có ông nhà tôi và vài người nữa quán triệt từ đầu tới cuối. Tôi nhớ ông ấy đề xuất điểm danh để chỉnh đốn họp chi bộ cho có quy tắc.
Về nhà, bực mình quá nên tôi nói, thôi ông ơi, họp đảng thế này thì lần sau đừng đi nữa, cả buổi ngồi đấy không được gì, già cả sức yếu ở nhà nghỉ thì hơn. Thế là ông mắng tôi một trận: “Sao bà lại nói thế? Ai không nghiêm túc thì kệ. Tôi phải đàng hoàng, gương mẫu”.
Đụng tới đảng của ông ấy mà nói chuyện không khéo, bị ăn mắng đấy. Thế nên từ đó bảo đưa đi họp thì tôi đưa đi, chả dám bàn ra”.
“Tôi đã không gần gũi với bố lúc ông còn sống. Trong mấy anh chị em, tôi là đứa thường có quan điểm khác với bố. Tôi không ngồi lâu được với ông, mới vài câu thôi hai bố con đã cãi nhau. Bố tuyệt đối tin vào Đảng Cộng sản, tin ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi can, bố ơi, quan chức giờ tham nhũng nhiều lắm. Bố quát, đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, là bọn cấp dưới bao che, bôi nhọ Đảng”.
“Hồi ông nằm viện năm 2017, tiền người ta vào thăm biếu ông, ông gửi cho một chị công an giữ hộ. Cái gì cũng “thằng Chung đã nói”, “mấy đứa trên thành phố nó hứa với tôi rồi”, “phải chi tới được tai ông Trọng thì Đảng mới trong sạch”. Tôi tức lắm, chẳng thèm nói nữa, kệ lý tưởng của ông cụ”.
“Lúc làm cán bộ, bố nó chỉ biết công việc làng xã, vợ con khổ cực cũng chẳng hay. Vừa nghỉ hưu là ông ấy cả ngày đi vỡ ruộng. Chắc để làm bù mấy năm không biết lo cho gia đình. Người làng đi ngang réo lên: ối ông Kình ơi, ông Kình, làm cán bộ mà suốt ngày cắm mặt xuống đất thế này à”.
“Người ta bảo làm quan thì nhiều đất. Bố tôi qua nhiều chức vụ cao nhất trong xã, nhưng lúc ông về hưu, nhà tôi chả có mảnh ruộng. Tôi còn nhớ, bố mẹ tôi phải tới mấy chỗ đất bỏ hoang, làng chả ai thèm ngó đến. Ngày ngày từ tờ mờ sớm đến chiều muộn, hì hục dọn cỏ, cuốc đất, đào mương, đắp bờ, cấy lúa. Đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức đến lúc thành ruộng ngon lành thì bị bắt sung hết cho xã. Thấy có vô lý không? Nhưng tôi chưa từng nghe bố có một lời trách Đảng, chửi chế độ. Ông ấy chỉ hay mắng tôi thôi”.
3.Cáo trạng mà báo quốc doanh trích đăng, nói như sau về tội trạng của ông Lê Đình Kình: “Khi cảnh sát tiến vào trong nhà ở Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình cầm trên tay 1 quả lựu đạn và hô: “Tao cho nổ, chúng mày chết”. Do đó, Tổ công tác đã nổ súng 2 lần khiến ông Kình bị thương và tử vong sau đó”.
Hôm nay, một người bạn mình, khi nhắc về chuyện này, có nói rằng trong vụ Đồng Tâm, thấy nhiều nguồn tin, không biết tin vào đâu? Mình không nói ra, nhưng thật sự, có những trường hợp, bất chấp mọi nguyên tắc của người làm báo mà bao giờ mình cũng tuân thủ, trong sâu thẳm, về mặt cá nhân, mình bắt buộc phải tin vào “phe nước mắt”:
“Mong đợi gì ở phiên toà? Tôi muốn được gặp con cháu tôi. Tôi muốn người ta làm giấy khai tử cho chồng tôi. Ông ấy đã vào đất hơn tám tháng, mà vẫn không có giấy khai tử. Cán bộ xã bắt tôi ghi lý do ông chết: chết ở nhà. Không. Không đúng. Ông Lê Đình Kình bị bắn chết tại nhà. Một viên đạn gần tim. Hai viên cắm vào đầu. Đầu gối chân trái đứt lìa. Bố của các con tôi đã bị giết như vậy. Vết máu còn ở trong phòng sao người ta nỡ nói dối.
Đây, vết máu ấy đây. Nó bám kỹ quá, tôi lau không trôi.
“Ông ở yên đây nhé, tôi xuống dấp nước cái khăn đắp cho khỏi ngạt”, đó là lời cuối tôi nói với chồng. Khói cay mịt mù. Tôi vừa mò lên thì bất ngờ bị khoá tay, lôi đi. Trở về chỉ thấy máu đầy phòng. Tan cửa nát nhà. Thấy thanh cửa này nó nhô ra không? Một viên đạn bị kẹt trong ấy”.
Và mình nghĩ rằng, trong vụ Đồng Tâm, bất cứ ai còn chút lương tri đều mang một viên đạn trong lòng...
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...