HÀ NỘI, KHÔNG PHẢI HÀ NỘI MÀ LẠI LÀ HÀ NỘI!

Thứ tư - 27/01/2021 20:57

(NCTG) “Vô tình tìm ra nhiều tác giả có tác phẩm tạm gọi là “đỉnh cao” về Hà Nội thì lại không phải người Hà Nội mới đau chứ. Tôi buồn tê tái...”.

Nhà báo Vĩnh Quyên, một người Hà Nội - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhà báo Vĩnh Quyên, một người Hà Nội - Ảnh do nhân vật cung cấp

Gần đây, trên một diễn đàn của người Hà Nội, nhiều thành viên tranh luận bất tận về cái gọi là “người Hà Nội”, người Hà Nội các loại “gốc gác”, “hào hoa” và “phong nhã”. Cuộc thảo luận nhiều lúc nẩy lửa mà xem ra mãi vẫn không có hồi kết vì không tìm được điểm chung cho khái niệm “người Hà Nội”.

Chiều nay, đi phi-dê chuẩn bị cho Tết nhất, ngồi bốn tiếng nhàn rỗi nghe và xem lại một số tác phẩm văn học nghệ thuật về Hà Nội thì thấy có chuyện:

Về nhạc:

1. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết ca khúc nổi tiếng “Người Hà Nội” sinh ở Lào.

2. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết “Nhớ mùa thu Hà Nội” sinh ở Buôn Mê Thuột.

3. Nhạc sĩ Phan Nhân viết “Hà Nội niềm tin và hy vọng” sinh ở An Giang.

4. Nhạc sĩ Văn Ký viết “Trời Hà Nội xanh” sinh ở Ninh Bình.

5. Nhạc sĩ Văn Cao viết “Tiến quân ca” quê Hải Phòng. 

7. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết “Nhớ về Hà Nội” sinh ở Long Xuyên. 

8. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc viết “Có phải em mùa thu Hà Nội” sinh ở Quảng Trị (phần lời của nhà thơ Tô Như Châu sinh ở Đà Nẵng). 

9. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường viết “Nồng nàn Hà Nội” quê Thái Bình.

10. Nhạc sĩ Hồng Đăng viết “Hoa sữa” quê Nghệ An.

11. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết “Gửi người em gái miền Nam” sinh ở Hải Dương.

 
Phát hiện về Hà Nội khiến tác giả “buồn tê tái” - Ảnh do nhân vật cung cấp
Phát hiện về Hà Nội khiến tác giả “buồn tê tái” - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đấy là nhạc. Còn văn xuôi, thơ và điện ảnh thì sơ sơ:

1. Nhà văn Trọng Lang viết “Hà Nội lầm than” sinh ở Hà Tây.

2. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết “Lũy hoa”, “Sống mãi với Thủ đô” quê Bắc Ninh.

3. Nhà văn Chu Thiên viết “ Bóng nước Hồ Gươm” quê Hưng Yên.

4. Nhà văn Chu Lai viết “Phố” sinh Hưng Yên.

5. Nhà văn Băng Sơn viết “Hà Nội 36 phố phường” sinh ở Hải Dương

6. Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết “Tôi và chúng ta” sinh ra ở Phú Thọ.

7. Ba tác giả của ba bài thơ cổ về hồ Hoàn Kiếm đều không sinh ra ở Hà nội. Cụ Đinh Liệt sinh ở Thanh Hóa, Đoàn Nguyễn Tuấn sinh ở Thái Bình, Phạm Quý Thích sinh ở Hải Dương.

8. Nhà thơ Tố Hữu, tác giả bài “Lại về” sinh ở Huế.

9. Nhà thơ Chính Hữu, tác giả của “Ngày về” (Hà Nội) sinh ở Nghệ An.

10. Nhà thơ Phan Vũ viết trường ca “Hà Nội phố” sinh ra ở Hải Phòng.

11. Nhà thơ Doãn Thanh Tùng viết “Hà Nội ngày trở về” sinh ở Hải Phòng.

12. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi trú đông” sinh ở Nam Định.

13. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả của bài thơ “Hà Nội” sinh ở Hải Dương.

14. Đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” sinh ở Nam Định.

15. Đạo diễn Đặng Nhật Minh, tác giả bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 1947”, “Mùa ổi” sinh ở Huế.

16. Đạo diễn Hải Ninh, tác giả “Em bé Hà Nội” sinh ở Huế.​


Đấy mới là xem qua, còn xem kỹ thì con số còn nhiều nữa, có thể kéo dài đến... vô tận!

Việc vô tình tìm ra nhiều tác giả có tác phẩm tạm gọi là “đỉnh cao” về Hà Nội thì lại không phải người Hà Nội mới đau chứ. Tôi buồn tê tái đến mức đứng lên quên cả trả tiền cho anh thợ làm đầu...

Bài và ảnh: Vĩnh Quyên, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Hà Nội
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn