(NCTG) Tổng thống đắc cử Joe Biden của Đảng Dân chủ sẽ gặp khó khăn khi thực hiện một trong những lời hứa tranh cử quan trọng nhất của ông: tạo dựng sự thống nhất.
Ngôi đền của nền dân chủ Mỹ vừa trải qua một thử thách lớn - Ảnh: Jon Cherry
Xã hội Mỹ đang bị chia rẽ mạnh mẽ ở tầm của các giai tầng tinh hoa và định chế, và còn cả ở tầm văn hóa và văn minh, theo nhận định của ông Csizmazia Gábor, một chuyên gia nghiên cứu về Hoa Kỳ với mạng index.hu.
“Đoàn kết dân tộc” - câu thần chú chính trị từng được sử dụng đến cùng cực ở Hungary, nay đang chinh phục Hoa Kỳ. Sự thống nhất một xã hội Mỹ đã bị chia rẽ nặng nề cũng là một chủ đề được lặp đi lặp lại tại lễ tuyên thệ của Joe Biden vào thứ Tư 20-1.
Ngay từ chiến dịch tranh cử năm ngoái, tổng thống mới nhậm chức hôm qua đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của những căng thẳng nội bộ, đã trở thành nhiệm vụ cấp bách thời gian cuối của kỳ bầu cử. Có lẽ cũng vì điều này mà bầu không khí của buổi lễ nhậm chức quy mô lớn, được bổ sung thêm các yếu tố mang tính trình diễn, có phần mờ nhạt hơn so với bình thường.
Cuộc tấn công Điện Capitol ngày 6-1 của những kẻ ủng hộ Donald Trump một cách cực đoan đã khiến chừng 25 nghìn quân nhân của lực lượng Vệ binh Quốc gia phải giữ trật tự ở thủ đô, và lễ tuyên thệ chỉ có 2.000 người tham dự thay vài triệu người như thường lệ, một phần là do dịch bệnh.
“Đảng Dân chủ sở dĩ đề cử Joe Biden vì họ nhìn thấy ở ông một chính trị gia có thể đại diện cho ý tưởng thống nhất. Tuy nhiên, đằng sau Biden, một liên minh cầu vồng đã xuất hiện từ các nhóm khác nhau của Đảng Dân chủ. Vì vậy, dù ông có nói gì đi nữa, Biden cũng phải đối mặt với sự chia rẽ ngay trong nhóm của mình”, theo đánh giá của ông Csizmazia Gábor từ Viện Nghiên cứu Mỹ học (Đại học Hành chính Quốc gia Hungary).
Theo chuyên gia này, ở cấp độ giai tầng lớp tinh hoa, đã xuất hiện nhiều hiện tượng cản trở sự đoàn kết. “Nhóm theo xu hướng xã hội của phe cánh tả Đảng Dân chủ quan tâm đến việc đồng nhất những kẻ chống đối cực đoan với tất cả cử tri bỏ phiếu cho vị tổng thống mãn nhiệm.
Điều này có nghĩa là khoảng 74 triệu cử tri sẽ được đánh giá trên cơ sở một nhóm chừng 5.000 người”, theo ông Csizmazia Gábor. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer muốn đưa những kẻ đột nhập Điện Capitol vào danh sách đen của các hãng hàng không, và ông đã yêu cầu như vậy với Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Nhưng không chỉ ở cấp độ giới tinh hoa chính trị, mà những tiếng nói khó hòa giải còn vang lên ở cấp độ truyền thông. Ví dụ, Max Boot, ký giả tờ “Washington Post” gần đây đã gợi ý rằng cấm tài khoản Twitter của Donald Trump là chưa đủ, mà chính quyền Biden còn nên cho đóng cửa tòa soạn báo cánh hữu “Fox News”.
Tuần trước, một thành viên của Đại học New York (New York University) cho rằng sự nổi lên của cộng đồng người da màu và La Tinh ủng hộ Trump cần được diễn giải theo nghĩa “da trắng đa chủng tộc” (multiracial whiteness). Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là ngay cả khi một cử tri của Trump thuộc một sắc tộc thiểu số, người đó vẫn được coi là da trắng.
Cố nhiên, bài báo cũng xuất hiện trên tờ “Washington Post” này đã khuấy lên một vụ bê bối lớn. Nhưng sự tổ chức lễ tuyên thệ và nhậm chức của Joe Biden cũng diễn ra trên tinh thần chia rẽ xã hội.
Chẳng hạn, trong một chương trình của mình, kênh tin tức MSNBC đã đề cập đến việc đại đa số các quân nhân thuộc Vệ binh Quốc gia là da trắng, hoặc đa phần là giới cử tri bỏ phiếu cho Biden. Vì vậy, rất cần phải đặt dấu hỏi cho sự trung thành của các lực lượng chịu trách nhiệm về an ninh.
Trong bối cảnh đó, FBI cũng sàng lọc một số binh lính được triển khai. Tất nhiên, những sự kiện này không mang lại ảnh hưởng tốt cho sự thống nhất xã hội.
Trả lời câu hỏi của mạng index.hu, ông Csizmazia Gábor cho biết chính quyền Biden sẽ không trừng phạt các cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump, tuy nhiên, cuộc bao vây Điện Capitol dự kiến sẽ vẫn là một điểm tham chiếu trong chính sách của chính phủ mới trong một thời gian dài. Các vấn đề cố hữu như thắt chặt việc kiểm soát vũ khí cũng có thể là nguồn gốc xung đột phát sinh trong bối cảnh này.
Điều phức tạp đối với Joe Biden là sự phân hóa không chỉ xuất hiện trong giới tinh hoa xã hội, mà còn liên quan đến các định chế, hệ thống bầu cử, và thậm chí ở cấp độ văn hóa và văn minh.
“Trước đây, cũng đã có một cuộc tranh luận ở Hungary về việc ai có thể đeo korkárda (một biểu tương dân tộc, ra đời trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Hungary năm 1848 - ND). Tại Hoa Kỳ, tình hình nghiêm trọng hơn nhiều, với cuộc tranh luận về sự tồn tại của các giá trị cơ bản và các ngày quốc lễ”.
Một yếu tố quan trọng của việc này là loạt bài đăng trên tờ “Thời báo New York” (The New York Times), được gọi là Dự án 1619 (1619 Project). Được chỉ đạo bởi ký giả Nikole Hannah-Jones, các tác giả cho rằng việc thành lập Hoa Kỳ không thực sự gắn liền với “Tuyên ngôn Độc lập” thông qua vào ngày 4-7-1776, mà cần gắn nó với những nô lệ Châu Phi đầu tiên vào năm 1619.
Để chống lại sự bạo hành của cảnh sát, thông điệp của dự án này - vốn được dẫn dắt bởi lý tưởng của phong trào “Black Lives Matter” (Người da màu cũng đáng được sống) đứng về phía người Mỹ da màu - là sự phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ là có hệ thống, có thể bắt nguồn từ quá trình hình thành đất nước.
Để đáp lại những quan điểm theo chủ nghĩa xét lại đó, Tổng thống Donald Trump đã chỉ định một ủy ban để công bố quan điểm của Đảng Cộng hòa trong cuộc chiến văn hóa này. Nhà nghiên cứu Csizmazia Gábor cho biết, một báo cáo dài 45 trang với tựa “1776 Report” đã được công bố ngày 18-1, tức vài ngày trước khi Joe Biden nhậm chức, nhưng tài liệu này không khiến công chúng quá để tâm.
Nguyễn Hoàng Linh dịch từ nguyên bản tiếng Hungary
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...