(NCTG) Sau các thành phố lớn khác ở Châu Âu, thủ đô của Hungary cũng góp phần vào phong trào “Black Lives Matter” (Người da màu cũng đáng được sống) với cuộc biểu tình với sự tham gia của hơn một ngàn người tại Quảng trường Tự do ở trung tâm thành phố, đối diện tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Quảng trường Tự do, Budapest, chiều 7-6-2020 - Ảnh: Trencsényi Ádám (index.hu)
Hầu như tất cả các “tham dự viên” của cuộc biểu tình ôn hòa này đều đeo khẩu trang, theo mô tả của truyền thông Hung. Cảnh sát có mặt rất đông nhưng không can thiệp. Đầu sự kiện này, người xuống đường giương cao các biểu ngữ “Black Lives Matter” khi G-Ras, ca sĩ Reggae đồng thời là nhà hoạt động xã hội có bài phát biểu mở đầu song ngữ Hung - Anh:
“Sở dĩ chúng ta tập trung ở đây để chống lại sự phân biệt chủng tộc. Kẻ thù của chúng ta không phải là những người bất đồng chính kiến, không phải là những lãnh đạo khác chính kiến, mà chính là tính cách của con người, là cái hệ thống nơi chúng ta sống, do chúng ta tạo dựng lên. Nếu muốn sống trong thế giới tốt hơn, cần thay đổi cần cội rễ cách chúng ta sống...
Ở tầm toàn cầu, chúng ta cần chấm dứt sự bóc lột, sự hằn thù chủng tộc, sự đau khổ như Martin Luther King từng nói: không ai được phép, chừng nào tất cả chưa được phép. Chúng ta cần đồng cảm với nỗi đau của những người khác chúng ta, chỉ với sức mạnh của tình thương chúng ta mới có thể mang lại sự thay đổi”, ca sĩ G-Ras phát biểu và được vỗ tay vang dội.
Tiếp đó, các cô gái trẻ đọc những đoạn văn tiếng Anh về hòa bình, một nhà hoạt động Mỹ đen kêu gọi cả thể giới hãy đứng lên phản đối sự bất công. Sau các phát biểu và phần nhạc, tất cả đoàn biểu tình quỳ gối trong vòng 8 phút 46 giây để tưởng nhớ cái chết đau đớn của George Floyd, một người da đen qua đời sau khi bị một cảnh sát da trắng chẹn đầu gối lên cổ.
Nhiều ý kiến phản đối sự phân biệt đối xử đối với sắc dân Tzigane ở Hungary, một cộng đồng mà sự nghèo đói và kỳ thị đã để lại những hậu quả hằn sâu qua nhiều thế hệ, theo phát biểu của TS. Both Emőke. Bà kêu gọi cử tọa hãy nhận rõ những khó khăn vô hình mà người Tzigane phải chịu, nhưng hãy nhìn vào nguyên nhân, đừng chỉ quan tâm tới những biểu hiện.
Gibril Deen, một người Phi sinh sống tại Hungary từ thập niên 70, hiện là Chủ tịch Tổ chức Nhân quyền Mahatma Gandi, cùng Hanti Vilmos, Chủ tịch Liên minh Những người Phản kháng và Chống phát-xít Hungary nói lời cảm ơn tất cả những người đã tới tham dự để phản đối sự phân biệt chủng tộc. Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng ra thông cáo ủng hộ những người biểu tình.
Thông cáo nói, tòa đại sứ Mỹ cùng chung một tâm niệm với thông điệp của cuộc biểu tình, rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không có chỗ trên thế giới này. Đáng chú ý là theo tờ “Mérce”, có ba nhân vật “phản biểu tình” vác biểu ngữ “European lives matter” (Người Châu Âu cũng đáng được sống) tới dự, nhưng nhanh chóng, họ đã bị cảnh sát đưa khỏi hiện trường.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...