Tuy nhiên, nhiều khả năng là người Thụy Sĩ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này trong một cuộc trưng cầu dân ý. Bởi lẽ, đảng EDU theo xu hướng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa, mặc dù chỉ có một đại diện trong Quốc hội, vẫn dự định đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này.
Cho đến nay, lựa chọn duy nhất của các cặp đồng giới sống ở Thụy Sĩ là mối quan hệ bạn đời có đăng ký (đăng ký chung sống), nhưng điều này không đảm bảo cho họ quyền nhập tịch và nhận con nuôi như các cặp dị tính. Luật cũng cho phép các cặp đồng tính nữ sử dụng người hiến tinh trùng để thụ tinh nhân tạo.
Nhiều nhà tranh đấu và bảo vệ nhân quyền ở Thụy Sĩ ca ngợi việc thông qua điều luật - vốn được đàm phán từ năm 2013 - là một chiến thắng mang tầm lịch sử cho quyền của cộng đồng những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI).
Các tổ chức bảo vệ quyền của người đồng tính Thụy Sĩ thông báo họ đang chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý. Matthias Erhardt, Phó Chủ tịch “Ủy ban Hôn nhân cho Tất cả”, phát biểu vào đầu tháng 12-2020 rằng 82% dân số Thụy Sĩ ủng hộ quyết định này.
Tại đa số các nước Tây Âu, khả năng hôn nhân đồng giới đã được hợp pháp hóa. Ngược lại, một số quốc gia Trung Âu - trong đó có Ba Lan, Hungary và Ukraine, hay 2 quốc gia vùng biển Baltic là Lithuania và Latvia - đã loại trừ khả năng hôn nhân đồng giới ngay trong Hiến pháp.
Riêng đối với Hungary, bản Hiến pháp do các dân biểu liên minh cầm quyền cánh hữu thông qua vào mùa Phục sinh 2011 định nghĩa hôn nhân chỉ được diễn ra giữa nam và nữ, và coi đây là việc bảo vệ những giá trị gia đình truyền thống, và do đó Đạo luật Dân sự (2013) cũng có quy định tương tự.
Gần đây nhất, trong lần sửa đổi Hiến pháp thứ 9 cũng bị một bộ phận công luận phản đối và thậm chí chế giễu, các điều khoản bổ sung được Quốc hội Hungary đưa vào Hiến pháp quy định rằng trong gia đình “bố phải là đàn ông, mẹ phải là phụ nữ”, và cấm thay đổi giới tính ban đầu khi chào đời.