Đức Giáo hoàng Phanxicô: CẦN “AN ỦI NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT ĐAU KHỔ”
Thứ bảy - 26/12/2020 01:04
(NCTG) “Chúa Giêsu Giáng sinh là “sự mới mẻ” giúp chúng ta được tái sinh mỗi năm và tìm thấy nơi Ngài sức mạnh cần thiết để đối mặt với mọi thử thách” - Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giải ý nghĩa của Lễ Giáng sinh trong buổi Thánh lễ được cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô, Vatican tối hôm qua 24-12.
Thánh lễ đêm Giáng sinh tại Đại vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Vatican ngày 24-12-2020 - Ảnh: Striner (Vatican Media/ AFP)
Thánh lễ Vọng Giáng sinh từ 8 năm nay - tức là từ khi Đức Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo hoàng năm 2013 - được diễn ra vào hồi 21h30 tối. Nhưng trong năm nay, vì lý do dịch bệnh và do đó, chính quyền Ý ra biện pháp giới nghiêm từ 22h trở đi, do đó Thánh lễ đêm Giáng sinh được cử hành sớm hơn 2h, trước một cộng đoàn chỉ chừng 200 tín hữu (trong đó có khoảng 50 nhân viên của Giáo hội), so với con số 7-10 ngàn như thường lệ.
Ngoại trừ Đức Giáo hoàng và dàn đồng ca, tất cả mọi người khác đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn hơn 1m. Sự kiện lớn này được truyền trực tiếp bằng nhiều thứ tiếng trên các kênh truyền hình và mạng Internet, cả thế giới có thể chứng kiến một Thánh lễ Giáng sinh hết sức đặc biệt. Quảng trường Thánh Phêrô không bị đóng, nhưng cũng chỉ cư dân sống gần Tòa Thánh có thể đi dạo tới đây để chụp tấm ảnh kỷ niệm.
Cảnh tượng rất giống như hồi mùa xuân, trong giai đoạn đầu tiên của đại dịch Covid-19, khi Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng đặc biệt ngày thứ Sáu 27-3 trước mùa Phục sinh đã dùng những hình ảnh ẩn dụ “chiều đã xuống”, “những bóng đen dày đặc” và “bão tố hung bạo vùi dập” để ám chỉ dịch bệnh. Còn nhớ, khi đó, lễ cầu nguyện diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn trống vắng, trong tiết trời lạnh lẽo và mưa dầm.
Buỗi lễ khởi đầu khi ca đoàn cùng cộng đoàn hát “The First Noel” (Noel đầu tiên), bài ca Giáng sinh có lịch sử gần 200 năm bằng tiếng Ý. Thay vì tổ chức ở bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô như thông lệ, Thánh lễ Giáng sinh 2020 được cử hành tại bàn thờ Ngai Tòa, và lời mở đầu trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô chính là tiên báo đã được ứng nghiệm của Tiên tri Isaia: “một người con đã được ban tặng cho chúng ta”.
Nhấn mạnh rằng “sự ra đời của Ngài là dành cho chúng ta - cho tôi, cho anh chị em, cho tất cả mọi người”, nên trong bài giảng, người đứng đầu Giáo hội Hoàn vũ đã tập trung vào từ “cho”. “Thiên Chúa đã đến thế gian trong hình hài của một hài nhi bé nhỏ để làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa”, Đức Cha Phanxicô khẳng định, và nói thêm: “điểm khởi đầu của mọi sự tái sinh là sự thừa nhận rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa”.
“Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta” như lời Tiên tri Isaia, và Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, Con Thiên Chúa đã chào đời “vào ban đêm”, “trong máng cỏ thấp hèn của chuồng ngựa tối tăm”, “không có chỗ ở đàng hoàng, trong cảnh nghèo đói và bị chối bỏ”, cho dù Ngài “xứng đáng được sinh ra như một vị vua oai phong lẫm liệt nhất trong cung điện huy hoàng tráng lệ nhất”. Lý do, là để thể hiện tình yêu của Ngài “đối với thân phận con người”.
Không phải ngẫu nhiên, “Chúa chạm đến tận đáy sự bần cùng của chúng ta bằng tình yêu cụ thể của Người”, “thậm chí Con Thiên Chúa sinh ra đã bị ruồng bỏ, để nói với chúng ta rằng mọi người bị ruồng bỏ đều là con của Thiên Chúa”. “Người đến với thế giới khi mỗi đứa trẻ chào đời, yếu đuối và dễ bị tổn thương, để chúng ta có thể học cách chấp nhận những điểm yếu của mình bằng tình yêu dịu dàng”, theo lời giảng của Đức Thánh Cha.
Trong bài giảng, nhắc nhiều đến máng cỏ ở Bethlehem, nơi Con Thiên Chúa “đã đặt toàn bộ ơn cứu rỗi của chúng ta”, Đức Cha Phanxicô cảnh báo: “Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, như muốn nhắc nhở chúng ta rằng, để sống, chúng ta cần có Người”, “chúng ta cần được lấp đầy bằng tình yêu” nhưng trái lại, con người đã chóng quên để lao theo “thèm khát giải trí, thành công và những thú vui trần tục”, “khiến chúng ta trống rỗng bên trong”.
Khác với tấm gương của Chúa Giêsu “không nói một lời nào nhưng dâng hiến cuộc sống”, con người “ba hoa đủ thứ lời, nhưng thường ít nói về điều lành phúc đức”. Ham muốn chiếm hữu vô tận, con người “chạy theo vô số máng cỏ chứa đầy phù du mà quên mất máng cỏ Bethlehem (...) nghèo nàn về mọi thứ nhưng giàu tình yêu thương”, quên rằng phần lương đích thực là “để được Chúa yêu thương và đến lượt yêu thương người khác”.
“Chúa đã chào đời trong hình hài một đứa trẻ để khuyến khích chúng ta quan tâm đến người khác”, Đức Cha Phanxicô dành một phần riêng để nhắc nhở các bậc cha mẹ “phải có nhiều tình yêu thương và sự kiên nhẫn”. Với con cái, “phải cho chúng ăn, chăm sóc chúng, tắm rửa cho chúng và quan tâm đến tính dễ bị tổn thương và nhu cầu của chúng”, những điều không dễ dàng. “Một đứa trẻ (...) cũng có thể dạy chúng ta cách yêu thương”.
Trích nữ thi sĩ Mỹ Emily Dickinson “Nơi ở của Chúa là bên cạnh tôi, đồ đạc của Ngài là tình yêu” trong phần kết thúc bài giảng Thánh lễ đêm Noel, Đức Thánh Ca Phanxicô nói: Thiên Chúa đã đến trong cảnh nghèo khó và thiếu thốn để nói rằng “khi phục vụ người nghèo, chúng ta sẽ bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Người”. Tình yêu của Thiên Chúa nhắc nhở rằng “thời gian của chúng ta (...) là để an ủi những giọt nước mắt đau khổ”.
Ngày 25-12, Đức Giáo hoàng Phanxicô còn một Sứ điệp Giáng sinh với nội dung kêu gọi hòa bình và tình huynh đệ được truyền qua mạng Internet. Sau đó, người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã đã ban Phép Lành Toàn Xá “Urbi et Orbi” - “Cho thành Roma và toàn thế giới” -, lễ chúc lành đặc biệt cho các tín hữu Công giáo và toàn thế giới trong cảnh đại dịch Covid-19 còn hoành hành trên nước Ý và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...