Trong họp báo tối hôm qua, thứ Sáu 16-10, Thủ tướng Alexander de Croo nhấn mạnh: dịch bệnh sẽ còn nặng lên trong những ngày tới và tuần tới, số ca nhiễm mới và tử vong tăng hàng ngày. Theo thủ tướng, mọi cư dân sẽ phải rất kỷ luật và tuân thủ các biện pháp giữ gìn vệ sinh, giãn cách xã hội.
Trong khuôn khổ các biện pháp ứng phó được tuyên bố, các nhà hàng sẽ phải đóng cửa trong vòng một tháng kể từ thứ Hai tới (còn quán bar thì đã bị chính phủ cho tạm ngừng hoạt động từ một tuần nay). Bên cạnh đó, lệnh giới nghiêm được đưa ra trong thời gian từ nửa đêm tới 5h sáng hôm sau.
Ở Bỉ, trong tuần này, con số ca nhiễm mới hàng ngày trung bình lên tới 6.000 ca, theo giới chức y tế. Kể từ khi dịch Covid-19 len lỏi vào quốc gia nhỏ ở vùng Benelux này, tính đến nay đã phát hiện 192 ngàn ca nhiễm. Tuy nhiên, “ngăn sông cấm chợ” cũng là điều mang lại những ảnh hưởng vô cùng lớn.
David Nabarro, một quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách vấn đề dịch Covid-19 phát biểu với báo giới rằng “chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng quá nhiều những hạn chế, phong tỏa làm công cụ hàng đầu của sự phòng dịch, và xin được lưu ý các nhà lãnh đạo trên thế giới như thế”.
Theo WHO, sự phong tỏa chỉ có lý do nếu giới lãnh đạo muốn có thời gian tái tổ chức, khôi phục sự cân bằng các nguồn lực, bảo vệ các nhân viên y tế đã kiệt sức vì công việc... Bằng không, “ngăn sông cấm chợ” tác động ghê gớm đến xã hội, nền kinh tế và du lịch, gây cảnh đói nghèo, thất nghiệp.